07:15 02/11/2014

Doanh nghiệp chần chừ tái cơ cấu chưa được xử lý để làm gương

Nguyễn Lê

Quốc hội giám sát tối cao về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu.
Báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát tái cơ cấu trong ba lĩnh vưc trọng tâm sáng 1/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã nêu nhiều vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Kết quả giám sát cho thấy, tiến độ thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến mang tính đột phá, nhất là phân bổ lại nguồn lực hiện có và phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp và xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường.

Trong 3 năm 2011-2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp với số cổ phần chào bán giá trị gần 19 nghìn tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2014, đã tiếp tục sắp xếp 92 doanh nghiệp. Theo kế hoạch đến cuối năm 2014 sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa và cuối quý 32015 toàn bộ các doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa để tiến hành bán cổ phần lần đầu, Chủ nhiệm Giàu cho biết.

Đánh giá chung qua giám sát là các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục nắm thị phần lớn, tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, góp phần vào ổn định kinh tế-xã hội, ngăn chặn suy giảm.

Tỷ trọng đóng góp vào GDP của các doanh nghiệp khu vực này đạt mức 34,72% ở năm 2009 và đạt 32,4% vào năm 2013. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được cho là tương đối ổn định với doanh thu năm 2013 là 1.471.018 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước năm 2013 đạt 218.915 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhà nước tạo việc làm cho khoảng 1,255 triệu lao động và có mức thu nhập tương đối ổn định so với thu nhập lao động chung của cả nước, Chủ nhiệm Giàu cho biết tiếp.

Không ít hạn chế, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được chỉ ra tại báo cáo giám sát, trong đó có việc chưa xem xét, xử lý một số doanh nghiệp chần chừ trong quá trình triển khai tái cơ cấu để làm gương và tạo áp lực buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.

Báo cáo giám sát cũng cho rằng tiến độ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước còn chậm, tổng số tiền thu về còn thấp so với tổng số vốn đã đầu tư. Phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên khó thu hút được các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm.

Việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, về đại diện chủ sở hữu nhà nước là hạn chế đã được nói đến rất nhiều, song theo kết quả giám sát thì vẫn chưa nhiều thay đổi.

Mối liên hệ giữa người đại diện vốn Nhà nước và chủ sở hữu chưa được quy định cụ thể, còn chồng chéo giữa chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý Nhà nước, quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, báo cáo giám sát nêu rõ.

Lo ngại tiếp theo được chỉ ra là quy định ủy quyền toàn bộ việc quản lý vốn nhà nước thông qua người đại diện có thể dẫn đến rủi ro khó kiểm soát. Công tác kiểm toán, thanh tra còn mang tính kế hoạch hoặc khi có dấu hiệu sai phạm mới thực hiện nên tính phòng ngừa chưa cao chế tài xử lý chưa đủ mạnh, việc xử lý vi phạm không nghiêm, thiếu kịp thời.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, tiềm ẩn rủi ro cao,Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá.