11:49 30/10/2014

Doanh nghiệp đã hết thời “cứ có vốn là có lời”

Nguyên Hà

Góc nhìn về tình hình kinh tế Việt Nam từ các đại biểu Quốc hội là doanh nhân

"Nền kinh tế như người vừa ốm xong thì khó bình thường được, nhưng tình hình sẽ dần tốt lên".
"Nền kinh tế như người vừa ốm xong thì khó bình thường được, nhưng tình hình sẽ dần tốt lên".
Sáng 30/10, Quốc hội bắt đầu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội 2014 và kế hoạch 2015.

Trước đó, tại các phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến đại biểu tỏ ra không mấy lạc quan về bức tranh doanh nghiệp hiện tại, khi mà doanh nghiệp trong nước đang mất dần vị trí trên thị trường, bị các doanh nghiệp FDI lấn lướt.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, đa số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế đề nghị trong thời gian tới cùng với mục tiêu “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô” là mục tiêu cơ bản, xuyên suốt thì cần “tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân”.

Bởi nếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sâu hơn sẽ tác động tiêu cực đến chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, dòng tiền ách tắc và nợ xấu tăng lên…

Tuy nhiên, ghi nhận trước thềm phiên thảo luận toàn thể từ chính một số vị đai biểu - doanh nhân lại cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan.

"Nền kinh tế như người vừa ốm xong thì khó bình thường được, nhưng tình hình sẽ dần tốt lên", đại biểu Phan Văn Quý, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương bày tỏ.

Theo vị doanh nhân này, trong năm 2014 với sự cởi mở của thể chế kinh tế, những rủi ro từ chính sách vĩ mô cho doanh nghiệp đã được giảm thiểu rất nhiều. Việc Quốc hội sẽ thông qua theo quy trình một kỳ họp dự án luật sửa một số điều của các luật thuế, hay việc giảm số giờ nộp thuế, theo ông Quý thể hiện rất rõ tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp của nhà nước.

Mặc dù vậy, ông Quý cho rằng kinh doanh bây giờ không còn như những năm 2007 về trước là cứ có vốn là có lời, vốn to thì lời lớn.

“Giờ không có chuyện đó, có vốn rồi cộng thêm tính toán kỹ lời được 15% là may lắm rồi, sung sướng lắm rồi”, ông Quý nhìn nhận.

Cũng từ góc nhìn của một đại biểu - doanh nhân, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID) - đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhận xét báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội này có nhiều điểm khác biệt so với kỳ trước, kể cả cách tiếp cận vấn đề.

Phần hạn chế yếu kém được nói rất rõ ràng, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra rằng tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, dù kết quả năm 2014 đã khá hơn rất nhiều, bà Hường nhận định.

Đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ, song bà Hường cũng có chung tâm tư với một số vị đại biểu khác, khi sắp tới Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do.

Lúc đó luồng vốn và nhân lực được lưu chuyển tự do, Việt Nam phải có chính sách thúc đẩy nguồn lực nội tại của mình để mình mạnh lên chứ chúng ta không thể giàu lên nhờ anh hàng xóm được, đại biểu Hường bình luận.

Liên quan tới bức tranh doanh nghiệp, nhắc con số 52 ngàn doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường và gần 51 ngàn doanh nghiệp ra đời trong năm nay, bà Hường cho rằng tuy số lượng gần tương đương nhau nhưng tác động đến nền kinh tế là khác nhau.

Cho biết cùng chung quan điểm với nhiều vị đại biểu khác, Chủ tịch VID cũng không giấu lo ngại khi số doanh nghiệp đang hoạt động – trong đó có cả doanh nghiệp tầm trung và một số doanh ngiệp lớn - mà rời bỏ thị trường thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến người lao động. Còn với chính sách ưu đãi hiện nay thì các doanh nghiệp  mới thành lập trong mấy năm đầu sẽ chưa đóng góp được bao nhiêu.

Con số gần 400 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động so với 90 triệu dân, theo bà Hường cũng là khá khiêm tốn.

"Muốn nền kinh tế vững vàng thì cần có chính sách để nhiều người muốn tham gia kinh doanh hơn, có nguồn thu cho ngân sách nhà nước, còn số doanh nghiệp giải thể nhiều thế thì đại biểu không thể yên tâm được. Trong thời gian tới chính sách cần hướng đến xây dựng doanh nghiệp Việt có tên tuổi trên thế giới và có đủ sức mạnh kháng cự bão táp thị trường", bà Hường tâm tư.

Nhìn vào chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,2% của năm sau, vị đại biểu - doanh nhân này cũng cho rằng không dễ gì có thể đạt được và “không có cách nào khác là cần tập trung chăm lo cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp có khỏe mới đóng góp được cho nền kinh tế".

Đề cập mối liên quan giữa chỉ số lạm phát thấp với sức khó khăn của doanh nghiệp tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Hường cho rằng ba năm qua sức cầu thị trường kém nên doanh nghiệp ít nhiều cũng nản.

Song, quan điểm của Chủ tịch VID là phải có sự kiên trì để giữ ổn định vĩ mô. Bởi nếu doanh nghiệp cứ canh cánh câu chuyện là CPI cao chót vót như một số năm trước thì rất “kinh khủng".