Doanh nghiệp dù yếu kém, có lỗ, thậm chí đứng trước khả năng phá sản vẫn cần được tiếp cận vốn?
Không phải cứ lỗ là xấu bởi thực tế, có nhiều doanh nghiệp, dự án đang ở giai đoạn đầu lỗ nhưng bản chất dòng tiền kinh doanh của họ vẫn dương, khả năng chi trả nợ của họ vẫn còn, sức khoẻ tài chính ổn định, khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tín dụng ổn định...
Trái phiếu doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư sau sự kiện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước huỷ 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Thông tin bắt lãnh đạo Tân Hoàng Minh cùng với những lần kêu cứu của nhà đầu tư để nhận lại được tiền đã và đang đặt ra vấn đề về tính pháp lý với doanh nghiệp huy động vốn và an toàn trong đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư. Nếu giải quyết được cả hai vấn đề này cùng một lúc sẽ giúp khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Để dần đạt được mục tiêu đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi sẽ thiết kế những quy định đem lại lợi ích "win - win" cho tất cả các bên. Tuy nhiên, có một vấn đề nổi cộm mà theo giới phân tích cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn, đó là quy định doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không được lỗ.
Phát biểu tại Toạ đàm "Thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức 29/4, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm, Nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, FiinGroup, cho rằng, không thể nào áp đặt quy định cứng rắn chặn nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp.
Không phải cứ lỗ là xấu bởi thực tế, có nhiều doanh nghiệp, dự án đang ở giai đoạn đầu lỗ nhưng bản chất dòng tiền kinh doanh của họ vẫn dương, khả năng chi trả nợ của họ vẫn còn, sức khoẻ tài chính ổn định, khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tín dụng ổn định. Chưa kể, họ cũng có thiện chí trả nợ thì vẫn nên cho phát hành trái phiếu.
"Doanh nghiệp lỗ không phải là xấu. Chúng ta cũng nên nhận diện sự khác biệt giữa doanh nghiệp có khả năng trả nợ và thiện chí trả nợ của doanh nghiệp đó. Trái phiếu riêng lẻ nên hướng đến là kênh để doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn minh bạch hoàn toàn có thể tiếp cận được", ông Tùng Anh nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện của FiinGroup, tài sản đảm bảo hay tiêu chuẩn lãi lỗ cũng không thể giải quyết được hết vấn đề nên với những thay đổi sắp tới, cần thiết xếp hạng tín nhiệm trái phiếu riêng lẻ theo thông lệ quốc tế, tiêu chí này phù hợp với rủi ro tín dụng hơn là những quy định có thể làm thắt chặt cung lẫn cầu hiện nay.
"Trách nhiệm xếp hạng tín nhiệm là vai trò tín thác, FiinGroup muốn làm tốt để thị trường vốn minh bạch, phát triển. Theo kế hoạch, thị trường vốn mục tiêu 2030 quy mô Trái phiếu doanh nghiệp chiếm 20% GDP, con số giờ đã là gần 14-16% có lẽ chưa đến 2030 chúng ta đã đạt 18-19% nhưng nếu cứ để thị trường rủi ro thì liệu có giữ được 20% hay lại thụt lùi, rồi lại tìm cách trèo lên mục tiêu đã đề ra? Với thông lệ quốc tế, nhu cầu mua trái phiếu chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ, thì xếp hạng quan trọng để thị trường phát triển minh bạch và bền vững", Trưởng nhóm, Nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, FiinGroup nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐQT VietinBank Capital, cho rằng cần phải bảo đảm một nguyên tắc, đấy là một thị trường nợ dân sự. Ở chừng mực nào đó, phải coi việc chứng khoán hóa các các khế ước nợ dân sự giữa bên cho vay và bên đi vay và chúng ta phải tôn trọng tính thỏa ước dân sự, hãy để cho thị trường, hãy để cho nền kinh tế tự điều tiết.
"Chúng ta phải thống nhất với nhau một ý kiến rằng, phải tạo điều kiện cho có cơ hội tiếp cận vốn và phát triển kinh doanh. Từ đó, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của toàn đất nước. Với doanh nghiệp dù yếu kém, có lỗ, thậm chí đứng trước khả năng phá sản vẫn cần được tiếp cận vốn", vị này nói.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ một kênh cực kỳ quan trọng đối với họ. Bản thân ngân hàng thương mại chặn rất nhiều cung ứng vốn đến các doanh nghiệp yếu kém, cổ phiếu thì không dễ dàng thu xếp vốn đối với cả doanh nghiệp, đặc biệt khi có vấn đề các quy định liên quan đến phát hành hoặc đại chúng hóa một doanh nghiệp rất khó khăn.
Do đó, nếu chặn nốt kênh trái phiếu phát hành riêng lẻ, buộc họ sẽ phải nghĩ đến một kênh vốn đầu tư mạo hiểm hoặc buộc lại phải quay lại thị trường chợ đen. "Đối với vai trò quản lý của cơ quan nhà nước, tôi tin rằng mọi các cấp lãnh đạo đều mong muốn kiềm chế, kiểm soát và hạn chế tối đa vai trò của thị trường chợ đen đối với các doanh nghiệp, trong những trường hợp khó khăn", ông Đức nói.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ năm 2015 đến nay, thị trường vốn đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ với quy mô tương đương 134,5% GDP, gấp 3,5 lần so với 2015. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP, trái phiếu đạt 39,7% GDP; đặc biệt, trái phiếu doanh nghiệp đạt 14,2% GDP; ở một số thống kê khác, con số này được cho là 16,6% GDP.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 1/2022 đạt mức 45.374 tỷ đồng, giảm 84,9% so với quý trước dù vẫn tăng mạnh 48,3% so với cùng kỳ nhưng dự báo quý 2 và 3 tiếp tục trầm lắng.