Chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong
Vào lúc 9h ngày 29/4/2022, Toạ đàm: "Thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức sẽ được phát trực tuyến trên VnEconomy.vn và FanPage VnEconomy...
Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường vốn đang có quy mô tương đương 134,5% GDP, gấp 3,5 lần so với 2015. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp đạt 14,2% GDP; thậm chí ở một số thống kê khác, con số này được cho là 16,6% GDP.
Với sự phát triển ấn tượng như vậy, trái phiếu doanh nghiệp đã giúp ngành ngân hàng giảm bớt áp lực về số dư cho vay cũng như thanh khoản kỳ hạn đối với kênh tín dụng trung dài hạn.
Trước đó, do tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn quá cao, Ngân hàng Nhà nước buộc phải cho phép sử dụng tới 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong một thời gian rất dài. Và, sau nhiều lần trì hoãn việc giảm tỷ lệ này xuống thì hiện tại, theo Thông tư 8/2020 sửa đổi một số điều Thông tư 22/2019, tỷ lệ trên giảm xuống 37% trong giai đoạn 1/10/2021 đến 30/9/2022...
Tuy nhiên, phát triển nóng cũng đồng nghĩa phát sinh nhiều vấn đề mà pháp luật chưa kịp bắt nhịp theo. Cụ thể, một bộ phận nhỏ các doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính kém, không đủ điều kiện về chuẩn mực và giới hạn tiếp cận tín dụng đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn.
Từ đây, bằng nhiều con đường khác nhau, trái phiếu doanh nghiệp được phân phối đến các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư cá nhân dưới hình thức "hợp đồng hợp tác đầu tư”.
Bởi vậy, tình trạng trái phiếu doanh nghiệp có thông tin mù mờ, người đầu tư không phải trái chủ và không nắm được mục đích doanh nghiệp sử dụng tiền của mình để làm gì, đã trở nên nhức nhối, tạo nên tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, đến mức, cơ quan quản lý phải tiến hành một loạt động thái thanh lọc như vừa qua.
Nhưng cũng từ đó, tâm lý bất an xuất hiện; nhiều tin nhảm xuất hiện trên thị trường để trục lợi. Trước tình hình này, ngày 22/4, Chính phủ tổ chức Hội nghị: “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” dưới sự chủ trì Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tại đây, thông điệp được đưa ra rất rõ ràng và mạnh mẽ: Ai sai phải xử lý; sự thanh lọc thị trường là cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động lành mạnh.
Trên tinh thần như vậy, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với các chuyên gia đến từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm, quỹ, công ty luật tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong".
Các vấn đề chính sẽ được thảo luận gồm:
- Cập nhật diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 trong đó tập trung phân tích, đánh giá con số phát hành.
- Đánh giá động thái chấn chỉnh thị trường gần đây của cơ quan quản lý và những tác động tới thị trường.
- Nêu và kiến nghị sửa đổi một số bất cập hiện nay trên thị trường.
Khách mời của toạ đàm trực tuyến bao gồm:
- Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital;
- Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, FiinGroup;
- Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW;
- Nhà báo Đặng Hương, Trưởng Ban Đầu tư, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy điều hành tọa đàm.
Nội dung toạ đàm sẽ được phát trực tuyến vào lúc 9h00, thứ Sáu, ngày 29/4/2022, trên VnEconomy.vn và Fanpage VnEconomy.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!