09:30 04/07/2007

Doanh nghiệp, hải quan bất đồng vì hệ thống dữ liệu lạc hậu

Nguyên Linh

Đảm bảo trị giá khai báo của doanh nghiệp trong tính thuế xuất nhập khẩu hàng hoá vẫn đang là thách thức lớn của ngành hải quan

Trong nửa đầu năm, so sánh chênh lệch giữa trị giá khai báo của doanh nghiệp và xác định trị giá tính thuế cuối cùng của cơ quan hải quan đã lên tới gần 400 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm, so sánh chênh lệch giữa trị giá khai báo của doanh nghiệp và xác định trị giá tính thuế cuối cùng của cơ quan hải quan đã lên tới gần 400 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới đây, đảm bảo trị giá khai báo của doanh nghiệp trong tính thuế xuất nhập khẩu hàng hoá vẫn đang là thách thức lớn của ngành hải quan khi áp dụng các cơ chế, thủ tục mới theo Luật hải quan và các định chế hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoài việc hàng hoá xuất nhập khẩu ngày càng đa dạng, cũng còn không ít những vấn đề thuộc về cơ chế.

Tăng cường chất lượng cán bộ và thông tin

Trong nửa đầu năm, chỉ tính riêng ở các cửa khẩu có khối lượng hàng hoá lớn, so sánh chênh lệch giữa trị giá khai báo của doanh nghiệp và xác định trị giá tính thuế cuối cùng của cơ quan hải quan đã lên tới gần 400 tỷ đồng.

Loại hàng hoá phổ biến dễ xảy ra sự chênh lệch này vẫn rơi vào những mặt hàng nhạy cảm, có thuế suất cao như ôtô, xe gắn máy, hàng tiêu dùng gia đình, máy móc thiết bị,... Đặc biệt những mặt hàng có tính mới, phức tạp thường hay tạo những “bất đồng” trong việc xác định trị giá giữa 2 bên chủ hàng và cơ quan kiểm soát.

Trước hết, không thể bỏ qua một thực tế là từ khi bãi bỏ giá tối thiểu, tính thuế theo giá hợp đồng đã không ít trường hợp doanh nghiệp lợi dụng cơ chế này để trục lợi. Đây là điều tuy đã lường trước nhưng không phải dễ dàng khắc phục khi thương mại quốc tế ngày càng lớn, chủng loại hàng hoá đa dạng, tính đan xen của các hình thức sản xuất, kinh doanh đòi hỏi một trình độ, công nghệ ở mức độ cao mà Hải quan Việt Nam không một sớm một chiều có được.

Tuy nhiên, điều đáng nói, đa số những tồn tại của quá trình xác định trị giá hàng hoá xuất phát từ cơ quan hải quan được phản ánh từ những vấn đề thuộc về cơ chế và nguyên nhân chủ quan từ lực lượng kiểm soát cửa khẩu hiện nay.

Xác định trị giá tính thuế luôn được xác định là một trong những khâu trọng yếu của việc chống gian lận, chống thất thu thuế. Nhưng cho đến nay, Tổng cục Hải quan vẫn phải thừa nhận là trình độ người làm công tác giá của ngành vẫn còn yếu kém về chuyên môn, sự sắp xếp, bố trí chưa đúng đối tượng.

Phổ biến nhất là tình trạng ở các chi cục nhỏ vẫn chưa có cán bộ chuyên trách, do chế độ luân chuyển cán bộ đòi hỏi. Thực tế, việc tổ chức tham vấn nhiều mặt hàng mang tính hình thức, thực hiện chiếu lệ khi chưa thu thập đủ các nguồn thông tin, chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ trước khi tổ chức tham vấn, đặc biệt các trường hợp tham vấn cấp cơ sở. Số liệu báo cáo chứng minh: tỷ lệ hồ sơ các lô hàng bác bỏ trị giá khai báo chiếm tỷ lệ thấp (27%) trên tổng số tờ khai đã tham vấn.

Thậm chí, có trường hợp “bỏ sót” những lô hàng mà giá khai báo thấp hơn cả giá bộ linh kiện cùng loại. Tình trạng thiếu và không chuyên trách cũng xảy ra ở không ít cấp cục khi nhiều nơi không có phòng chuyên tham vấn hoặc cán bộ chuyên trách trong phòng nghiệp vụ.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là hệ thống dữ liệu - cơ sở cần thiết cho việc đưa ra giá chứng minh với doanh nghiệp cũng nằm trong tình trạng chậm theo kịp với yêu cầu. Theo báo cáo, hầu hết các cục hải quan địa phương hiện mới chỉ sử dụng hệ thống thông tin trị giá khai báo trên hệ thống dữ liệu thông tin về giá (GTT22) và các thông tin về giá trên mạng do Tổng cục cung cấp để tổ chức tham vấn. Các nguồn thông tin khác rất quan trọng như từ mạng, từ nhà sản xuất, thị trường,... ít được xem xét do những khó khăn về trình độ, điều kiện và trang thiết bị.

Kiểm chứng thông tin do doanh nghiệp đưa ra

Theo ý kiến chung, trong khi hải quan vẫn phải chủ yếu dựa vào hệ thống GTT22 thì tình trạng “bất đồng”, tranh cãi giữa Hải quan và doanh nghiệp sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng tới quyền lợi doanh nghiệp cũng như quá trình giao thương hàng hoá xuất nhập khẩu. Những bất cập của hệ thống GTT22 được phản ánh là ít tạo thuận lợi cho người sử dụng, một số chức năng của hệ thống thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn với quy định nghiệp vụ, nhiều tiêu chí không thực hiện được.

Một điểm đáng báo động khác là mức giá trên hệ thống thông tin dữ liệu GTT22 đang có xu hướng giảm dần, lạc hậu. Dĩ nhiên một phần cũng là do mặt bằng giá các mặt hàng cũ nhìn chung đang xuống, tuy nhiên, nguyên nhân chính là do hải quan địa phương thường chỉ cập nhật dữ liệu do doanh nghiệp khai báo tại hồ sơ nhập khẩu mà ít chú trọng tới các nguồn thông tin khác, đặc biệt là thông tin những mặt hàng “đời mới”.

Do vậy, các thông tin trọng hệ thống cơ sở dữ liệu giá của hải quan còn nghèo nàn, thông tin có độ tin cậy thấp, thiếu cập nhật với những biến đổi của thị trường. Một số trường hợp khiếu kiện kéo dài, khó giải quyết xảy ra thời gian gần đây cũng có bắt nguồn chủ yếu từ nguyên nhân này.

Theo ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, thời gian tới việc chấn chỉnh, đẩy mạnh khâu nghiệp vụ xác định trị giá tính thuế sẽ được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý ngành. Trước hết nhằm đáp ứng nhiệm vụ thu đúng, thu đủ của chỉ tiêu kế hoạch thu ngân sách Nhà nước, mặt khác, tạo tiền đề cho quá trình chuyển dần sang hình thức quản lý rủi ro, hậu kiểm thay tiền kiểm là những phương thức quản lý hiện đại và phổ biến hiện nay.