09:57 20/02/2023

Doanh nghiệp muốn vượt khó: Cần “bám sát” thị trường nội địa

Tuệ Mỹ

Những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu dự báo sẽ kéo dài sang những tháng đầu năm 2023. Chịu ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những dữ liệu mới nhất cho thấy, nhiều ngành sản xuất đã trải qua giai đoạn chật vật trong tháng đầu của năm 2023 và dự báo sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn để duy trì hoạt động trong những tháng tới. Vì vậy, để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó rất cần khâu quản lý và chính sách mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn; tiếp tục hỗ trợ khai thác thị trường mới và thị trường nội địa, hỗ trợ vốn vay, giảm và giãn thuế, đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục…

THỊ TRƯỜNG CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA PHÁT TRIỂN

Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam đang đặt kỳ vọng lớn vào thị trường tiêu thụ nội địa trong năm 2023. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết, với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên, cùng với sự gia tăng của nhóm dân số trung lưu cũng hứa hẹn mức chi tiêu cho các mặt hàng may mặc tại Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans (VitaJean) nhận định, những năm trước, nhiều doanh nghiệp dệt may, trong đó có Việt Thắng Jeans đã đẩy mạnh xuất khẩu nhưng chưa chú trọng thị trường nội địa. Từ quý 3/2022 trở đi, các đơn hàng giảm dần do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn giảm. Đứng trước khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn tới thị trường nội địa còn nhiều dư địa phát triển. “Từ khi chú tâm hơn vào thị trường nội địa, kết quả kinh doanh trong năm 2022 ở thị trường trong nước có mức tăng trưởng hơn gấp đôi so với năm trước đó", ông Việt cho biết.

Những năm trước, Công ty Cổ phần chế biến gỗ Đức Thành là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu với kim ngạch tăng cao hàng năm. Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chia sẻ: "Trong giai đoạn xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường nội địa cũng hỗ trợ doanh nghiệp bù đắp doanh thu. Nếu như những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85 - 86% so với tổng doanh thu của công ty, thì hiện nay chúng tôi đặt ra mục tiêu trong năm tới, tỷ trọng nội địa sẽ tăng trên 20%".

Với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng tiềm năng cho nhiều doanh nghiệp.
Với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng tiềm năng cho nhiều doanh nghiệp.

Là lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều sản phẩm tiêu biểu của TP.HCM, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên nhấn mạnh luôn xác định củng cố vững chắc tại thị trường nội địa làm tiền đề để mở rộng xuất khẩu. “Năm 2023, dự báo thị trường thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do sự sụt giảm về tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu. Vì thế, chúng tôi tiếp tục xây dựng, củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. Hiện nay, công ty đã hình thành mạng lưới phân phối sản phẩm thực phẩm với hơn 16.000 đại lý, điểm bán lẻ trên toàn quốc, phấn đấu trong 3 năm tới sẽ có 20.000 đại lý”, ông Vũ cho biết.

Thường được các công ty nước ngoài "chọn mặt gửi vàng" gia công sản phẩm, tuy nhiên trong 2 năm nay, Công ty TNHH Giày Nam Bình (Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng rơi vào cảnh khan hiếm đơn hàng. Không bó tay ngồi chờ, Ban giám đốc công ty đã quyết định  chuyển hướng, thay vì nhận đơn hàng nước ngoài về sản xuất thì tự làm ra sản phẩm phục vụ thị trường nội địa. Đến nay, mỗi tháng Công ty làm ra hơn 40.000 đôi giày cung ứng cho khách hàng trong nước, duy trì việc làm ổn định với mức lương cao cho 230 công nhân. Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty cho rằng nếu chịu khó tìm hiểu, nắm bắt được thị hiếu khách hàng nội địa thì doanh nghiệp sẽ thành công.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là hầu hết doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc phát triển thị trường nội địa. Nguyên nhân là do sản phẩm xuất khẩu có giá thành cao, khi sản xuất cho thị trường nội địa phải chấp nhận giá thấp hơn 5 - 7%. “Khi đầu tư nhiều hơn vào thị trường nội địa, tuy doanh số vẫn tiếp tục duy trì và tăng trưởng nhanh, nhưng lợi nhuận thực tế sẽ thấp hơn khoảng 3%, chỉ đủ để duy trì sản xuất tại nhà máy. Nhưng qua nửa đầu năm 2023  với nhiều thách thức, việc doanh nghiệp có thể giữ ổn định cũng là đều may mắn”, Chủ tịch Việt Thắng Jean nhận định...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 8-2023 phát hành ngày 20-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp muốn vượt khó: Cần “bám sát” thị trường nội địa - Ảnh 1