18:15 16/02/2023

Hoạt động M&A sẽ kích hoạt trở lại từ quý 2/2023?

Trâm Anh

Một công ty kiểm toán lớn trên thế giới vừa nhận định: Sau khoảng thời gian ngưng trệ, dòng chảy vốn qua kênh M&A dự báo phục hồi vào nửa sau năm 2023, khi các nhà đầu tư cân bằng được những rủi ro ngắn hạn với các chiến lược chuyển đổi kinh doanh dài hạn...

6 ngành được dự đoán sẽ tạo cơ hội cho hoạt động M&A vào năm 2023.
6 ngành được dự đoán sẽ tạo cơ hội cho hoạt động M&A vào năm 2023.

Ngày 16/2, Công ty Kiểm toán PwC công bố khảo sát xu hướng M&A (mua bán và sáp nhập) toàn cầu và Việt Nam năm 2023.

CƠ HỘI M&A TRONG 6 NHÓM NGÀNH

Đánh giá về xu hướng đầu tư tại Việt Nam, báo cáo PwC nêu rõ biến động kinh tế vĩ mô và xung đột địa chính trị thế giới có ảnh hưởng khác nhau lên các ngànhk; trong đó, 6 ngành được dự đoán sẽ tạo cơ hội cho hoạt động M&A vào năm 2023.

Thứ nhất, công nghệ, truyền thông và viễn thông.

PwC nhìn nhận số hóa vẫn đang là mối quan tâm chính với nhiều doanh nghiệp. Tương tự năm 2022, các giao dịch phần mềm sẽ tiếp tục chiếm phần lớn, lên đến 71% hoạt động giao dịch công nghệ và 74% giá trị giao dịch. Viễn thông, metaverse và trò chơi điện tử sẽ là các lĩnh vực nóng, thu hút hoạt động M&A vào năm 2023.

Thứ hai, sản xuất công nghiệp và ô tô. 

Thứ ba, dịch vụ tài chính. Sự gián đoạn từ các nền tảng giao dịch và fintech tạo ra những biến đổi nhanh về công nghệ trên toàn ngành, cũng như thúc đẩy hoạt động M&A trong khi các nhà giao dịch tìm cách thu hút năng lực số.

Thứ tư, năng lượng, tiện ích và khai thác. PwC cho rằng việc chuyển đổi năng lượng vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư và đội ngũ quản lý, hướng khối lượng vốn lớn vào hoạt động M&A và các dự án phát triển vốn.

Thứ năm, thị trường tiêu dùng. Dù vẫn còn những thách thức với người tiêu dùng năm 2023, việc đánh giá danh mục đầu tư và tập trung vào các giao dịch chuyển đổi sẽ tạo ra cơ hội cho M&A.

Thứ sáu, y tế và sức khỏe. Nhu cầu đổi mới sáng tạo hướng tới tăng trưởng sẽ thúc đẩy hoạt động M&A vào năm 2023. Công nghệ sinh học, nghiên cứu phát triển sản phẩm y tế (CRO/CDMO), công nghệ Y tế (MedTech), các giải pháp chăm sóc sức khỏe hướng tới người tiêu dùng và số hóa y tế dự kiến ​​sẽ thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư.

Ông Ong Tiong Hooi, lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch PwC Việt Nam, cho rằng năm 2023 được kỳ vọng sẽ là một năm hứa hẹn với thị trường M&A khi các giám đốc điều hành (CEO) tập trung tạo ra giá trị thông qua việc đổi mới doanh nghiệp và các hoạt động giao dịch.

"Tại Việt Nam, các nhà đầu tư đang quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, logistics và giáo dục, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng thị phần và khai thác lực lượng lao động có trình độ, cũng như phát triển các tệp khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần bắt đầu tích hợp yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào kế hoạch kinh doanh khi các nhà đầu tư bắt đầu ưu tiên các yếu tố này trong kế hoạch đầu tư của họ”, lãnh đạo PwC Việt Nam nhìn nhận.

Những tháng gần đây, Việt Nam cũng đang chứng kiến nhiều thương vụ thoái vốn chiến lược khỏi một số doanh nghiệp Việt Nam để cân đối dòng tiền nhằm đối phó với áp lực đáo hạn trái phiếu.

Cùng với đó, một xu hướng nổi lên gần đây đó là việc chia tách công ty gia đình có quy mô lớn trong chuyển giao tài sản, hay tiến hành thương vụ để thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, hoặc bán một phần doanh nghiệp hoặc cổ phần để có vốn cho hoạt động mở rộng chiến lược, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á nhằm ứng phó với những căng thẳng chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng trong khu vực.

HOẠT ĐỘNG M&A PHỤC HỒI NỬA SAU NĂM 2023

Cũng theo khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 26 của PwC, mặc dù các giao dịch toàn cầu đang phải chịu tác động từ kinh tế vĩ mô, như lo ngại suy thoái kinh tế, lãi suất tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, xung đột Nga - Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng, 60% CEO toàn cầu cho biết họ không có ý định trì hoãn các giao dịch vào năm 2023.

Đặc biệt, "hoạt động M&A toàn cầu có khả năng tăng trưởng vào nửa sau năm 2023, khi các nhà đầu tư và giám đốc điều hành tìm cách cân bằng rủi ro ngắn hạn với các chiến lược chuyển đổi kinh doanh dài hạn", PwC đánh giá.

Trước đó, năm 2022, thị trường M&A toàn cầu đối mặt nhiều thách thức, với khối lượng giao dịch giảm 17% và giá trị thương vụ giảm 37% sau một năm 2021 ghi nhận số giao dịch ở mức cao kỷ lục (65.000 giao dịch).

Hoạt động M&A toàn cầu năm 2022 cũng chứng kiến xu hướng khác nhau giữa các khu vực. Theo đó, trong năm 2022, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) ghi nhận số lượng giao dịch nhiều hơn châu Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương, bất chấp chi phí năng lượng cao hơn và những bất ổn trong khu vực. Điều này cho thấy sự dịch chuyển của các nhà đầu tư khi tìm kiếm cơ hội và tăng trưởng ở các thị trường nước ngoài.

Hoạt động M&A ở Châu Á Thái Bình Dương nửa đầu năm 2022.
Hoạt động M&A ở Châu Á Thái Bình Dương nửa đầu năm 2022.

Do đó, các công ty muốn tiếp cận thị trường châu Á đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ngoài Trung Quốc, như tại Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Ấn Độ đã nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn, vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ và xếp thứ hai trong khu vực chỉ sau Trung Quốc.

 

Năm 2022, tại Châu Á - Thái Bình Dương, số thương vụ M&A chỉ đạt khoảng 16.000 giao dịch, khối lượng và giá trị giao dịch giảm lần lượt 23% và 33% trong giai đoạn 2021 - 2022. Trong đó, Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất, với khối lượng và giá trị giao dịch lần lượt giảm 46% và 35% do bị ảnh hưởng của Covid-19 và nhu cầu xuất khẩu suy giảm.

Theo đó, Ấn Độ là một ngoại lệ của năm 2022 khi sở hữu số lượng giao dịch tăng 16% và khối lượng tăng 35%, đạt mức cao kỷ lục khi so sánh với mức giảm hai con số ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều vùng lãnh thổ khác.

Nhận định về hoạt động M&A năm vừa qua, ông Ong Tiong Hooi, cho rằng nền kinh tế toàn cầu hiện nay đang phải đối mặt với nhiều áp lực như lạm phát và suy thoái kinh tế, trong đó thị trường M&A Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Tuy nhiên, Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là điểm tốt nhất cho tăng trưởng toàn cầu do nhiều yếu tố bao gồm sự chuyển giao tài sản giữa các thế hệ, đẩy mạnh hiện đại hóa nội ngành, dòng chảy thương mại giữa các quốc gia Châu Á ngày càng tăng và mối quan tâm mới đối với yếu tố ESG.

Năm 2022, thị trường M&A tại Việt Nam cũng chứng kiến nhiều cú bắt tay hợp tác trong các thương vụ lớn trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo và tiêu dùng, điển hình như EDP Renewables (EDPR), nhà vận hành hệ thống điện mặt trời đóng tại Singapore mua lại hai dự án điện mặt trời ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, có tổng công suất 200 MWac (255 MWdc), với giá 284 triệu USD; hay Công ty TNHH The Sherpa thuộc Tập đoàn Masan đầu tư 261 triệu USD vào thương hiệu đồ uống Phúc Long...

Còn một số giao dịch M&A bất động sản nổi bật trong năm 2022 như thương vụ Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bất động sản Đông Sài Gòn (công ty con của Công ty cổ phần DRH Holdings) nhận chuyển nhượng lên đến 99% cổ phần tại Công ty cổ phầnTập đoàn Đầu tư Hòa Bình; Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes nhận chuyển nhượng 5,5 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Sao Ánh Dương...