08:08 21/08/2010

Doanh nghiệp nào phải bỏ hơn 100 tỷ đồng mua vỏ bình ga?

Y Nhung

Sau ngày 30/9/2010, doanh nghiệp kinh doanh gas vẫn không nhất thiết phải có 300.000 vỏ bình

Thương nhân xuất nhập khẩu gas và thương nhân phân phối gas cấp 1 là hai đối tượng phải có tối thiểu 300.000 vỏ bình gas khi kinh doanh.
Thương nhân xuất nhập khẩu gas và thương nhân phân phối gas cấp 1 là hai đối tượng phải có tối thiểu 300.000 vỏ bình gas khi kinh doanh.
Từ 1/10/2010, chỉ có hai đối tượng kinh doanh gas phải thực hiện quy định có tối thiểu 300.000 vỏ bình, chứ không bắt buộc đối với tất cả các thương nhân kinh doanh mặt hàng này.

Nghị định số 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (gas) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2010.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang kinh doanh gas, bắt đầu từ ngày 1/10/2010 quy định thương nhân phân phối gas cấp 1 phải đáp ứng đủ các điều kiện như có tối thiểu 300.000 vỏ bình và bồn chứa gas tối thiểu 800 m3… mới được áp dụng.

Song điều này đã khiến hầu hết các thương nhân đầu mối đang kinh doanh mặt hàng này “ngồi trên đống lửa”.

Tại hội thảo “Nghị định 107/2009/NĐ-CP thực trạng và giải pháp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ”, được tổ chức ngày 20/8, tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã không giấu được sự lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Viễn, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gas tại Thái Nguyên cho biết với quy định phải có tối thiểu 300.000 vỏ bình gas và 800m3 bồn chứa, hiện nay đại đa số doanh nghiệp đều không đạt. Liệu tất cả có bị phá sản sau ngày 30/9?

Cũng theo ông Viễn, mỗi vỏ bình ga hiện có giá khoảng 400.000 đồng nếu các doanh nghiệp đều phải đầu tư 300.000 vỏ bình thì riêng chi phí này đã lên tới 120 tỷ đồng. Trong khi nhu cầu sử dụng cũng không lớn tới mức đó. Như vậy, quy định này là không phù hợp với tình hình thực tế và gây lãng phí rất lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có địa bàn hoạt động chủ yếu ở các tỉnh miền núi.

Trước boăn khoăn này, ông Hoàng Đình Cường, chuyên viên Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: cơ quan quản lý nhà nước không yêu cầu tất cả các thương nhân kinh doanh gas phải sắm đủ 300.000 vỏ bình gas và có kho tiếp nhận gas tối thiểu 800 m3 mà chỉ có hai đối tượng phải thực hiện quy định này gồm: Những thương nhân xuất nhập khẩu gas và thương nhân phân phối gas cấp 1.

Theo đó, sau ngày 30/9, các thương nhân không thuộc hai đối tượng trên sẽ vẫn được hoạt động như bình thường, miễn sao đảm bảo tất cả các quy định đã được ban hành về an toàn.

Cũng theo ông Cường, tới đây Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi tới các đơn vị có liên quan để hướng dẫn chi tiết về điều này để tránh việc các doanh nghiệp sẽ bị làm khó.

“Vậy yêu cầu phải có 300.000 vỏ bình có áp dụng đối với nhà chuyên nhập khẩu gas rồi bán buôn bằng các téc lớn cho những đơn vị kinh doanh gas khác mà không hề liên quan đến việc bán lẻ”, ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Gas Sopet vẫn thắc mắc.

Thêm nữa, không ít doanh nghiệp cũng còn “lăn tăn”, nếu không đủ điều kiện là thương nhân xuất nhập khẩu và thương nhân phân phối cấp 1, nhưng họ vẫn đứng đầu trong hệ thống phân phối gas mang thương hiệu của mình thì sẽ được dùng bằng tên gọi nào.

Về điều này luật gia Vũ Xuân Tiền, Công ty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, Bộ Công Thương cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cho Nghị định để giúp các thương nhân bớt lúng túng khi thực hiện các quy định.

Ngoài ra, theo gợi ý của luật gia này, các thắc mắc của các đơn vị kinh doanh về tên gọi có thể được giải thích trong các văn bản hướng dẫn là khi không đạt tiêu chuẩn của thương nhân cấp 1, thì được gọi chung là các thương nhân kinh doanh gas và các thương nhân đó vẫn có thể mua gas trực tiếp từ các nhà nhập khẩu và phân phối lại trong hệ thống của mình.