18:26 08/12/2021

Doanh nghiệp nói gì về 62 dự án điện gió "hụt" ưu đãi?

Ánh Tuyết

"Khoảng trống" và sự thiếu ổn định của chính sách cùng yếu tố đại dịch Covid - 19 đã đẩy hàng chục nhà đầu tư điện gió thiệt hại không nhỏ vì không được hưởng lợi từ cơ chế...

Nhà đầu tư điện gió "đứng ngồi không yên" do chưa có định hướng rõ ràng và sự khó đoán định từ chính sách.
Nhà đầu tư điện gió "đứng ngồi không yên" do chưa có định hướng rõ ràng và sự khó đoán định từ chính sách.

Ngày 31/10/2021, giá mua điện gió ưu đãi hiện hành hết hạn theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Tính đến hết thời điểm trên, có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.298,95 MW được công nhận vận hành thương mại (COD); còn lại 62 dự án với tổng công suất gần 3.500 MW không kịp về đích và “hụt” ưu đãi. 

Chia sẻ tại tọa đàm “Đầu tư điện gió trong cảnh mới” do Tạp chí TheLEADER tổ chức ngày 8/12, các chuyên gia, doanh nghiệp đều khẳng định đầu tư vào các dự án điện gió là lĩnh vực mới, lại đòi hỏi công nghệ cao, đáp ứng hàng loạt điều kiện ngặt nghèo khắt khe từ xây dựng vận hành, chuyển giao và phát điện hoà lưới. Với 62 dự án không kịp về đích vào thời điểm 31/10 vừa qua, cần thêm tiếng nói giúp các nhà đầu tư hoàn thiện dự án và được hưởng những ưu đãi nhất định theo đúng lộ trình, đảm bảo tính hiệu quả của dự án. 

NHÀ ĐẦU TƯ "NGỒI TRÊN LỬA"

Theo Quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh, tương đương 2.223 đồng và trên bờ là 8,5 cent/kWh khoảng 1.927 đồng. Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.  

Dự án nhà máy điện gió Viên An có công suất 50 MW, do Công ty TNHH MTV năng lượng Viên An làm chủ đầu tư, có vốn đầu tư trên 2.411 tỷ đồng xây dựng trên địa bàn xã Nguyên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là một trong 62 dự án “chậm chân”, không kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi giờ chót.         

 
"Khủng hoảng đến với nhà đầu tư điện gió, tức phải hoàn thành bằng mọi giá, dưới mọi hình thức. Sau thời hạn đó không biết chính sách sẽ như thế nào. Đây là một bài học kinh nghiệm rất lớn cho vấn đề hoạch định chính sách".
Ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng.

Ông Trịnh Đức Trường Sơn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Năng lượng Viên An Cà Mau, nêu thực tế, quá trình xây dựng đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất, từ công tác thi công đến vận chuyển thiết bị máy móc đến công trường dự án đều gặp khó.

Ông Sơn phân tích, thứ nhất, vận chuyển tuabin từ nước ngoài về trải qua rất nhiều chốt kiểm dịch gắt gao tại Việt Nam. Thiết bị công ty nhập về tập trung tại cảng Ba Son, Vũng Tàu nhưng để đưa cán bộ kỹ thuật vào cảng Ba Son tương đối khó khăn do tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có những quy định giãn cách rất khắt khe.

Thứ hai, nhân lực muốn vào Cà Mau để triển khai trạm biến áp các vị trí đóng trục tua bin và đường dây dự án đều phải xin phép tỉnh. Tỉnh cho phép theo danh sách đề xuất mới được vào. Vào trong Cà Mau xong phải phải test Covid-19, sau đó, phải lưu trú 14-21 ngày trong khi tiến độ đang vô cùng gấp gáp. Vào được Cà Mau, nhưng muốn sang địa phương khác trong miền Tây như Sóc Trăng chẳng hạn cũng phải xin phép.

Thứ ba, trong quá trình thi công, có những sà lan trên biển, bên cạnh việc phải test 3 ngày/lần và di chuyển khó khăn từ sà lan vào trong đất liền, công ty phải chi trả chi phí test Covid-19 với tần suất test dày đặc, rất tốn kém lại ảnh hưởng tiến độ.

Chia sẻ sự bất an, sự lo lắng của các nhà đầu tư điện gió, ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương nói: “Các dự án điện gió thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn đến từ dịch bệnh Covid-19, sự chậm trễ của nhà cung cấp thiết bị, nhà thầu...". 

Theo ông Tuấn, trong trường hợp rủi ro ngoài tầm kiểm soát phải có sự hỗ trợ tương đối, chia sẻ rủi ro. Nhà nước phải gia hạn hoặc đề ra được những cơ chế chính sách để an tâm cho nhà đầu tư bởi lượng đầu tư cho năng lượng tái tạo không phải nhỏ, hàng chục tỷ USD.

"Nếu không được phát điện, không được COD, không được đấu nối sẽ trở thành một nguồn tài sản “chết”, thiệt hại không những đối với nhà đầu tư rất mà còn gây thiệt hại về mặt kinh tế xã hội”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nguồn: Trung tâm Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương.
Nguồn: Trung tâm Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương.

"KHOẢNG TRỐNG" VỀ CHÍNH SÁCH

Nhìn lại cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo thời gian qua, ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, Chính phủ ban hành 5 cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo.

Từ năm 2008, cơ chế thủy điện nhỏ được ban hành sớm nhất, đến nay chúng ta thu hút khoảng trên 4.000 MW. Sau đó, chúng ta có cơ chế cho năng lượng sinh khối biomass từ chất thải từ nông nghiệp, rác, nước thải đô thị, đến thời điểm hiện nay, thu hút được khoảng 600 MW.

Đối với điện mặt trời cũng có hai lần áp giá FIT, đầu tiên từ Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời hết hạn 30/6/2019. Thời điểm đó, chúng ta có khoảng 50.000 MW đưa vào vận hành. Sau đó, thực hiện tiếp Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, đến 31/10/2020, Việt Nam có khoảng 16.000 MW đưa vào vận hành.

Từ 2011, Quyết định số 37 xác lập cơ chế phát triển điện gió, sau đó là Quyết định số 39 từ năm 2018, đến nay chúng ta có khoảng 4.000 MW đưa vào vận hành.

Cụ thể, giá FIT năm 2011 chỉ là 7,8 cent/kWh, chúng ta chỉ thu hút được khoảng 200MW, không đạt được mong đợi Chính phủ. Nhưng từ năm 2018 cho đến ngày 31/10/2021, Chính phủ tăng từ 7,8 lên 8,5 cent/kWh với dự án trong đất liền và 9,8 cent/kWh đối với dự án ở ngoài khơi, chúng ta có khoảng 3.800 MW đưa vào vận hành. Số lượng công suất, dự án nhiều hơn mong đợi và mục tiêu của Chính phủ.

“Cơ chế giá FIT có đặc điểm đơn giản, dễ thực hiện, rất minh bạch nhưng có một vấn đề trong một số trường hợp nếu cơ chế giá không hấp dẫn không khuyến khích”, ông Khoa cho biết.

 
“Chúng tôi hy vọng cơ chế đấu thầu sẽ khắc phục những tồn tại, chúng ta mua đúng đủ theo yêu cầu, đúng thời điểm và và có giá cạnh tranh. Hiện nay cơ chế này do Bộ Công thương chủ trì, xem xét nên chưa có nhiều thông tin chia sẻ”.
Ông Trần Đăng Khoa
, Trưởng ban Thị trường Tập đoàn EVN.

Trưởng ban Thị trường điện EVN cho biết thêm, trên thế giới, để khuyến khích năng lượng tái tạo, đi từ chính sách từ thấp đến cao, ban đầu sử dụng cơ chế giá FIT, sau đó chuyển sang cơ chế đấu thầu. Những nước trong Liên minh châu Âu, trong quá trình đấu thầu, nếu tiền hỗ trợ ít nhất từ ngân sách của Chính phủ thì đơn vị đó thắng thầu. Các cơ chế đều có có điểm mạnh, điểm yếu, cơ chế tiến bộ dần. Cơ chế sau khắc phục khiếm khuyết của cơ chế trước.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo trong thời gian qua đều có thời hạn. Sau thời hạn đó, các nhà đầu tư thường rất băn khoăn về chính sách tiếp sau.

"Chúng ta chưa có định hướng rõ ràng sẽ phát triển theo con đường nào, chính sách tiếp tục hỗ trợ theo cơ chế cũ hay giảm hỗ trợ khi tính toán đến yếu tố công nghệ, giá thành xây lắp giảm đi hoặc có thể chuyển sang một cơ chế hỗ trợ khác như đấu thầu", ông Tuấn chỉ rõ.

Tuy nhiên, “sự hỗ trợ cho sự phát triển một nền công nghiệp như năng lượng tái tạo phải mang tính chất dài hạn và ổn định”, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phải hoạch định ra những cơ chế rõ ràng sau thời hạn 31/10/2021 sẽ tiếp tục thế nào. Cơ chế cũ đã hết hạn, hiện giờ có rất nhiều các đề xuất khác nhau, nhưng đưa vào áp dụng thực tế ra sao, đến bây giờ vẫn chưa rõ.

“Chính phủ nếu thực sự quyết tâm thúc đẩy cho năng lượng tái tạo cần có những biện pháp, giải pháp đề xuất sớm, nhìn nhận ra vấn đề, giúp nhà đầu tư thấy được tiền đầu tư của mình ra đầu tư sẽ đem lại được một hiệu quả nào đó đáng kể", ông Tuấn khẳng định.

 
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

"Chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án năng lượng tái tạo.

Tôi cho rằng, cần sớm ban hành cơ chế đấu thầu phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo các bước. Đó là, xác định khối lượng cần đầu tư xây dựng các dự án điện trong từng năm, từng vùng, miền nhằm tránh quá tải cho đường dây. Các dự án điện mặt trời không nên quá tập trung quá lớn tại một hoặc một vài địa điểm nhằm tránh quá tải cho lưới điện. Các dự án được chọn trên cơ sở giá đề xuất từ thấp đến cao đến khi đủ công suất theo yêu cầu".