Doanh nghiệp quốc tế quan tâm ngành nhựa Việt Nam
Xuất khẩu ngành nhựa Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định và được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển
Xuất khẩu ngành nhựa Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định và được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển. Điều này dẫn đến các nhà cung cấp máy móc, thiết bị của ngành trên thế giới tăng cường sự hiện diện ở thị trường trong nước, trong đó đáng chú ý là sự tham gia đông đảo của các thương hiệu lớn tại các triển lãm chuyên ngành như tại VietnamPlas 2018 sẽ được tổ chức tại Tp.HCM từ ngày 4 đến 7-10 tới.
Dư địa thị trường còn lớn
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), từ hơn một thập kỷ qua cho đến hiện nay ngành nhựa luôn duy trì tăng trưởng trung bình ở mức hai con số về khối lượng nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất khẩu sản phẩm nhựa. Điều này cho thấy tiềm năng của ngành nhựa trong nước là rất lớn.
Các thống kê của VPA cho thấy, trong năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu ngành nhựa Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2016. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có sự tăng trưởng cao gồm: Hàn Quốc tăng 30%, ASEAN tăng 24,2%, Nhật Bản tăng 14,8%... Khu vực thị trường lớn là EU giữ vững mức tăng trưởng, thậm chí tăng ấn tượng như xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 61,5%.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng hợp số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa đạt khoảng 1,43 tỉ đô la Mỹ, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu sang hơn 35 thị trường trên thế giới; trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản nhập khẩu nhiều nhất nhóm mặt hàng này của Việt Nam, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 312,47 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ chiếm 15,6%, đạt 223,73 triệu USD, tăng 22,8%; Hà Lan chiếm 5,3%, đạt 75,88 triệu USD, tăng 17,5%; Hàn Quốc đạt 75,32 triệu USD, tăng 30,4%;…
Về sức cạnh tranh của ngành, theo các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, nếu trước đây doanh nghiệp nhựa thường là các công ty gia đình, công ty tư nhân có quy mô nhỏ lẻ thì nay cùng với xu thế hội nhập, các doanh nghiệp ngành này đang lớn dần và duy trì sự phát triển qua từng năm.
Hiện doanh nghiệp nhựa nội địa đang cạnh tranh tương đối tốt với các công ty nước ngoài cũng như các mặt hàng nhựa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Những doanh nghiệp có thế mạnh nội địa đã và đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nhà xưởng, liên kết cùng các công ty nước ngoài để tập trung đầu tư sản phẩm cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu
Thị trường xuất khẩu được đánh giá còn nhiều tiềm năng và có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Do đó để cạnh tranh tốt hơn, giới chuyên gia cho rằng các nhà sản xuất phải tính đến chuyện đầu tư máy móc mới, đặc biệt là những công nghệ sản xuất tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường,…
Sức hút lớn với thương hiệu quốc tế
Với những lợi thế trên, trong những năm qua, Việt Nam cũng chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu cho ngành nhựa.
Thông qua các triển lãm hội chợ, các nhà triển lãm nước ngoài đã có cơ hội tiếp cận với những doanh nghiệp sản xuất ngành nhựa trong nước để cung cấp máy móc thiết bị hoặc tìm nhà phân phối tại Việt Nam. Như tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Nhựa và Cao su tại Việt Nam (VietnamPlas) trong nhiều năm qua lượng doanh nghiệp nước ngoài tham gia mỗi năm càng tăng về quy mô và cả những thương hiệu lớn.
Trải qua hơn một thập kỷ, VietnamPlas đã khẳng định vị thế là triển lãm thương mại danh tiếng trong ngành nhựa và cao su tại thị trường Việt Nam, mang đến hàng loạt máy móc công nghệ mới. Đơn cử như VietnamPlas 2018 sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 7-10 tới tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Tp.HCM đã thu hút 520 nhà cung cấp hàng đầu đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia gồm Bỉ, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Singapore, Hà Lan, Ba Lan, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam.
Với quy mô diện tích hơn 18.000m2 triển lãm sẽ trưng bày các giải pháp sản xuất tốt nhất cho ngành nhựa và cao su trong nước và cập nhật những kiến thức chuyên sâu từ các chuyên gia trong ngành.
Tại VietnamPlas năm nay, công ty WAPS mang đến máy đúc nhựa áp lực series BS-III với tính linh hoạt cao và tiết kiệm năng lượng. Nhà sản xuất máy tái chế nhựa danh tiếng Polystar không chỉ mang đến máy tái chế chất lượng cao mà còn giới thiệu máy thổi màng và máy làm túi.
Trong khi đó, công ty Lung Meng sẽ giới thiệu máy thổi màng hiệu suất cao dành cho các nhà sản xuất túi nhựa tại Việt Nam. Nhà sản xuất máy ép nhựa Haitian sẽ mang đến công nghệ CNC mới nhất nhằm tạo điểm nhấn cho ngành nhựa trong nước.
Nhà cung cấp nguyên liệu thô chất lượng cao Persian Gulf Polymer hứa hẹn sẽ mang đến Việt Nam các loại nguyên liệu giúp nâng cao giá trị sản phẩm nhựa trong nước. LS Mtron với loại máy ép phun nhựa tiết kiệm năng lượng và công nghệ phun chất lượng cao.
Với sự tham gia đông đảo của các thương hiệu lớn trong ngành, VietnamPlas 2018 được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành diễn đàn thương mại hàng đầu trong ngành nhựa, đáp ứng hầu hết các yêu cầu của các nhà sản xuất trong nước.
Triển lãm do Chi Nhánh Công ty cổ phần Quảng cáo Hội chợ Thương mại Vinexad kết hợp Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại & Tiếp thị Yorkers tổ chức, dưới sự hỗ trợ của Hiệp Hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hội Nhựa và Cao Su Tp.HCM (RPMA), Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam ( VAMI ), và một số hiệp hội quốc tế như Hiệp hội máy công nghiệp chế biến nhựa Hàn Quốc (KPPMIC), Hiệp hội máy móc công nghiệp Đài Loan (TAMI), Hiệp hội khuôn mẫu Đài Loan (TMDIA), Hiệp hội công nghiệp nhựa Đài Loan (TTPIA), Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT).
VietnamPlas sẽ mang đến buổi hội thảo chuyên sâu vào ngày 5-10 với chủ đề "Thực trạng rác thải nhựa và đầu tư tái chế chất thải nhựa tại Việt Nam" do Bộ Tài nguyên Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường, Quỹ Bảo vệ Môi trường cùng Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức.