Doanh nghiệp thành lập mới tháng 2/2024 giảm nhẹ, 2 tháng vẫn tăng hơn 12%
Dù số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 2/2024 giảm nhẹ so với cùng kỳ song với mức tăng đạt được trong tháng 1/2024, số doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023…
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tháng 2/2024 có 8,59 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 67,26 nghìn tỷ đồng, giảm 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 2,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù giảm trong tháng 2/2024 song tính chung cả 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn hơn 22,12 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Giảm về số doanh nghiệp nhưng vốn đăng ký thành lập trong 2 tháng đạt khá cao với 218,71 nghìn tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Cùng với hơn 300 nghìn tỷ đồng đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 2 tháng năm 2024 đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số 17 ngành kinh tế, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, có 12 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, bao gồm khai khoáng (28,8%), vận tải kho bãi (26,5%), hoạt động dịch vụ khác (21,5%), bán buôn – bán lẻ - sửa chữa ô tô, xe máy (20,2%)… Các ngành còn lại ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập giảm trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh nhất với mức giảm 8,7%.
Các doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0-10 tỷ đồng) với 20,3 nghìn doanh nghiệp, chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ (16,63 nghìn doanh nghiệp), công nghiệp (5,26 nghìn doanh nghiệp). Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận số doanh nghiệp ít nhất với 236 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới.
Có 5/6 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2023: Tây Nguyên (629 doanh nghiệp, tăng 24,6%); Trung du và miền núi phía Bắc (1,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 23,5%); Đông Nam Bộ (9,51 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,8%); Đồng bằng Sông Hồng (6,68 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,9%); Đồng bằng Sông Cửu Long (1,68 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,4%). Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2023 (2,43 nghìn doanh nghiệp, giảm 0,2%).
Về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tháng 2/2024 có 5,34 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 2 tháng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 18,97 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có mức tăng cao nhất (38,7%, 843 doanh nghiệp), tiếp đến là thông tin và truyền thông (19,7% và 449 doanh nghiệp), công nghiệp chế biến, chế tạo (14,4% và 2.210 doanh nghiệp)…
Về số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, xu hướng tăng tiếp tục diễn ra trong tháng 2/2024 với hơn 5,14 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh (tăng 35,3% so với cùng kỳ), 2,15 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (giảm 18,3%) và 1,5 nghìn doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại (tăng 29%).
Với đà tăng trong tháng 2/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong cả 2 tháng tăng 22,5% so với cùng kỳ (62,98 nghìn doanh nghiệp), trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 49,27 nghìn doanh nghiệp (tăng 27,1% so với cùng kỳ), doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 10,03 nghìn doanh nghiệp (tăng 6,5%) và doanh nghiệp giải thể là 3,67 nghìn doanh nghiệp (tăng 14,5%).