00:30 20/04/2007

Doanh nghiệp Trung Quốc thấy thị trường Mỹ kém hấp dẫn

Kiều Oanh

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng thị trường Mỹ không còn quá hấp dẫn như trước đây nữa. Vì sao lại như vậy?

Quan hệ thương mại Trung - Mỹ thường không mấy khi bằng phẳng.
Quan hệ thương mại Trung - Mỹ thường không mấy khi bằng phẳng.
Hầu hết các doanh nghiệp tham gia hội chợ Canton 2007, một trong những hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc, vừa được tổ chức đều khẳng định rằng thị trường Mỹ vẫn quan trọng đối với họ nhưng không còn quá quan trọng như trước đây nữa.

Các công ty Trung Quốc sản xuất từ dụng cụ vặn đinh ốc cho đến xe thể thao đa dụng đều cho biết xuất khẩu của họ đang tăng nhanh nhất ở châu Âu, châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ và một số khu vực thuộc châu Á thay vì thị trường Mỹ.

Theo các doanh nghiệp Trung Quốc tại hội chợ Canton năm nay, các yếu tố khiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm sút bao gồm việc đồng USD giảm giá so với Nhân dân tệ khiến hàng hoá của Trung Quốc tại Mỹ tăng giá, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ tại nước này.

Huang Yasong, Giám đốc thị trường nước ngoài của Tập đoàn Hubao, một công ty sản xuất áo sơ mi nam cho biết: “Không như ở châu Âu, nơi thị trường rất tự do, Chính phủ Mỹ đang cố gắng bảo vệ thị trường nước này.” Hiện xuất khẩu của tập đoàn này sang châu Âu, Nga và Brazil đang tăng nhanh.

Hangzhou Jilin Machinery, một công ty sản xuất tua vít và các công cụ khác cũng cho biết xuất khẩu của công ty sang Mỹ không tăng trong khi xuất khẩu sang các thị trường châu Phi, châu Âu và Trung Đông, đặc biệt là Australia tăng mạnh.

Zhao Wei, Giám đốc bán hàng của công ty này cho biết, nguyên nhân chính của xuất khẩu sang Mỹ không tăng là do đồng USD mất giá. Năm 2005, Chính phủ Trung Quốc nâng giá đồng Nhân dân tệ so với USD thêm 2,1%. Kể từ đó đến nay, Nhân dân tệ còn tăng giá thêm 5% so với USD.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ rất lớn và vẫn đang tiếp tục gia tăng. Do đó, vấn đề này đang ngày càng giành được nhiều sự quan tâm của phe Dân chủ trong Quốc hội Mỹ, làm tăng thêm khả năng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài và tình hình thậm chí sẽ xấu thêm trong những tháng tới.

Trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã vượt qua Canada để trở thành nước xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. Theo số liệu thống kê của WTO mới đây, trong nửa cuối năm 2006, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Đức.

Sản lượng kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều gấp 25 lần so với Mỹ phụ thuộc vào xuất khẩu sang nước này. Đáng chú ý hơn, mặc dù kinh tế Trung Quốc chỉ bằng chưa đầy 1/4 kinh tế Mỹ nhưng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lại nhiều gấp 6 lần kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Mỹ.

Tuy nhiên, Chính phủ và các công ty Trung Quốc đang nhận thấy ngày càng rõ nét nguy cơ về việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường duy nhất. Do đó, họ đang đẩy mạnh nỗ lực trong việc xuất khẩu sang các quốc gia khác, đặc biệt những nước đang phát triển hoặc kém phát triển.

Xuất khẩu của Great Wall Motor, một công ty sản xuất xe SUV và sedan, tăng gấp hơn 5 lần trong vòng 2 năm, lên mức 27.505 xe trong năm ngoái. Phần lớn xe của hãng này được xuất sang các nước đang phát triển nhanh và có nhiều dầu như Nga và Trung Đông. Wei Jiajun, Chủ tịch công ty cho biết: “Châu Âu và Bắc Mỹ không phải là thị trường hàng đầu của chúng tôi.”

“Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu trong những năm gần đây.”, Frank Lavn, một chuyên gia về thương mại quốc tế nhận định. Ông cũng khẳng định tỷ lệ của hàng hoá Trung Quốc trong kim ngạch nhập khẩu của Mỹ vẫn đang tăng nhưng với tốc độ chậm hơn.

Hiện nay, Trung Quốc cũng không chỉ sản xuất một khối lượng lớn áo sơmi và đồ chơi để xuất khẩu sang Tây Âu mà còn sản xuất rất nhiều mặt hàng công nghiệp và các phương tiện giao thông từ máy khâu cho đến xe tải hạng nặng. Số lượng các mặt hàng này xuất khẩu sang các nước đang phát triển ngày càng gia tăng. Nhiều trong số các nước này đang được lợi từ giá nguyên nhiên vật liệu gia tăng trên thị trường thế giới và chỉ cần đến hàng hoá có chất lượng tạm được như hàng hoá của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đang tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu của nước này sang khu vực Nam Âu. Kim ngạch xuất khẩu sang Tây Ban Nha và Italy đang tăng mạnh. Tại các thị trường này, khách hàng không giàu có và khó tính như ở khu vực Tây Âu.

Việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ đã được Trung Quốc tiến hành từ nhiều năm nay nhưng xu hướng này được đẩy mạnh trong năm vừa qua và đặc biệt là trong 2 tháng đầu năm nay trong bối cảnh đồng USD giảm giá so với đồng Nhân dân tệ cũng như một số đồng tiền khác.Đồng thời, giá trị của đồng Euro gia tăng so với các đồng tiền khác đã giúp hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu sang những nước sử dụng đồng tiền này rẻ hơn.

Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tới 31% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2000. Tuy nhiên, thống kê của Goldman Sachs cho thấy, tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 24% trong tháng 11 năm ngoái và 22,7% trong tháng 2 năm nay.

Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước châu Á khác đã giảm xuống trong khi xuất khẩu sang EU đã tăng nhẹ, đặc biệt là xuất khẩu sang khu vực Nam và Đông Âu.

Xuất khẩu sang các khu vực khác, chủ yếu là Ấn Độ, Brazil và Nga, đã tăng gấp đôi trong vòng 7 năm qua, lên mức 32% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm ngoái.

Sean Zhu, Phó giám đốc Ningbo Goutai Knitwear, một công ty sản xuất hàng dệt kim cho biết, hiện nay, mức giá của hàng hoá do công ty sản xuất tại thị trường Nga đã tăng lên rất nhiều.

Theo Wang Tongsan, một chuyên gia dự báo kinh tế cao cấp của Trung Quốc, đồng thời là thành viên của uỷ ban giám sát thực hiện kế hoạch 5 năm hiện nay của nước này, Chính phủ Trung Quốc không có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này tập trung vào nhiều thị trưòng thay vì chỉ thị trường Mỹ. Ông cho rằng, kim ngạch xuất khẩu sang các nước đang phát triển gia tăng trong thời gian qua là do nỗ lực của các doanh nghiệp nước này.

Nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc tại hội chợ Canton năm nay cho biết, Bộ Thương mại nước này đã không yêu cầu họ giảm sự lệ thuộc vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các hiệp hội ngành nghề thuộc Chính phủ đã trở nên năng động hơn trong việc giúp đỡ các công ty trong việc tham gia vào các hội chợ ở châu Âu và các nước đang phát triển.

Cũng theo ông Zhu, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm vô số thông tin về các thị trường nước ngoài trên các website của công ty Alibaba và các cơ quan Chính phủ nước này.

Các quan chức của Trung Quốc nhận thức rõ ràng về những rủi ro mà các hàng rào thương mại của Mỹ có thể mang lại. Cuối tháng 3 vừa qua, Chính quyền Tổng thống Bush đã tiếp nhận lời buộc tội của các doanh nghiệp Mỹ về việc các đối thủ Trung Quốc của họ được nhận trợ cấp. Tuần trước, Mỹ đã chính thức nộp hai đơn kiện Trung Quốc lên WTO về việc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu trên diện rộng.

Các quan chức Trung Quốc được kỳ vọng là sẽ sang Mỹ đặt mua hàng hoá trước khi diễn ra các cuộc họp giữa hai nước tại Washington vào tháng tới để bàn bạc các vấn đề về chính sách thương mại song phương. Bằng cách tập hợp nhiều thoả thuận mua hàng riêng lẻ trong một vài thông báo được quảng bá mạnh mẽ, các quan chức Trung Quốc có thể mô tả rằng nước Mỹ cần đến thị trường Trung Quốc, mặc dù giá trị hàng hoá Mỹ xuất sang Trung Quốc chỉ chiếm xấp xỉ 0,4% sản lượng kinh tế Mỹ trong 2 tháng đầu năm nay trong khi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm gần 10% tổng sản lượng kinh tế cùng kỳ của Trung Quốc.

Những vụ mua hàng được quảng bá mạnh mẽ tương tự cũng diễn ra trước và trong khi chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Mỹ 1 năm trước đây. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tiến hành các chuyến mua hàng tương tự đến Mỹ trong suốt những năm 1980, khi mà thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ trở thành một vấn đề chính trị trong quan hệ giữa hai nước.

Cuối tuần trước, báo chí Trung Quốc cho biết nước này sẽ thực hiện các kế hoạch đã được mong đợi từ lâu về giảm ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và nước ngọt, đều là những tài nguyên mà nguồn cung đang hạn hẹp Trung Quốc, như sản xuất thép.

Để nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc trong việc tăng nhập khẩu, tên chính thức của hội chợ Canton đã được thay đổi đầu tuần này bằng cách thêm vào từ “xuất khẩu”. Giờ đây, hội chợ này có tên là Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc, mặc dù Ban tổ chức và các doanh nghiệp tham gia vẫn sẽ gọi đây là hội chợ Canton (Canton là tên tiếng Anh của Quảng Châu).

Tuy nhiên, rất khó để có thể từ bỏ những thói quen cũ. Các công ty nước ngoài được mời đến trưng bày hàng hoá nhưng chỉ được dành cho những gian hàng ở vị trí kém hấp dẫn.Chỉ có 18 công ty Mỹ, phần lớn là các doanh nghiệp ít tiếng tăm, tham dự hội chợ này với những gian hàng khiêm tốn. Công ty được biết đến nhiều nhất trong số này là Columbus McKinnon of Amherst, một công ty kinh doanh các loại dây tời điện sản xuất tại Mỹ.

Zhang Qing, Giám đốc bán hàng tại Trung Quốc của công ty này cho biết, mặc dù đồng USD đang mất giá, công ty vẫn tập trung vào việc bán các sản phẩm chất lượng cao thay vì cạnh tranh về giá với các nhà sản xuất địa phương.

Tuy nhiên, cũng tại hội chợ này, Henry Hu, Giám đốc của Rightool Industrial I/E, một công ty chuyên sản xuất các thiết bị vặn, cho biết, công ty này đang đáp lại sự mất giá của USD bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm của mình và điều này sẽ giúp họ trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn trong tương lai.

Ông Hu nói: “Mọi người đều lo lắng nhưng chúng tôi tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính phủ đang khuyến khích chúng tôi không chỉ sản xuất mà còn đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển.”

(Theo ITH)