Doanh nghiệp Việt có 100 đồng đi vay 65 đồng?
Ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng tỷ lệ này khá an toàn và nó được thống kê từ hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam
Giới kinh tế những ngày đầu năm 2020 đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quan điểm và số liệu công bố của một nhóm chuyên gia độc lập, GDP mỗi năm làm ra không đủ để trả lãi vay.
Để làm rõ quan điểm này, VnEconomy có tham vấn quan điểm của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của FiinGroup - đơn vị sở hữu kho dữ liệu về kinh tế, doanh nghiệp rất lớn tại Việt Nam.
Giới kinh tế hiện đang khá lo lắng về số nợ của doanh nghiệp phi tài chính được đưa ra bởi một nhóm các chuyên gia độc lập cho thấy tổng dư nợ của nhóm doanh nghiệp phi tài chính tính đến hết năm 2017 đạt 13,8 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn hơn 22 triệu tỷ đồng. Dữ liệu của Fiin về tổng nợ của khối doanh nghiệp trong nước nói chung và các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn hiện nay thì khối nợ đáng lo không?.
Dữ liệu từ Fiin cho thấy, 1.019 doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn chứng khoán tại Việt Nam thì hệ số nợ vay/vốn chủ (Debt/Equity) của khối doanh nghiệp đại chúng Việt Nam đang ở mức 0,65 lần. Tức là cứ có 100 đồng vốn tự có thì các doanh nghiệp đi vay ngân hàng hoặc vay chủ nợ khác 65 đồng và được gọi là nợ vay. Số nợ vay này nếu xem trong báo cáo tài chính thì nó thường bao gồm vay ngắn hạn và vay dài hạn trên bảng cân đối kế toán.
Mức độ đòn bẩy tài chính này thì có thể nói về lý thuyết đây là ngưỡng an toàn vì nó thấp hơn 1x. Tuy nhiên, để đánh giá cụ thể thì nó tùy thuộc vào các yếu tố khác cũng như là đặc thù của ngành. Chẳng hạn, ngành bất động sản lại có xu hướng giảm và hiện ở mức 0,57 lần vào cuối quý 3/2019 (dữ liệu được tính cho 110 công ty bất động sản bao gồm các tên tuổi lớn nhất như VinGroup, Sun Group, Novaland, Nam Long...).
Nguyên nhân xuất phát từ các chủ đầu tư bất động sản đã chủ động giảm tỷ lệ sử dụng vốn vay và chuyển hướng để khách hàng mua nhà vay thông qua các chương trình hợp tác 3 nhà: chủ đầu tư, ngân hàng và khách hàng mua nhà. Số dư nợ vay riêng cho khách mua nhà đã tăng rất mạnh trong 5 năm qua hiện chiếm khoảng 13,14% tổng dư nợ toàn ngành trong khi tổng dư nợ vay cho các chủ đầu tư hay doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm 6,1% tổng dư nợ vay toàn ngành. Do đó, đánh giá rủi ro của ngành bất động sản sẽ không chỉ tập trung ở phía doanh nghiệp hay chủ đầu tư mà chúng ta cần nhìn bức tranh rộng hơn đó là đến cả hàng trăm ngàn khách hàng vay mua nhà.
Xét về hệ số khả năng trả lãi vay (Interest Cover), theo dữ liệu của FiinGroup thì hiện hệ số này cũng của ngành bất động sản ở mức 3,5 lần cho năm 2018. Theo đó, doanh nghiệp cứ làm ra 3,5 đồng thì dùng 1 đồng trả lãi vay. Đây là mức có thể nói về khá là an toàn trên bình diện chung!
Tuy nhiên, chúng tôi dự kiến năm 2019 này sẽ giảm nhẹ do tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) và lợi nhuận trước khấu hao, thuế và lãi vay (EBITDA) đang có dấu hiệu giảm tốc.
Các nhận định này có được nhờ chúng tôi có thống kê và phân tích số liệu cho 3.000 công ty đại chúng tại Việt Nam định kỳ hàng quý và hàng năm qua. Khi mở rộng ra cơ sở dữ liệu cho khoảng 200.000 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam cũng cho kết quả tương tự.
Đó là với khối doanh nghiệp, còn hệ số đó với cả nền kinh tế thì sao. Ông nghĩ sao về quan điểm tăng GDP không đủ trả lãi vay hàng năm?
Đòn bẩy tài chính chỉ nên được xem xét ở dư nợ vay bao gồm các khoản phải trả lãi vay thay vì tổng mức công nợ của doanh nghiệp gồm nhiều hạng mục không có bản chất là “đi vay” theo nghĩa là trách nhiệm phải trả nợ ví dụ như doanh thu trả chậm, khách hàng - nhà cung cấp trả trước...
Việc dùng tổng công nợ để tính áp lực chi phí lãi vay mà một doanh nghiệp hay cả nền kinh tế phải trả là không hợp lý. Ví dụ nếu như tổng vốn chủ sở hữu 8,5 triệu tỷ đồng cuối năm 2017, của khối doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam là đúng thì nếu áp dụng hệ số D/E của các công ty đại chúng ở mức 0,65 lần thì số nợ vay sẽ ở mức 5,5 triệu tỷ đồng, chứ không phải là 13,8 triệu tỷ đồng.
Ước tính trên của chúng tôi dựa trên hệ số D/E của các công ty đại chúng. Nhưng thực tế các doanh nghiệp chưa niêm yết theo chúng tôi, có mức đòn bẩy thấp hơn vì các doanh nghiệp đại chúng hầu hết là các doanh nghiệp tốt và có định mức tín nhiệm cao hơn và do đó có thể được vay nhiều hơn.
Và nếu tính cả phần nợ Chính phủ (khoảng 3,4 triệu tỷ đồng) thì tổng nợ vay là vào khoảng 8,9 triệu tỷ đồng, tức tương đương 380 tỷ USD.
Để đánh giá khả năng trả nợ của quốc gia thì nên xem xét quy mô giữa tổng chi phí lãi vay phải trả (ước tính là 34 tỷ USD (380 tỷ USD * 9%). Nếu so với giá trị GDP danh nghĩa là 277 tỷ USD thì rõ ràng mức hệ số GDP/Chi phí lãi vay của toàn nền kinh tế hiện đang ở mức 8,1 lần.
Việc dùng tỷ lệ tăng trưởng 7% của GDP để tính và so sánh với chi phí lãi vay của toàn nền kinh tế là không hợp lý. Lý do là GDP, theo bản chất của nó, đã là giá trị tăng thêm dù các nhà kinh tế học có tính toán theo phương pháp nào đi chăng nữa.
Dĩ nhiên, theo chúng tôi được biết thì trong số nợ vay của doanh nghiệp cũng như nợ Chính phủ thì không phải khoản nợ nào cũng phát sinh và phải trả lãi. Chẳng hạn, các khoản vay ưu đãi trong nội bộ tập đoàn lớn và kể cả nợ Chính phủ vốn chiếm 52% GDP thì cũng có nhiều khoản nợ mà Chính phủ Việt Nam không phải trả lãi hoặc ưu đãi hoặc ân hạn.
GDP năm 2019 của Việt Nam được Chính phủ công bố khoảng 277 tỷ USD, Việt Nam vẫn thuộc nhóm tăng trưởng top đầu khu vực và thế giới? Nền kinh tế Việt đang tăng trưởng dựa nguồn lực nào và tăng trưởng đó so với khối nợ thì sao - có đảm bảo khả năng trả nợ, thưa ông?
Ở góc độ “cầu kéo” cho sự tăng trưởng GDP các năm gần đầy thì như nhiều nhà kinh tế đã phân tích thì tăng trưởng GDP của Việt Nam chủ yếu đến từ tăng trưởng xuất khẩu và cầu về tiêu dùng và đầu tư của khối tư nhân trong bối cảnh đầu tư công chậm lại.
Ở góc độ “nguồn cung” cho tăng trưởng kinh tế thì cũng rõ ràng là khối doanh nghiệp tư nhân, trong đó đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân mới nổi gần đây và khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp giá trị gia tăng cho phát triển kinh tế.
Xét trên góc độ về đánh giá khả năng trả nợ thì rõ ràng là chúng ta cần xem xét khối doanh nghiệp tư nhân trong nước thay vì khối FDI. Lý do là Nợ vay khối FDI có quy mô nhỏ hơn và thường gắn với sự hỗ trợ tài chính của các tập đoàn mẹ của họ.
Việc xem xét đánh giá khối doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam cần tổng thể chứ không thể dựa vào một vài chỉ tiêu tài chính và kết luận được điều gì. Tuy nhiên, số liệu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận kế toán vẫn tốt, nhưng chất lượng của lợi nhuận hàng quý đang có dấu hiệu đi xuống.