Doanh nghiệp Việt đối mặt nhiều thách thức lớn trong những tháng cuối năm
Tình hình sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt năm nay còn có hiện tượng “rất quái dị” khi đầu năm thì “thừa đơn hàng, thiếu thợ” trong khi cuối năm thì “thừa thợ nhưng lại thiếu đơn hàng”...
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33 ra ngày 15/8 dành nhiều trang viết trong mục tiêu điểm để tiếp tục đề cập đến những khó khăn của các doanh nghiệp. Mặc dù Covid-19 đã qua, giá xăng đã giảm, nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu, thì lại là câu chuyện khác.
Đại diệp Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết từ quý 2/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã phải cho công nhân nghỉ luân phiên vì thiếu đơn hàng. Thậm chí, tình hình xuất khẩu năm nay còn có hiện tượng “rất quái dị” khi đầu năm thì “thừa đơn hàng, thiếu thợ” trong khi cuối năm thì “thừa thợ nhưng lại thiếu đơn hàng”.
Những nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng này là do cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp; lạm phát ở nhiều quốc gia đang tăng phi mã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu… Theo dự báo, những tháng cuối năm sẽ tiếp tục là khoảng thời gian thử thách với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng với mức lạm phát tăng như hiện nay, chúng ta không thể cung cấp những khoản tín dụng với lãi suất thấp cho doanh nghiệp. Điều này buộc phải có các giải pháp hỗ trợ về tài khóa, khác hẳn so với những gì đã từng làm trước đây. Thúc đẩy tăng trưởng lúc này phải dựa vào chính sách tài khóa, nghĩa là phải có chính sách miễn giảm thuế phí để vực dậy các doanh nghiệp sau giai đoạn tổn thương vì Covid-19. Việc miễn giảm thuế phí này sẽ tạo ra tác động ngay tới nền kinh tế, thay vì tạo ra cơ chế xin - cho trong tiếp cận tín dụng.
Đáng tiếc, chính sách tài khóa của ta có nới lỏng nhưng chưa đủ mức, thu vẫn quá lớn. Nhiều khoản thu tăng 5-6 lần so với trước, gây sốc cho doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp đã chịu cú sốc giá từ bên ngoài lại phải gánh thêm cú sốc phí từ bên trong, nhiều doanh nghiệp không thể trở tay với các kế hoạch kinh doanh và không thể tiếp tục chịu đựng, buộc phải thu hẹp và rút khỏi thị trường. Nguy cơ đình lạm là rất rõ nếu không có những chính sách thích hợp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và nhanh chóng phục hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phải nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại chưa được giải quyết để khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó là việc tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và khắc phục chuỗi đứt gãy nguyên vật liệu sản xuất.
Và trong khi chờ đợi những chính sách lớn phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp ổn đinh phát triển sản xuất, hiện các đơn vị sản xuất cũng đã và đang tự tìm hướng đi riêng. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để bù đắp đơn hàng thiếu hụt, bên cạnh các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp trong ngành bắt đầu chuyển sang khai thác thị trường Trung Đông, châu Phi.
Nhiều doanh nghiệp cũng tăng cường tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu để đáp ứng sự thiếu hụt từ thị trường Trung Quốc do áp dụng chính sách Zero Covid hay thậm chí là liên kết sử dụng hàng hóa của nhau nhằm đảm bảo không bị gián đoạn sản xuất.