07:35 13/08/2022

Hơn 1.400 tỷ đồng hàng Việt được khối doanh nghiệp nhà nước tiêu thụ

Vũ Khuê

Trong 3 năm có 24/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối doanh nghiệp Trung ương đã ký kết 149 lượt thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, với 1.543 hợp đồng đã ký kết, tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.403 tỷ đồng...

Hội nghị “Các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hội nghị “Các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2020 – 2022 của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, ông Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cho biết sau 3 năm (2020-2022) thực hiện, Cuộc vận động được các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối triển khai hiệu quả thiết thực, tạo thói quen dùng hàng Việt, kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Tỷ lệ nội địa hóa tăng cao, thị trường được mở rộng, đặc biệt các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thể hiện tốt vai trò quan trọng trong bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu, bưu chính viễn thông, tiền tệ, tín dụng chính sách xã hội...

Đặc biệt, từ 2020 đến nay toàn Khối có 170.820 công trình, sáng kiến, giải pháp từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trị giá gần 711.400 tỷ đồng, giúp tiết kiệm, làm lợi cho doanh nghiệp, đơn vị hàng nghìn tỷ đồng.

Đã có 191.331 dự án, công trình, sản phẩm, dịch vụ thuộc 20/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối sử dụng vật tư, nguyên liệu trong nước trong mua sắm, đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào, với tổng giá trị hơn 944 nghìn tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, trong 3 năm có 24/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã ký kết 149 lượt thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, với 1.543 hợp đồng đã ký kết, tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.403 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cho biết 16 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã ký Thỏa thuận chung và 11 tập đoàn, tổng công ty ký kết Bản ghi nhớ song phương tiêu thụ sản phẩm.

Theo báo cáo của các Đảng ủy trực thuộc, từ năm 2020 đến nay, đã có 191.331 dự án, công trình thuộc 13/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối sử dụng vật tư, nguyên vật liệu trong nước trong mua sắm, đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào, với tổng giá trị gần 944.096,638 tỷ đồng.

Cuộc vận động đã mang lại hiệu quả hết sức to lớn khi tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã lên đến 80-90%, riêng hàng Việt tại chuỗi siêu thị Go của Tập đoàn Central Retail đạt 94-96%; tại chợ truyền thống 60-70%...

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, thực hiện Cuộc vận động các doanh nghiệp điển hình của tập đoàn đã cung ứng sản phẩm ra thị trường nội địa với doanh thu toàn hệ thống đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm.

Hơn 1.400 tỷ đồng hàng Việt được khối doanh nghiệp nhà nước tiêu thụ - Ảnh 1

Nhóm cung cấp sản phẩm đồng phục công sở đã đạt thỏa thuận cung ứng trong 7 năm cho Vietnam Airlines và 03 năm cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam với doanh thu tổng cộng hàng năm khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều đồng phục cho các doanh nghiệp thành viên ngành điện, dầu khí,… Riêng Tổng công ty Đức Giang đã cung ứng khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, sản xuất nguyên liệu, sợi, vải bán cho doanh nghiệp trong nước dệt vải và may mặc với doanh thu bình quân đạt khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh việc cung cấp cho khách hàng, doanh nghiệp các sản phẩm nội địa, hiện nay, trong toàn Vinatex, các đơn vị cũng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm trang thiết bị văn phòng, công sở.

Xây dựng kế hoạch dùng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công và thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất. Chủ động sử dụng nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập ngoại.

Đánh giá hiệu quả Cuộc vận động, ông Hiếu nhận định, thông qua Cuộc vận động, chất lượng hàng Việt Nam ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng và mẫu mã, lợi ích của người tiêu dùng cũng được quan tâm, đảm bảo hơn.

Cuộc vận động cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, ổn định tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Để Cuộc vận động thành công thật sự, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động chỉ rõ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ phải được nâng lên, phù hợp với thị hiếu người Việt. Đồng thời giá cả phải cạnh tranh tương đương với hàng hóa dịch vụ khác, chính sách hậu mãi phải tạo tiện lợi cho người tiêu dùng…

Bên cạnh đó phải thường xuyên cập nhật, công bố thông tin về tiêu chuẩn, giá cả, chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước đến công chúng, nhất là những loại hàng hóa, sản phẩm liên quan trực tiếp đến đời sống người lao động như: lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu…