Doanh nghiệp Việt tăng tốc thực hiện ESG
Sau giai đoạn “bỡ ngỡ” với các khái niệm về ESG (Môi trường – Xã hội - Quản trị doanh nghiệp), việc áp dụng thực hành ESG hiện nay tại doanh nghiệp Việt Nam đang ngày một rõ nét và hiệu quả hơn…
Là một trong 3 doanh nghiệp chiến thắng, được vinh danh tại Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) tổ chức, Công ty cổ phần HHP Global đã có thêm bước tiến mới trong việc triển khai thực hiện ESG.
“Trong năm 2024, HHP Global sẽ tiến hành kiểm kê và xây dựng kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại nhà máy HHP Paper Hải Phòng ngay sau khi nhà máy đi vào vận hành ổn định và sẽ công bố báo cáo ESG đến tất cả các nhà đầu tư, khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên, các bên liên quan khác”, bà Trần Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HHP Global cho biết.
Kế hoạch này được HHP Global đưa ra khi những nỗ lực thực hiện ESG trong năm 2023 đã được đẩy nhanh hơn và hiệu quả hơn khi doanh nghiệp tham gia Sáng kiến ESG Việt Nam 2023. Công ty đã thành lập Tiểu ban phát triển bền vững (Tiểu ban ESG) trực thuộc HĐQT để triển khai đồng bộ cả 3 trụ cột E-S-G từ ngày 08/8/2023 và đưa ra Tuyên bố chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG vào lễ Khánh thành nhà máy HHP Paper Hải Phòng vào ngày 23/12/2023 vừa qua.
VẬN HÀNH DOANH NGHIỆP HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG HƠN
Việc vận hành doanh nghiệp hiệu quả và bền vững hơn cũng được ghi nhận tại Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) thông qua việc triển khai và áp dụng các thực hành ESG và tham gia Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023.
Thông qua các chương trình đào tạo như Tập huấn nâng cao năng lực doanh nghiệp để thích ứng với yêu cầu chuyển đổi xanh, giảm phát thải và thực hành kiểm kê khí nhà kính hay Báo cáo Phát triển bền vững với bản cập nhật Tiêu chuẩn sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật từ Cục Phát triển doanh nghiệp và USAID, VNF đã có những định hướng và kế hoạch thực hiện ESG phù hợp hơn. Cụ thể VNF đặt mục tiêu thực hiện Báo cáo ESG định kỳ hàng năm (trước đây các mục tiêu ESG chỉ nằm trong định hướng chứ chưa được thống kê và biên bản hóa).
Ngoài ra, công ty cũng vận hành hiệu quả và bền vững hơn theo các mục tiêu E-S-G. Một số hoạt động triển khai/nhân rộng sáng kiến ESG đã giúp cắt giảm chi phí vận hành và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thị trường quốc tế theo hướng “xanh hơn – bền vững hơn”.
“Đặc biệt, hình ảnh và uy tín doanh nghiệp cũng được nâng cao và tiếp cận được nhiều đối tác, khách hàng hơn”, bà Nguyễn Vân An, Giám đốc Chiến lược của VNF chia sẻ.
Nhiều năm kinh nghiệm đầu tư, quản lý vận hành khu công nghiệp, ROX Group (tiền thân là Tập đoàn TNG Holdings Vietnam) đã tiên phong phát triển các giải pháp “xanh”, hướng đến phát triển bền vững. Toàn bộ hệ sinh thái KCN thông minh tại Quế Võ III do TNTech (thành viên thuộc ROX Group) phát triển.
Ông Hồ Anh Thắng, Giám đốc Giải pháp của TNTech, cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng một nền tảng quản lý tập trung tích hợp, thu thập tất cả dữ liệu từ hệ thống kỹ thuật và các loại cảm biến bằng công nghệ mới như điện toán biên, IoT và AI… Module tích hợp giúp kết nối hệ thống xử lý nước thải, quản lý năng lượng, đèn đường, phòng cháy chữa cháy…, liên tục thu thập và lưu trữ dữ liệu, từ đó tổng hợp lên báo cáo và đưa ra dự báo để phục vụ công tác quản trị, điều hành. Dữ liệu được tập trung quản lý tại lõi của hệ thống, kết nối với các ứng dụng liên quan như Quản lý vận hành, Quản lý tài sản, ERP…, đáp ứng nhu cầu tương tác của đơn vị quản lý khu công nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ việc làm, suất ăn..., và sẵn sàng để các hệ thống của bên thứ ba tích hợp khi có nhu cầu”.
Theo lãnh đạo ROX Group, giải pháp khu công nghiệp thông minh là “át chủ bài” giúp nâng cao hiệu quả vận hành và tăng cường khả năng cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên sản xuất thông minh.
Sự thay đổi theo hướng bền vững, tiệm cận yêu cầu quốc tế về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của các dự án khu công nghiệp do ROX Group đầu tư sẽ là yếu tố tích cực giúp nhanh chóng thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, cũng như cam kết của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu - COP26 (phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050).
So với các công ty trên, Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) có lợi thế hơn trong việc thực hiện mục tiêu E (môi trường) khi thực hành ESG tại doanh nghiệp. Dẫu vậy, theo bà Nguyễn Thị Huyền, thông qua Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023, Vinasamex đã có những thay đổi tích cực khi có quy trình sản xuất và kiểm soát chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc chặt chẽ hơn, đảm bảo chất lượng hàng hóa và thông tin minh bạch. Bên cạnh đó, công ty cũng xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro và biện pháp kiểm soát hợp lý, nhờ đó, đảm bảo được điều kiện sản xuất tốt hơn cho người nông dân và công nhân, cải thiện chất lượng sản xuất và ổn định chuỗi cung ứng, tăng ưu thế cạnh tranh.
“Theo đó, trong năm 2024, Vinasamex sẽ tiếp tục tăng quy mô sản xuất thông qua việc mở rộng vùng trồng, xây dựng thêm nhà máy tại các vùng nguyên liệu và kêu gọi thêm các nhà đầu tư tác động song hành để cùng nhau phát triển bền vững”, bà Huyền cho hay.
CẦN SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ
Dù việc thực hiện ESG tại doanh nghiệp đã đem đến những kết quả ban đầu song theo bà Trần Thị Thu Phương, để ESG trở thành “bà đỡ” cho doanh nghiệp phát triển trong dài hạn, cần có môi trường kinh doanh kiến tạo hơn.
“Chúng tôi đề xuất tăng cường hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp để xây dựng các khung pháp luật và chính sách hỗ trợ như tài chính xanh, nguồn tín dụng ưu đãi, hoặc ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp áp dụng thực hành ESG, các chương trình đào tạo và tư vấn ưu đãi… cho các doanh nghiệp thực hành ESG nhằm khuyến khích, hỗ trợ họ tiến nhanh hơn trên hành trình chuyển đổi xanh. Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp đã và đang thực hành ESG cũng là một trong những yếu tố quan trọng để có thể lan tỏa, thúc đẩy áp dụng thực hành ESG cho toàn thể cộng đồng doanh nghiệp”, bà Phương đề xuất.
Còn theo đại diện Vinasamex, trong việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững và thực hành ESG, nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường thì doanh nghiệp còn phải đầu tư thêm nguồn lực cho mô hình kinh doanh bền vững như: nhân sự phụ trách chuyên trách, chi phí xây dựng và quản lý quy trình chuẩn, đầu tư máy móc thiết bị phù hợp và chi phí đánh giá của các tổ chức công nhận độc lập.
Do vậy, có thể tạo ra các Quỹ đầu tư ESG dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể nhận được những hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, chính phủ và tư nhân. Bên cạnh đó, có thể xây dựng chính sách khoản vay ESG ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với điều kiện rõ ràng về việc sử dụng nguồn vốn này cho các dự án cải thiện ESG, hoặc các chính sách khuyến khích về thuế khác ...
Chuyển đổi xanh không còn là sự lựa chọn “có thể làm hoặc không” mà đang dần trở thành điều kiện bắt buộc cho các doanh nghiệp. Và không phải chỉ có các doanh nghiệp xuất khẩu mới phải tuân thủ, mà cả các doanh nghiệp nội địa cũng phải chuẩn bị sẵn sàng. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam ở COP26 với tuyên bố về mục tiêu Net Zero tới năm 2050.
“Khi thực hiện chuyển đổi càng sớm (lúc mô hình vận hành của chúng ta chưa quá phức tạp) thì chi phí chuyển đổi càng thấp và khả năng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu càng cao. Hơn nữa, khi đưa được thực hiện ESG xuyên suốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức cho toàn bộ nhân viên thì khi đó việc thực hành ESG sẽ diễn ra mọi lúc mọi nơi, chứ không còn là một sự cưỡng ép phải thực hiện”, đại diện VNF chia sẻ.