12:26 24/05/2022

Doanh thu 54 trạm thu phí BOT ra sao trước thời điểm "chạy đua" thu phí không dừng?

Ánh Tuyết

Trong quý 1, doanh từ từ 54 dự án BOT đang thu phí hoàn vốn đạt 3.286 tỷ đồng. Các trạm BOT đang khẩn trương chạy nước rút triển khai thu phí không dừng trong quý 2...

Sau ngày 31/7, nếu dự án nào chưa triển khai xong thu phí không dừng sẽ phải tiến hành xả trạm.
Sau ngày 31/7, nếu dự án nào chưa triển khai xong thu phí không dừng sẽ phải tiến hành xả trạm.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải về số thu dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT trong giai đoạn kinh doanh khai thác quý 1/2022.

Theo đó, số thu dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT của các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án giai đoạn kinh doanh, khai thác trong các tháng lần lượt là: 1.167 tỷ đồng; 1.007 tỷ đồng và 1.111 tỷ đồng.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng phần mềm giám sát doanh thu độc lập, kết nối với dữ liệu tại các trạm thu phí để giám sát chặt, chống thất thoát doanh thu.

 

Theo báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong quý 1/2022 có 54 dự án thu phí BOT với tổng thu gần 3.286 tỷ đồng, tương đương số thu quý 1/2021.

Đối với các nhà đầu tư dự án BOT, Tổng cục Đường bộ yêu cầu phải chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và của hợp đồng dự án đối với việc quản lý thu, chi; xây dựng các giải pháp tăng cường quản lý nội bộ, kiểm tra, xử lý vi phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí; có hình thức xử nghiêm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát công tác thu phí tại một số trạm thu phí BOT cho thấy vẫn còn xảy ra một số tồn tại như chưa tuân thủ chế độ báo cáo về lưu lượng và doanh thu theo nội dung quy định trong hợp đồng dự án và quy định của Bộ Giao thông vận tải; chưa nâng cấp trang thiết bị để thực hiện việc lưu trữ các dữ liệu thu theo quy định; miễn, giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ chưa đúng đối tượng.

Để chấn chỉnh, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải xây dựng các giải pháp tăng cường quản lý nội bộ, kiểm tra, xử lý vi phạm, sự cố, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí. Đồng thời, tăng cường tự kiểm tra, giám sát nội bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong thu phí.

Bên cạnh đó, để siết chặt chống gian lận, thất thoát doanh thu các dự án BOT và đẩy nhanh giải pháp giao thông thông minh với nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thu phí thủ công, lãnh đạo Chính phủ đang đôn đốc các cao tốc thu phí theo hình thức thu phí ETC đồng bộ.

Theo yêu cầu, hạn chót ngày 30/6, phải hoàn thành thu phí không dừng trên toàn bộ các trạm thu phí, đảm bảo tất cả các trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thống nhất tiến độ sau ngày 31/7, nếu dự án nào chưa triển khai xong thu phí không dừng sẽ phải tiến hành xả trạm và có chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm tiến độ. 

Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cùng chủ đầu tư phải chuẩn bị kỹ các phương án khi triển khai thí điểm chỉ thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng từ ngày 1/6.

Ngoài ra, liên quan đến tình hình thu phí trên các trạm BOT, thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho thấy, hiện còn 8 dự án BOT đang tạm dừng thu phí, cần xử lý bất cập. Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc chưa được thu phí hoặc đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, không thể lường trước như là sự kiện bất khả kháng hoặc do thay đổi chính sách pháp luật từ phía cơ quan Nhà nước.

Để xử lý vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT này cần bố trí vốn ngân sách nhà nước khoảng 11.710 tỷ đồng. Nếu các dự án BOT không được xử lý sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông.

 

8 dự án BOT đang tạm dừng thu phí, cần xử lý bất cập gồm: Trạm thu phí La Sơn-Túy Loan (dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả); trạm thu phí Bỉm Sơn (hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn Km0-Km6); trạm thu phí Km1747 (dự án BOT đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148-Km1763+610); trạm thu phí T2 (dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 qua TP Cần Thơ, đoạn Km14-Km50+889).

Cùng với đó là trạm thu phí Quốc lộ 3 (dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100); trạm thu phí cầu Thái Hà (dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình); dự án BOT Quốc lộ 26; dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT.