Doanh thu của LVMH là “tấm gương phản chiếu” của ngành hàng xa xỉ
Với ngân sách tiếp thị vô song và lợi thế cạnh tranh toàn cầu về bất động sản bán lẻ, tập đoàn sở hữu các thương hiệu Louis Vuitton, Dior và Loewe có cơ sở để hưởng lợi nhiều hơn so với đa số các doanh nghiệp xa xỉ nói chung…
Đầu tuần này, LVMH cho biết doanh thu của họ đã giảm 5% trong quý 3, thấp hơn nhiều so với ước tính. Đây cũng là lần đầu tiên “ông lớn” xa xỉ này công bố mức giảm doanh số hàng quý kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, với nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ suy yếu ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Cổ phiếu của LVMH đang trên đà giảm mạnh nhất trong vòng một năm, theo Reuters, khoảng 4% trong phiên giao dịch gần nhất. Theo các nhà phân tích, doanh số bán hàng giảm tại LVMH có thể báo hiệu thời kỳ khó khăn hơn nữa sắp xảy đến đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Đối thủ của LVMH là Kering - đơn vị sở hữu nhiều thương hiệu xa xỉ như Gucci - cũng ghi nhận mức giảm 3% giá cổ phiếu, trong khi cổ phiếu Hermes giảm 1,7% và L'Oreal giảm 4,3%.
Việc "ông trùm" hàng hiệu của Pháp không đạt doanh số quý vừa qua đã kéo theo sự sụt giảm của toàn ngành hàng xa xỉ. LMVH cho biết niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh có sự suy giảm rõ rệt. "Bản cập nhật giao dịch quý 3 của LVMH đã không trấn an được nhà đầu tư", báo cáo của JP Morgan cho biết đồng thời giữ nguyên xếp hạng "trung lập" đối với cổ phiếu LVMH. Các chuyên gia tại JP Morgan nói thêm rằng nhu cầu yếu ở Trung Quốc có thể xuất hiện trên toàn ngành hàng xa xỉ.
Các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy hy vọng phục hồi trong thời gian ngắn, nhưng sau đó cổ phiếu ngành hàng xa xỉ đã biến động trong bối cảnh kỳ vọng thay đổi. Các nhà phân tích đã hạ dự báo cho lĩnh vực này trong những tuần gần đây và đặt kỳ vọng thấp cho quý 3. UBS dự đoán đây sẽ là quý kinh doanh tồi tệ nhất trong 4 năm đã qua của ngành hàng xa xỉ, với doanh số giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thương hiệu Ferragamo của Ý cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 yếu kém vào thứ Ba, với doanh số giảm 7,2%. Nhà phân tích Thomas Chauvet của Citi cho biết, doanh thu của LVMH “rõ ràng là một tín hiệu tiêu cực đối với ngành xa xỉ phẩm trước mùa báo cáo quý 3 và trước thềm các mùa mua sắm quan trọng đón Giáng sinh và Tết Nguyên đán”. Theo kế hoạch, Kering sẽ báo cáo doanh số bán hàng quý vừa qua vào ngày 23/10 và Hermes công bố vào ngày 24/10.
Các nhà đầu tư vào LVMH vẫn đang mong đợi tác động tiềm tàng của các biện pháp kích thích tài khóa mới của Trung Quốc đối với chi tiêu của người tiêu dùng. Với Ngày độc thân 11/11 đang đến gần, họ hy vọng rằng các biện pháp này sẽ khuyến khích người mua sắm Trung Quốc tăng cường mua hàng xa xỉ như túi xách da thiết kế, có thể có giá lên tới 4.300 USD.
LVMH không công bố doanh số bán hàng của từng thương hiệu. Khi được hỏi liệu Dior có giảm doanh thu ở mức hai chữ số không, Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony giữ thái độ dè dặt, chỉ nói rằng “Tăng trưởng của Vuitton cao hơn một chút so với mức trung bình (5%), còn Dior thấp hơn một chút”. Bộ phận đồng hồ và trang sức của LVMH, bao gồm Bulgari, Tag Heuer và Hublot, đã giảm 4%.
Thương hiệu trang sức Tiffany tiếp tục báo cáo tăng trưởng ảm đạm mặc dù đã đầu tư mạnh tay kể từ khi LVMH mua lại vào năm 2020, bao gồm cả việc cải tạo rộng rãi cửa hàng flagship "Landmark" tại New York cùng với việc đại tu một phần tư mạng lưới cửa hàng toàn cầu. Bộ phận bán lẻ của LVMH, điều hành Sephora, và bộ phận nước hoa và mỹ phẩm do Parfums Christian Dior thống trị đều đạt mức tăng trưởng khiêm tốn, với doanh số tăng lần lượt là 2 và 3%.
Với cuộc bầu cử Hoa Kỳ sắp diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng tới, nguy cơ căng thẳng thương mại gia tăng giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc và Hoa Kỳ - EU, cùng sự thay đổi chính sách đáng kể ở Trung Quốc, câu hỏi đặt ra là liệu chu kỳ nhu cầu xa xỉ đã chạm đáy trong quý 3/2024 chưa? Những trở ngại kinh tế vĩ mô và tình trạng tăng giá mạnh khiến những người mua trung lưu đã không còn hứng thú với xa xỉ phẩm. Ngay cả những người tiêu dùng thượng lưu cũng có xu hướng chuyển sang chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và du lịch.
Theo báo cáo từ công ty tư vấn Bain & Co., doanh số hàng xa xỉ cá nhân trên toàn cầu - bao gồm quần áo, phụ kiện và mỹ phẩm - dự kiến sẽ chỉ tăng khiêm tốn ở mức 0 - 4% trong năm nay. “Khách hàng Trung Quốc từng là một trong những động lực tăng trưởng chính của ngành xa xỉ sau giai đoạn đại dịch. Do vậy, tình hình suy giảm doanh số hiện nay là rất đáng báo động”, các nhà phân tích tại Ngân hàng Bank of America nhận xét.
Mặc dù các mặt hàng xa xỉ ít có khả năng trở thành mục tiêu “trả đũa” thương mại của Trung Quốc đối với EU, nhưng theo quan sát của CEO Trajectry Patrice Nordey, doanh số hàng xa xỉ tại quốc gia tỷ dân sẽ giảm 10% trong năm 2024, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng trưởng 5 - 6% hồi đầu năm. “Các rào cản tăng trưởng xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ giới thượng lưu, tầng lớp trung lưu, thế hệ Gen Z cho đến cả những kênh bán lẻ cho khách du lịch. Hiện có quá nhiều thách thức mà các thương hiệu đều phải đối mặt”, ông Nordey giải thích.
Dù vậy, có ý kiến lạc quan cho rằng, người tiêu dùng Trung Quốc chắc chắn sẽ lấy lại hứng thú với thời trang cao cấp vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần. Tập đoàn tài chính Mỹ Jefferies cũng chỉ ra một số tín hiệu xung quanh việc nhu cầu sẽ tăng trở lại vào giữa năm 2025.
Trong nỗ lực mở rộng thị phần tại Trung Quốc, LVMH gần đây tăng cường hợp tác với Alibaba để tận dụng năng lực điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo của tập đoàn thương mại điện tử này. Ngoài ra, đơn vị bán lẻ du lịch của LVMH, DFS Group, cũng đang xây dựng một khu phức hợp mua sắm và giải trí lớn tại đảo Hải Nam.
Đã khó khăn là vậy, LVMH còn phải đóng khoản thuế bổ sung 800 triệu euro (khoảng 870 triệu USD), trong năm tới, sau khi Pháp tăng thuế các tập đoàn lớn nhất để củng cố tài chính công. Pháp sẽ đánh thuế hơn 400 tập đoàn kinh doanh có lãi, với doanh thu hằng năm trên 1 tỉ euro, nhằm đóng góp vào nguồn thu ngân sách 8 tỉ euro trong năm 2025 và 4 tỉ euro vào năm 2026, theo Bloomberg.
Trong một phát biểu ngày 15/10, Giám đốc Tài chính Jean-Jacques Guiony cho biết LVMH đang đóng 4,5% thuế doanh nghiệp toàn cầu tại Pháp, và nếu tập đoàn này phải đóng thêm mức thuế nói trên, con số này sẽ tăng lên khoảng 10%. Ngân sách năm 2025 là một phần quan trọng trong nỗ lực của Thủ tướng Michel Barnier nhằm củng cố tình hình tài chính, sau nhiều tháng bất ổn do quyết định giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm của Tổng thống Emmanuel Macron.