Giữa lúc đồng Yên yếu, thương hiệu Nhật Bản ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục 3 năm liên tiếp
Cho đến nay, các nỗ lực mở rộng ra bên ngoài Nhật Bản và châu Á của Fast Retailing đang bắt đầu đem lại trái ngọt, khi doanh thu tại Mỹ và châu Âu đã giúp công ty này đạt được lợi nhuận hoạt động kinh doanh cao hơn dự đoán…
Fast Retailing, công ty mẹ thương hiệu thời trang Uniqlo, mới đây đã công bố doanh thu đạt 3.100 tỷ Yên (20 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2024. Số liệu này tăng 12% so với năm trước đó và lần đầu tiên vượt mốc 3.000 tỷ Yên. Lợi nhuận hoạt động của công ty là 500 tỷ Yên (3,55 tỷ USD), tăng 31% so với năm trước đó. Con số này cao hơn dự báo của chính Fast Retailing và các nhà phân tích của hãng dịch vụ tài chính LSEG.
Theo Reuters, đây là năm thứ 3 liên tiếp công ty Nhật Bản ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục. Nhà sáng lập Tadashi Yanai cho biết công ty đặt mục tiêu thống trị các thị trường phương Tây, để nâng doanh thu lên trên 10.000 tỷ Yên trong thời gian tới. "Nếu muốn là thương hiệu toàn cầu hàng đầu thực sự, chúng tôi sẽ phải trở thành cái tên số một ở cả Bắc Mỹ và châu Âu", ông Yanai phát biểu tại cuộc họp báo cáo thu nhập, cùng với CEO Uniqlo toàn cầu Daisuke Tsukagoshi, người mà ông Yanai nhắc đến như một người kế nhiệm tiềm năng.
Vị tỷ phú giàu nhất Nhật Bản từ lâu đã muốn biến Fast Retailing thành chuỗi bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới. Sau đại dịch, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi, với người mua hàng ưu tiên sản phẩm có giá trị sử dụng cao hơn thay vì các sản phẩm xa xỉ. Sự thay đổi này đã mang lại lợi thế cho Uniqlo - thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm thời trang đơn giản, chất lượng và giá cả phải chăng.
Bên cạnh đó, Fast Retailing cũng hưởng lợi từ việc đồng Yên yếu. Sự bùng nổ của ngành du lịch Nhật Bản khiến doanh số Uniqlo trong nước tăng lên. Tại các thị trường quốc tế, biên lợi nhuận hoạt động của Fast Retailing đã cải thiện rõ rệt, đạt ít nhất 15% nhờ thương hiệu này ngày càng được nhận diện rộng rãi.
Giám đốc Tài chính Takeshi Okazaki cho biết, doanh thu tại Bắc Mỹ tăng 33%, tại châu Âu tăng 44,5%, và tại châu Á chỉ tăng 20%. Riêng tại Trung Quốc - thị trường nước ngoài lớn nhất của Fast Retailing - doanh thu chỉ tăng 9,2%, phản ánh những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt.
Nếu như năm 2023 chứng kiến sự lên ngôi của những mẫu túi bán nguyệt mini đeo chéo đặc trưng của Uniqlo trên khắp mạng xã hội, thì sang năm 2024, thương hiệu bán lẻ thời trang Nhật Bản lại tiếp tục “làm mưa làm gió” với dòng sản phẩm Bra Top tiện dụng, thoải mái. Được ngợi khen bởi The Times - nhật báo lâu đời và uy tín hàng đầu Anh quốc, hashtag #Uniqlobratop đã đạt 27 triệu lượt xem trên nền tảng Tiktok, ghi nhận ở quy mô toàn thế giới.
Đây là các minh chứng rõ nét về triết lý LifeWear được gửi gắm trong các sản phẩm của Uniqlo: trang phục đơn giản, chất lượng cao, tỉ mỉ trong từng chi tiết, đáp ứng nhu cầu thực tế và mỗi năm chỉ cần một sản phẩm “phủ sóng” mạng xã hội là đủ tạo nên giá trị truyền thông. Các nhà phân tích Catherine Lim và Trini Tan của Bloomberg Intelligence thì cho rằng các sản phẩm quần áo chống nắng hàng đầu của hãng đã nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nền nhiệt tăng cao và những mùa hè nóng kỷ lục.
Đặc biệt, Uniqlo chuyển chiến lược từ “nhiều” sang “ít”, chú tâm vào chất lượng cửa hàng thay vì số lượng như trước. Flagship là những cửa hàng được đầu tư mạnh, thiết kế đẹp, cao cấp để thể hiện cho bộ mặt của một thương thiệu. Uniqlo đang muốn thể hiện mình là một thương hiệu “tốt” thay vì là “thời trang nhanh” bằng cách đầu tư vào các cửa hàng như vậy.
Hồi tháng 4, họ ra mắt cửa hàng flagship ở Rome (Ý) và Edinburgh (Anh). Trước đó, họ đã có cửa hàng flagship ở London (Anh), Milan (Ý) và Nice (Pháp). Như vậy, Uniqlo hiện có 76 cửa hàng tại châu Âu trong tổng số 2.469 cửa hàng trên toàn thế giới.
Jun Kawahara, nhà phân tích cấp cao tại Daiwa Securities, chia sẻ rằng ở châu Âu, nhiều người rất ưa chuộng trang phục “đời sống”, tức là những trang phục chất lượng cao, thiết kế cơ bản, dễ dàng kết hợp với nhiều món đồ khác. Trong ý thức của người dân châu Âu, Uniqlo cũng không phải là thời trang nhanh, thương hiệu có những mặt hàng chủ lực rất dễ mặc, dễ phối và đủ bền để mặc quanh năm. Uniqlo cũng có danh tiếng khá tốt, bởi trong mắt người tiêu dùng châu Âu, sản phẩm Nhật Bản thường tập trung vào tay nghề thủ công và có chất lượng cao.
Fast Retailing cũng đang muốn gia tăng sự hiện diện của một thương hiệu thời trang khác của tập đoàn này là GU tại Mỹ và châu Âu. Dù GU, có mức giá thấp hơn đôi chút so với Uniqlo và hướng đến đối tượng khách hàng trẻ hơn, có chỗ đứng vững chắc ở Nhật Bản, nhưng thương hiệu này lại ít được biết đến hơn ở các thị trường lớn khác. Thương hiệu này đã bắt đầu tiến vào thị trường Bắc Mỹ, với việc mở cửa hàng tạm thời (pop-up store) đầu tiên tại quận SoHo của Thành phố New York (Mỹ) vào năm 2022.
Tuy nhiên, ông Dairo Murata, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty JPMorgan Securities Japan, cho biết so với Uniqlo, thương hiệu bán đồ thời trang thường ngày cho đối tượng khách hàng rộng, thì thị trường của GU sẽ bị giới hạn vì thương hiệu này bán hàng cho khách hàng trong độ tuổi 10 - 30. Dù vậy, bà Catherine Lim và ông Trini Tan nhận định GU có thể trở thành động lực tăng trưởng thứ hai cho Fast Retailing.
Fast Retailing cũng không từ bỏ tham vọng đối với thị trường Trung Quốc đại lục, nơi “ông lớn” này có hơn 900 cửa hàng. Uniqlo đang tiến hành đóng cửa những cửa hàng có kết quả không tốt ở Trung Quốc nhằm tối ưu hóa tài nguyên. Bất chấp nền kinh tế ảm đạm của Trung Quốc, ông Okazaki cho biết Fast Retailing vẫn lạc quan về thị trường này trong trung hạn đến dài hạn, và đang tập trung vào đầu tư cho chất lượng cửa hàng, thay vì gia tăng số lượng.
Trong khi đó, việc đồng Yên yếu đã khiến việc lập kế hoạch trở nên khó khăn đối với tất cả các công ty Nhật Bản. Trước mắt, các doanh nghiệp cũng đang phòng ngừa rủi ro để bảo vệ mình khỏi sự biến động của tiền tệ. Nhà sản xuất mỹ phẩm Shiseido Co. cho biết họ đang chuẩn bị cho những biến động bằng cách điều chỉnh tỷ lệ phòng ngừa rủi ro, đồng thời theo dõi thị trường.
Đồng tiền yếu hơn cũng khiến các thương vụ mua lại ở nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn, làm suy yếu chiến lược của các công ty muốn phát triển ở nước ngoài nhằm đối trọng với sự suy giảm dân số của Nhật Bản. Chủ tịch Fast Retailing Tadashi Yanai cảnh báo, tác động tổng thể của việc đồng Yên yếu hơn sẽ gây tổn hại cho toàn bộ đất nước. Ông Yanai cho biết: "Đồng Yên yếu không tốt cho Nhật Bản".