Đội hình tí hon doanh nghiệp logistics
Nhân lực logistics đang là khâu rất có vấn đề khi vừa thiếu, vừa yếu, nhất là về ngoại ngữ, năng lực quản lý
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển logistics Việt Nam của Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ cho biết về đội hình "tí hon" của doanh nghiệp logistics, với 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp cả nước.
Nhân lực logistics đang là khâu rất có vấn đề khi vừa thiếu, vừa yếu, nhất là về ngoại ngữ, năng lực quản lý. Trong giai đoạn 2015- 2030, cả nước cần tới 200.000 nhân sự, nhưng các bộ đang đào tạo nhân sự logistics ở 3 cấp độ đại học, cao đẳng và trung cấp, chủ yếu là cao đẳng và trung cấp, chỉ có quy mô hàng năm từ 3.500 - 5.000 học viên và khoảng 10.000 - 15.000 lượt người ở các trình độ sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới 1 tháng.
Đây là báo cáo đầu tiên của Bộ Công Thương về các doanh nghiệp logistics, cung cấp những dữ liệu quan trọng được thực hiện theo yêu cầu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ để giúp Chính phủ nhận định tổng quan lĩnh vực logistics tại Việt Nam hiện nay, từ đó đề ra những giải pháp phát triển ngành này, góp phần thúc đẩy thương mại trong nước cũng như xuất khẩu hàng hoá.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay ở Việt Nam chưa có từ nào có thể diễn giải đủ nghĩa của từ logistics. Nhưng có thể hiểu logisitics là "vòng tròn" các hoạt động lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan... nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.
Cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và hạ tầng giao thông trong thời gian vừa qua, dịch vụ logistics của Viêt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Khoảng 70% số doanh nghiệp này tập trung ở Tp.HCM và các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng (thấp hơn mức vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp cả nước), 1% có mức vốn trên 100 tỷ đồng, 1% có mức vốn từ 50 đến 100 tỷ đồng, 3% có mức vốn từ 20 đến 50 tỷ đồng, và 5% có mức vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng. Có tới 2.000 doanh nghiệp logistics là công ty TNHH MTV cũng cho thấy quy mô nhỏ bé.
Với 4.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có gần 400 doanh nghiệp tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA). Theo thống kê của VLA, những doanh nghiệp hội viên đại diện trên 60% thị phần cả nước, bao gồm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành. Điều này cho thấy, doanh nghiệp lớn có thị phần tốt có xu hướng chú trọng tới liên kết mạng lưới hơn các doanh nghiệp nhỏ.
Các doanh nghiệp logistics hàng đầu hiện nay là SNP, Gemadept, Transimex, IndoTrans, TBS Logistics, Tân Cảng Sài Gòn, Delta, U&I Logistics, Sotrans, Minh Phương Logistics,... đều là hội viên của VLA, cung cấp dịch vụ tới tất cả các thị trường chiến lược của Việt Nam.
Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia. Để mở rộng quy mô, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và hợp tác với các công ty logistics quốc tế.
Đáng chú ý, đang trong thời đại 4.0 nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics của doanh nghiệp hiện còn ở mức rất khiêm tốn, chủ yếu tập trung phục vụ khai báo hải quan và theo dõi, giám sát phương tiện.
Cùng đó, cả nước có 45 trung tâm logistics tại 9 tỉnh, thành phố nhưng đa phần là các trung tâm logistics hạng II (cấp vùng), chưa phát triển đúng định hướng tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ban hành năm 2015 là phát triển các trung tâm cấp I (cấp quốc gia) để trên cơ sở đó phát triển các trung tâm hạng II.
Bộ Công Thương ghi nhận các doanh nghiệp, Trung tâm logistics đang nỗ lực để đổi mới hoạt động. Ngoài các chức năng chính gồm bảo quản, dán nhãn, đóng gói, chia tách, xử lý hàng hóa, chuẩn bị đơn đặt hàng, các trung tâm logistics đang chuyển sang ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa, theo dõi, truy xuất vị trí.
Một số trung tâm logistics chuyên dùng được tự động hóa gần như hoàn toàn như các trung tâm logistics của Samsung, Unilever, P&G, Vinamilk, Masan. Các trung tâm logistics lớn hiện nay tập trung ở khu vực Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương, áp dụng hệ thông quản lý hiện đại thuộc các doanh nghiệp Gemadept, TBS, Tân Cảng Sài Gòn, Transimex, Mapletree, Damco, DHL, Kerry Express, Viettel Post...
Thực tế, như báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018 cũng đánh giá Chỉ số Năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở nhóm đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất của Việt Nam kể từ khi WB thực hiện việc xếp hạng LPI từ năm 2007 đến nay.