10:18 25/05/2007

Đối thoại Trung - Mỹ: Vẫn còn nhiều bất đồng thương mại

Trung Việt

Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ-Trung lần thứ hai đã khép lại, nhưng bất đồng giữa hai nước vẫn chưa thể thu hẹp

Thu hẹp cán cân thương mại Mỹ-Trung là vấn đề gai góc nhất trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Thu hẹp cán cân thương mại Mỹ-Trung là vấn đề gai góc nhất trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ-Trung lần thứ hai trong các ngày 22 và 23/5 tại Washington đã khép lại, nhưng bất đồng vẫn chưa thể thu hẹp.

Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc có giải pháp thu hẹp mức thâm hụt thương mại giữa hai nước, trong khi Trung Quốc cảnh báo Washington không nên chính trị hóa các quan hệ thương mại song phương.

Cuộc đối thoại kinh tế chiến lược lần này diễn ra trong bối cảnh sức ép của các nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát với Nhà Trắng về vấn đề thương mại Mỹ - Trung ngày càng tăng.
Mỹ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về thâm hụt thương mại

Tại cuộc đối thoại này, hai bên tập trung thảo luận việc mở cửa thị trường rộng lớn hơn cho các đối tác của cả hai nền kinh tế, những cải cách và tính hiệu quả của các chính sách xã hội nhằm cải cách hệ thống tài chính, tự do hóa các lĩnh vực dịch vụ, bảo hộ quyền tác giả... Các quan chức Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc đẩy mạnh cải cách kinh tế và điều chỉnh chính sách nhằm thu hẹp mức thâm hụt trong cán cân thương mại giữa hai nước.

Phát biểu ý kiến khai mạc cuộc đối thoại này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson nêu bật tình trạng mất cân đối kéo dài trong quan hệ thương mại và tài chính Mỹ-Trung, thúc giục Trung Quốc có các biện pháp tích cực nhằm giải quyết tình trạng này. Ông nói rằng hai nước cần xây dựng lòng tin lẫn nhau, đồng thời thiết lập một ''lộ trình cho tương lai''.

Thu hẹp cán cân thương mại Mỹ-Trung là vấn đề gai góc nhất trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung hiện nay. Đây cũng là vấn đề các nghị sĩ Mỹ gây sức ép với Nhà Trắng, đòi phải có biện pháp “mạnh tay” hơn với Trung Quốc. Các nghị sỹ Mỹ cho rằng việc Trung Quốc không thả nổi tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ, khống chế tỷ giá đồng nội tệ ở mức thấp hơn giá trị thực tế tới 40%, đã gây thiệt hại cho các công ty Mỹ và là nguyên nhân khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên đến mức kỷ lục 232,5 tỷ USD năm 2006. Đồng thời, điều đó gây thiệt hại cho các công ty Mỹ, làm mất hàng triệu việc làm trong ngành chế tạo của nước này.

Hồi năm ngoái, Mỹ đã chính thức phát đơn kiện Trung Quốc 'buôn bán không bình đẳng'' lên Tòa án trọng tài của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mỹ dọa sẽ áp đặt một số biện pháp trừng phạt nếu Trung Quốc không có những điều chỉnh cần thiết. Các nghị sỹ Mỹ cũng đã nhiều lần chỉ trích Nhà Trắng chưa làm hết trách nhiệm trong việc ép Trung Quốc thả nổi tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ.

Lập trường của Trung Quốc không lung lay

Tuy nhiên, một lần nữa, Bắc Kinh lại cảnh báo Mỹ không nên chính trị hóa các quan hệ thương mại song phương và nhấn mạnh việc gây sức ép sẽ không thể khiến Bắc Kinh lung lay. Trưởng phái đoàn Trung Quốc, Phó thủ tướng Ngô Nghi cảnh báo rằng, việc chính trị hóa các vấn đề thương mại và kinh tế là 'hoàn toàn không thể chấp nhận được' và sẽ chỉ khiến tình hình trở nên phức tạp. Phó thủ tướng Trung Quốc cũng cảnh báo về nguy cơ chính trị hóa quan hệ thương mại và kinh tế.

Theo bà, quan hệ thương mại Mỹ-Trung phải được coi là quan hệ đối tác chiến lược dài hạn và những tranh chấp thương mại cần được giải quyết theo luật kinh tế. Bà Ngô Nghi kêu gọi Mỹ, với tư cách là nước hàng đầu thế giới về khoa học và công nghệ, nới lỏng các quy định về kiểm soát xuất khẩu và đảo ngược xu thế giảm thị phần của hàng hóa công nghệ cao Mỹ tại Trung Quốc.

Dù vẫn bất đồng lớn với Mỹ về vấn đề thâm hụt thương mại, song Phó thủ tướng Ngô Nghi khẳng định, tại diễn đàn đối thoại lần này, hai bên đã thảo luận và đạt được nhận thức chung trong các vấn đề về ngành dịch vụ, năng lượng và môi trường, cân bằng tăng trưởng kinh tế... Riêng lĩnh vực dịch vụ tài chính và đầu tư, hai bên đã hiểu biết và tin tưởng nhau hơn. Về vấn đề môi trường và năng lượng, cả Trung Quốc và Mỹ đều nhất trí giảm lượng khí thải, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; khẳng định hai bên có tiềm năng lớn trong hợp tác phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái sinh.

Về chính sách phát triển kinh tế, Mỹ và Trung Quốc đều nhất trí cho rằng chính sách kinh tế vĩ mô có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế cân bằng của mỗi nước, hai nước cần hợp tác trao đổi về chính sách phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật để tạo bước phát triển mới. Hai bên nhất trí đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ-Trung lần thứ 3 sẽ tổ chức tại Bắc Kinh tháng 12 tới.

Ngoài các vấn đề song phương, các đại biểu Mỹ và Trung Quốc còn thảo luận một loạt vấn đề mang tính toàn cầu liên quan đến thương mại quốc tế, các biện pháp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thế giới, những mất cân đối trên phạm vi toàn cầu...

Hai bên cũng bàn các lĩnh vực đã được thảo luận tại vòng đối thoại đầu tiên (được tổ chức tại Bắc Kinh tháng 12/2006), đó là sự minh bạch của Chính phủ, trợ giá xuất khẩu, khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của các ngân hàng nước ngoài, các loại dịch vụ hàng không.