19:18 12/05/2023

“Đói” vốn nhưng doanh nghiệp vẫn ngại vay, vì sao?

Tú Uyên

Dù “đói” vốn nhưng doanh nghiệp các tỉnh phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng vẫn ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, một mặt do e ngại các cơ chế, cân nhắc giữa lợi ích và chi phí bỏ ra, một mặt ngại các vấn đề liên quan đến cơ quan chức năng…

Thiếu vốn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ngại tiếp cận gói vay ưu đãi.
Thiếu vốn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ngại tiếp cận gói vay ưu đãi.

Trong quý I/2023 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đã chậm lại và thấp hơn cả nước. Cụ thể, các tỉnh, thành phố có mức tăng GRDP quý 1/2023 ở mức thấp như TP.HCM tăng 0,7%%, Bình Dương tăng 1,15%, Tây Ninh tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,3%, hoặc tăng trưởng âm như Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 4,75%.

Nguyên nhân do sản xuất, xuất nhập khẩu các địa phương này gặp nhiều khó khăn khi các doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao. Xuất khẩu TP.HCM tháng 4/2023 giảm 19,8% so với cùng kỳ, Bình Dương giảm 1,4%, Bình Phước giảm 5,66%, Đồng Nai giảm 8,44%...

“ĐÓI” VỐN NHƯNG NGẠI TIẾP CẬN VỐN VAY

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, tình hình kinh tế quý IV/2022 và quý I/2023 của TP.HCM gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quý I vừa qua. Trong tháng 4/2023 vừa qua, dù một số chỉ số kinh tế xã hội của TP.HCM có chiều hướng tích cực, nhưng dự báo các tháng còn lại, Thành phố vẫn sẽ tiếp tục đối mặt thách thức, khó khăn khi doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng lẫn số vốn đăng ký. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi

Nói về tình hình sức khỏe của Doanh nghiệp, người đứng đầu TP.HCM cho biết có gần 55% số doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng, giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng do thị trường đang không hiệu quả. Chỉ có một số ít có nhu cầu vốn lưu động để giải quyết yêu cầu thanh toán ngắn hạn, tạo thanh khoản.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cũng cho biết tiềm năng và nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh hiện rất lớn. Tuy nhiên doanh nghiệp ngại khi tham gia gói ưu đãi 2% lãi suất vì sẽ phải làm việc nhiều với các đoàn thanh tra, kiểm toán...

 

"Doanh nghiệp ngại tiếp cận gói tín dụng ưu đãi một mặt cân nhắc giữa lợi ích và chi phí bỏ ra, một mặt ngại các vấn đề liên quan đến cơ quan chức năng" - ông Phan Văn Mãi.

Đến hết quý I/2023, toàn tỉnh Đồng Nai chỉ có 59 doanh nghiệp được vay tổng cộng hơn 1.400 tỷ đồng. “Kết quả này chưa tương xứng với thực tế và không đạt kỳ vọng đề ra”, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai nhận định.

Đồng tình với ý kiến của bà Hoàng, đại diện tỉnh Tây Ninh, ông Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, các doanh nghiệp cân nhắc giữa lợi ích của gói ưu đãi và các chi phí phải bỏ ra để được nhận gói ưu đãi này. Chính vì thế mà đến nay, toàn tỉnh chỉ giải ngân được 677 tỷ đồng theo gói này.

“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay, nhưng mặt bằng lãi suất (dù đã được điều chỉnh giảm) vẫn ở mức cao. Lãi suất ngắn hạn phổ biến ở mức 10 - 11%/năm, trong khi trước đây chỉ khoảng 7 - 9%. Lãi suất cho vay trung và dài hạn 11 - 13%/năm, trước đây chỉ 8,5 - 11%/năm nên nhiều doanh nghiệp vẫn cân nhắc việc vay vốn đề đầu tư mới và mở rộng quy mô”, ông Thắng cho biết thêm.

"Doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nhóm nợ xấu. Lãi suất hơn 10% khiến cho các doanh nghiệp không dám vay đầu tư dài hạn, nhiều doanh nghiệp phải bán tài sản để duy trì sản xuất", bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh.

Bên cạnh các vướng mắc này, bà Phúc cũng phản ánh thêm một vấn đề thực tiễn khi triển khai cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ. Mỗi ngân hàng có một yêu cầu hồ sơ riêng, do đó trong nhiều trường hợp đến khi ngân hàng chấp thuận thì khoản vay đã quá hạn, gây khó cho doanh nghiệp.

KIẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Nhận định về tình hình kinh tế kém sắc của khu vực Đông Nam Bộ, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TP.HCM, cho biết, lợi nhuận ở mức 10 - 12% sau khi trừ lãi suất ngân hàng khiến cho doanh nghiệp không thể nào tái sản xuất. Việc hạ mặt bằng lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp xoay sở trong bối cảnh hiện tại nhưng cũng khó làm ăn có lãi.

Để khắc phục những khó khăn khăn trước mắt của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị công tác điều hành cần mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên hướng tới giảm lãi suất, nghiên cứu hỗ trợ gia hạn nợ, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu với các trường hợp khó khăn. Với các khoản vay mới cần nới rộng hơn về điều kiện với các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt.

“Cần tiếp tục phát triển các chính sách tín dụng đa dạng, sản phẩm tín dụng tiêu dùng, chính sách vay vốn đối với công nhân, sinh viên, hỗ trợ tín dụng đối tượng yếu thế để hạn chế tín dụng đen. Ngành ngân hàng cần đẩy mạnh hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, các chương trình vay cho công nhân”, ông Mãi nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Mãi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước theo dõi và có hỗ trợ phát huy trung tâm tài chính hiện hữu tại TP.HCM và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. “TP.HCM sẵn sàng thí điểm cơ chế mô hình mới thuộc lĩnh vực ngân hàng. Rất mong Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại góp ý xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và trung tâm tài chính hiện hữu của TP.HCM”, ông Mãi đề suất.

Không chỉ riêng TP.HCM, một số tỉnh Đông Nam Bộ cũng đã đưa ra những giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo bà Huỳnh Thị Phúc, ngành du lịch là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do đó Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này.

“Mặc dù, đã có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng điều kiện được vay vốn không thể đặt ra yêu cầu chung với tất cả doanh nghiệp vì hoạt động du lịch khác với các ngành nghề sản xuất, cần có thời gian để sinh lời”, bà Phúc nói thêm.

SẼ CÂN NHẮC GIẢM LÃI SUẤT ĐIỀU HÀNH

Về những kiến nghị trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng mong muốn giải quyết được các kiến nghị từ doanh nghiệp và người dân. Đây là những chủ thể đi vay ngân hàng nhưng cũng gửi tiền vào ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, những giải pháp của ngành ngân hàng mang tính đặc thù. Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không chỉ là giải quyết một vấn đề mà điều hành đạt nhiều mục tiêu đồng thời như vừa phải tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo chính sách tiền tệ ổn định, an toàn kinh tế vĩ mô.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp đặc thù, có những hoạt động rủi ro lan truyền nên phải hoạt động theo quy định của Ngân hàng nhà nước nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng.  Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi sát sao, cân nhắc phối hợp các chính sách cho phù hợp.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 2 thông tư (Thông tư 02, Thông tư 03) để giải quyết khó khăn cho Doanh nghiệp như giãn, hoãn nợ để giữ nguyên nhóm nợ, để có khoản vay mới. Các điều kiện để đánh giá khoản vay khả thi để cho vay như tỷ lệ cho vay/tài sản đảm bảo… để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Riêng khó khăn về tín dụng và lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các Tỉnh, thành phối hợp Sở, ban ngành địa phương, làm rõ vì sao doanh nghiệp không thể vay vốn được tại ngân hàng.

“Ngân hàng nhà nước đang tiếp tục theo dõi, sẽ cân nhắc nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới. Việc điều hành chính sách tiền tệ phải đánh đổi giữa các mục tiêu, để duy trì lạm phát thấp, ổn định tỷ giá”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.