Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2022
Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11 phát hành ngày 14-03-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Những ảnh hưởng kinh tế từ cuộc xung đột Nga – Ukraine với tác động ngày càng sâu và rộng hơn, đang khiến cho những dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng phải có những điều chỉnh linh hoạt.
Cuộc giao tranh cùng với các lệnh trừng phạt đang làm gián đoạn thương mại của Nga và Ukraine với nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ đẩy giá hàng hóa lên mức cao chưa từng thấy, đặc biệt là khi hai quốc gia này chiếm khoảng 12% sản lượng dầu và 17% sản lượng khí đốt tự nhiên toàn cầu.
Riêng với Nga, việc quốc gia này bị phong tỏa trên hầu hết thị trường, từ hàng hóa cho tới tài chính, vận tải, gây ra những tác động nghiêm trọng, bởi đây là nước sản xuất 10% lượng dầu toàn cầu, cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu, là nhà xuất khẩu phân bón, nickel, palladium, thép, than đá... hàng đầu thế giới.
Nhiều chuyên gia dự báo sự gián đoạn nguồn cung có thể khiến giá cả các mặt hàng này tăng tới 50%, dẫn tới lạm phát tăng mạnh. Có thể thấy rõ điều này trong “cơn bão giá” trên thị trường dầu mỏ với giá dầu Brent đang ở mức kỷ lục 14 năm.
Việt Nam đang ở trong tình thế bất lợi bởi chi phí năng lượng tăng cao. Theo các chuyên gia, giá cả nhiên liệu tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và vận tải gây ra sức ép lạm phát lớn đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cả trong ngắn và dài hạn do nền kinh tế có độ mở lớn. Tác động lớn hơn cả là tác động gián tiếp. Việt Nam đang trong xu thế chung với nguy cơ lạm phát tăng lên trong nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả khi chưa có cuộc chiến này, nguy cơ lạm phát đã lớn rồi. Việt Nam đang đối diện với lạm phát chi phí đẩy, mọi chi phí giá cả hàng hoá như nguyên vật liệu, phân bón, lúa mỳ, lúa mạch đều tăng. Chuỗi cung ứng toàn cầu phải được cấu trúc lại bao giờ chi phí cũng rất cao. Trong khi thế giới đã có biện pháp để kìm lạm phát và tăng lãi suất, Việt Nam chưa làm được điều này mà còn phải tung ra gói hỗ trợ mới. Rủi ro lạm phát với Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy nhiều hơn là cầu kéo. Cầu của ta đang tăng trở lại nhanh hơn so với thế giới, nên cần hết sức thận trọng với lạm phát trước mắt và cả trung, dài hạn.
Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, 14/3/2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11/2022 sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam và ẩn số từ cuộc xung đột Nga -Ukraine” để phản ánh những diễn biến cũng như những gợi ý, khuyến nghị từ các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp về các giải pháp phục hồi kinh tế trước tác động của cuộc xung đột Nga –Ukraine.
Các bài viết bao gồm:
- Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Ẩn số từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Mặc dù Việt Nam cách chiến trường gần 8.000 km nhưng dường như “khói lửa” của cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng bắt đầu lan đến đây. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những ảnh hưởng mang tính tiêu cực cho nền kinh tế vừa mới bước đầu hồi phục lại sau cú sốc Covid-19. (Vũ Phong – Ngọc Trang).
- Chủ động ứng phó với tác động tiêu cực từ xung đột Nga – Ukraine. Theo Bộ Công Thương, chiến sự Nga – Ukraine sẽ gây tác động trực tiếp và tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, khả năng lạm phát, cung cầu, vận chuyển, lưu thông hàng hoá, thanh toán hợp đồng thương mại... của Việt Nam, do đó cần có những giải pháp ứng phó kịp thời. (Vũ Khuê).
- Kịch bản nào ứng phó với những dư chấn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine? Hiện nay, xung đột Nga-Ukraine đang đe dọa không ít đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu - vốn đang rất chật vật sau khủng hoảng kéo dài của đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, những tác động tiêu cực được đánh giá không hề nhỏ trong cả trước mắt và lâu dài tới kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ, năng lượng, vận tải và chuỗi sản xuất, cung ứng tại Việt Nam. Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể vượt qua những áp lực trước mắt? (Nhóm phóng viên thực hiện)
- Điều hành linh hoạt giá xăng dầu để ổn định kinh tế. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, cùng với căng thẳng ngày càng leo thang trên mặt trận kinh tế giữa các nước phương Tây và Nga đã đẩy giá dầu mỏ thế giới liên tục tăng mạnh. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao, vì thế không tránh khỏi bị tác dộng tiêu cực. Trên thực tế, việc tăng giá xăng dầu thời gian qua đã trở thành yếu tố chính gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát. (Mạnh Đức).
-Châu Âu có những lựa chọn gì nếu bị Nga cắt khí đốt? Giá khí đốt ở châu Âu đã leo thang chóng mặt trong thời gian gần đây khi xung đột vũ trang Nga-Ukraine khiến thị trường lo sợ rằng hoặc châu Âu sẽ “liều mình” cấm nhập năng lượng từ Nga, hoặc Moscow trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách cắt cung cấp dầu và khí đốt cho châu Âu. (An Huy).
Cùng nhiều bài viết chuyên mục khác:
- Hiệu quả từ một tầm nhìn. Những tiến triển tích cực của quan hệ Việt – Mỹ và những lợi ích cụ thể về nhiều mặt mà mối quan hệ này mang lại là một ví dụ điển hình, minh chứng cho hiệu quả của một tầm nhìn chiến lược từ cách đây hơn 30 năm, theo chủ trương “thêm bạn, bớt thù” để mở rộng không gian hợp tác quốc tế. (Nguyễn Quốc Uy).
- Ba nhân tố kích hoạt lạm phát trong năm 2022. Các chuyên gia cho rằng, nỗi bất an về nguy cơ lạm phát leo thang từ gói kích thích 350.000 tỷ hay giá xăng dầu tăng phi mã phần lớn đến từ việc thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là xăng dầu và nguyên nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất. (Trâm Anh).
- Cẩn trọng với lạm phát. Cảnh báo này xuất phát từ hai vấn đề lớn: đã xuất hiện tư duy chủ quan trong việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; chưa lường tới các yếu tố tác động đến lạm phát trong thời gian tới. (Đỗ Văn Huân).
- Các nỗ lực cải cách bao giờ cũng đối mặt với khó khăn. Sẽ có những lực cản xuất hiện khiến quá trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh trở nên khó khăn. Song, dưới tác động của Covid-19, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh sẽ phải hỗ trợ được doanh nghiệp, người dân một cách thực chất nhất. P/v ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Anh Nhi).
- Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trong hai tháng đầu năm. Xuất khẩu thủy sản trong hai tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc. Đáng chú ý cá tra và tôm là mặt hàng có sức tăng mạnh nhất trong tháng 2 khi tăng trưởng 3 con số. Dự báo, trong những tháng tới, xuất khẩu thủy sản vẫn duy trì đà tăng trưởng khả quan vì nhu cầu từ các thị trường đang tăng mạnh. (Chu Khôi).
- Tìm hướng xuất khẩu bền lâu cho nông sản Việt. Vấn nạn ùn tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng đến thời điểm này vẫn khá "mù mờ", chưa có lối thoát lâu dài. Tình trạng sản xuất chưa tính đến thị trường, chưa tính đến nhu cầu tiêu dùng, thậm chí còn được ví như căn bệnh mãn tính không thể có thuốc đặc trị. Vì thế, giải pháp căn cơ hiện nay là phải làm chủ được thị trường và có thể sẽ xây dựng đề án riêng về thị trường Trung Quốc. (Huyền Vy – Hương Loan).
- Vì sao vẫn lần lữa đánh thuế bất động sản?Theo các chuyên gia, để sớm chặn đứng hiện tượng đầu cơ, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, Nhà nước cần phải tiến hành đánh thuế bất động sản. (Ánh Tuyết).
- Lực đẩy bất động sản nghỉ dưỡng “bật dậy”. Nhiều chuyên gia cho rằng việc hàng không Việt Nam bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế (từ ngày 15/2) và dự kiến nước ta mở cửa đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới (từ ngày 15/3) sẽ là những bước khởi động tích cực cho hoạt động du lịch phục hồi, từ đó thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng hồi sinh trở lại. (Phan Nam).
- Giá nhà cao, người mua để ở khó với tới. Theo một số khảo sát, đa số người Việt Nam khi được hỏi đều có nhu cầu mua nhà để ở, trong đó hơn một nửa muốn mua nhà trong 2 năm tới. Tuy nhiên, giá nhà hiện “neo” ở mức cao gây trở ngại cho người có nhu cầu ở thực… (Thanh Xuân).
- Cao tốc Bắc - Nam sẽ cán đích 360 km ngay năm 2022. Kiên quyết không lùi tiến độ tổng thể cũng như tiến độ của từng dự án, Chính phủ và Bộ Giao thông
vận tải quyết tâm khánh thành 361 km bốn dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 ngay trong năm 2022, tạo đà cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc huyết mạch 1.383 km năm 2025. (Anh Tú).
- Đẩy nhanh chuyển đổi số: Cần cách làm số đột phá. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi số, muốn phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đòi hỏi phải có hạ tầng số. Đặc biệt, để chuyển đổi số cần phải có thể chế số và cách làm số đột phá. (Đỗ Phong).
- Phụ nữ khởi nghiệp trong “bão” Covid-19. Khởi nghiệp trong hoàn cảnh bình thường đã khó khăn nhưng trong đại dịch thì mọi chuyện còn thách thức hơn gấp bội. Nhưng dịch bệnh cũng đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp trong giai đoạn này nếu họ nắm bắt được xu hướng và thích ứng linh hoạt. Những câu chuyện khởi nghiệp của nhiều nữ doanh nhân đã phần nào minh chứng cho sự vươn lên mạnh mẽ của những phụ nữ Việt Nam trong khoảng thời gian đặc biệt khó khăn vừa qua. (Châu Anh).
- Cho F1 đi làm: Gỡ khó cho doanh nghiệp. F0, F1 có thể đi làm là một trong những đề xuất của Bộ Y tế chuẩn bị cho việc tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Với doanh nghiệp sản xuất, việc này có thể phần nào giảm bớt áp lực về nhân sự, nhưng thực tế triển khai cũng có những điểm cần lưu ý. (Lưu Hà).
- Ngành hàng tiêu dùng nhanh: Áp lực “trĩu vai” nhân sự. Ngành hàng tiêu dùng nhanh ( FMCG- Fast Moving Consumer Goods) đang cần nhiều lao động có thêm những kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ thông tin. Đó là bài toán không những cần lời giải từ cơ sở đào tạo nghề mà cả từ người lao động nếu họ thực sự muốn hoạt động trong lĩnh vực này. (Dũng Hiếu).
- Tiềm năng của bán lẻ xa xỉ trong Metaverse. Tài sản số NFT đã trở thành một yếu tố được quan tâm nhiều nhất trong lĩnh vực tiền điện tử năm vừa qua. Một báo cáo gần đây cho thấy doanh số bán hàng của NFT đạt mức kỷ lục 17,7 tỷ USD vào cuối năm 2021. (Băng Hảo).