Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2022
Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 16 phát hành ngày 18-04-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Với quy mô đô thị hơn 10 triệu người, TP.HCM là địa phương đóng góp khoảng 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia, là nơi hội tụ gần 40% số lượng doanh nghiệp hoạt động, Thành phố đặt mục tiêu vào năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đến năm 2030, TP.HCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học- công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đến năm 2025 sẽ đóng góp khoảng 25%; đến năm 2030 sẽ là 40% trong GRDP của Thành phố.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 - tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố đã và đang triển khai có hiệu quả các chính sách, xây dựng một hệ thống các biện pháp và giải pháp...
Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, 18-4-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng trong tương lai" nhằm phản ánh toàn cảnh bức tranh về chuyển đổi số tại TP.HCM và ghi lại những ý kiến, những góc nhìn và cả những kiến nghị cho việc làm thế nào để TP.HCM đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số theo hướng hiệu quả hơn và thần tốc hơn?
Các bài viết bao gồm:
- Phát triển kinh tế số TP.HCM: Cơ hội nhiều, thách thức không ít. Sau hai năm bị trì hoãn do đại dịch Covid-19, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM - HEF 2022 với chủ đề “Kinh tế số - động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai” là một sự kiện rất quan trọng đối với sự phát triển dài hạn của Thành phố. (Hồng Vinh).
- Tiềm năng phát triển kinh tế số của TP.HCM rất lớn, cần được đẩy mạnh. Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) với chủ đề: “Kinh tế số - Động lực tăng trưởng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai” do Ủy ban Nhân dân TP.HCM tổ chức chính thức khai mạc vào ngày 15/4/2022 tại TP.HCM. Với hơn 900 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành; đại diện các cơ quan ngoại giao; các tổ chức, định chế tài chính, các chuyên gia kinh tế và kinh tế số… HEF 2022 đã khái quát về Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai, cũng như tiềm năng phát triển kinh tế số tại Thành phố năng động nhất cả nước này. (Tú Uyên - Hồng Vinh).
- Nhận thức về chuyển đổi số chưa có nhiều chuyển biến. Khảo sát mới nhất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: 3/4 các doanh nghiệp được khảo sát đã quan tâm ứng dụng các công nghệ số trước tác động của đại dịch Covid-19. Nhưng nhận thức của các doanh nghiệp về chuyển đổi số chưa có nhiều chuyển biến. (Vũ Khuê).
- TP.HCM phát triển kinh tế số: Cần chính sách phù hợp và cơ chế đặc biệt. Là đô thị lớn, đi đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình phát triển khoa học - công nghệ, TP.HCM quyết tâm phát triển kinh tế số và đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% và đến 2030 chiếm 40% GRDP. Đây là mục tiêu đầy thách thức và không dễ dàng thực hiện, đòi hỏi TP.HCM phải nỗ lực, có chính sách phù hợp, cần cơ chế đặc biệt cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành. (Minh Tú).
-Hiến kế để chuyển đổi số thần tốc hơn. Là địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất cả nước, hạ tầng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ 100% phường, xã, thị trấn… TP.HCM đặt mục tiêu nền kinh tế số đóng góp 25% trong GRDP vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, TP.HCM cần chủ động đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hơn nữa. Những ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công, đã được ghi lại với mong muốn hiến kế cho công cuộc chuyển đổi số tại TP.HCM nhanh và thần tốc hơn. (Phạm Vinh - Đức Minh).
Cùng nhiều tin bài hấp dẫn khác:
- Đâu chỉ khu vực nhà nước mới có tham nhũng. Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ban hành ngày 6/4/2022, nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp ủy và các tổ chức Đảng cần tập trung làm tốt trong thời gian tới, trong đó có yêu cầu “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước…”. (Nguyễn Quốc Uy).
- Cấp bách chuyển đổi số báo chí. Báo chí muốn giữ chân độc giả, khán thính giả, muốn tồn tại và tạo nguồn thu mới để nuôi sống chính mình cần phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người, tư duy và tự thân các cơ quan báo chí phải nhận thức được sự cấp bách chứ không phải làm theo trào lưu. Chuyển đổi số cũng không chỉ đơn giản là đưa các nội dung lên nền tảng số mà là sự thay đổi cả quy trình, cách vận hành, tạo ra sản phẩm mô hình kinh doanh mới. (Đỗ Phong).
- Hoàn thiện hành lang pháp lý xử lý nợ xấu. Ngày 14/4, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH14. Theo đó, ủy ban này cho phép kéo dài nghị quyết này đến 31/12/2023 thay vì 2 năm, kể từ tháng 8/2022 như đề xuất của Chính phủ. Ngành ngân hàng dù có phần hụt hẫng nhưng chí ít, từ nay đến 31/12/2023, còn đủ thời gian để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội hoàn thiện hành lang xử lý nợ xấu một cách dài hơi. (Trọng Triết – Đào Hưng).
- Kiểm soát nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp. Xấp xỉ 60% giá trị trái phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023-2024, trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong hai năm vừa qua do đại dịch, dẫn đến những quan ngại về các vấn đề liên quan đến nợ xấu phải xử lý, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng của các hoạt động phát hành trái phiếu trong thời gian gần đây. (Kiều Mai).
- Áp lực giải ngân vốn đầu tư công lớn chưa từng có. Sát sao gỡ khó các dự án giao thông từ bước chuẩn bị đến mạnh tay cắt giảm, điều chuyển khối lượng, thậm chí đánh trượt nhà thầu ngay từ bước đánh giá sơ bộ với thời gian lên tới 5 năm, Bộ Giao thông vận tải quyết liệt thúc mạnh tiến độ, tạo bứt phá về giải ngân các dự án cao tốc hơn 10% bình quân cả nước, đặc biệt với các dự án trọng điểm quốc gia quyết không lỡ hẹn. (Anh Tú).
- Điều tra doanh nghiệp 2022 hướng tới các chỉ tiêu về kinh tế số. Các chỉ tiêu liên quan đến tài khoản quốc gia, kinh tế số, thương mại điện tử, sản xuất sản phẩm số sẽ bổ sung vào Điều tra doanh nghiệp năm 2022 được Tổng cục Thống kê thực hiện từ 15/4 đến hết ngày 30/5. P/v bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thống kê. (Anh Nhi).
- Doanh nghiệp hứng khởi trở lại thị trường. Sự cộng hưởng tích cực từ các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua đã cho thấy niềm tin của doanh nghiệp dần trở lại sau hai năm “sóng gió” vì những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. (An An).
- Ngành gỗ tăng trưởng chậm lại dù đã kín đơn hàng. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chi phí logistics tăng cao, những biến động về chính trị thế giới gần đây đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và nguồn nguyên liệu gỗ. Vì những nguyên nhân này mà tăng trưởng của ngành gỗ trong năm 2022 có nguy cơ “chững lại” cho dù các doanh nghiệp đều đã kín đơn hàng đến hết quý 3, thậm chí là cả năm. (Chu Khôi).
- Bất chấp cảnh báo, sốt đất vẫn tiếp diễn. Từ ngay sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, tình trạng sốt đất lại tiếp diễn tại nhiều tỉnh, thành phố, dù trước đó, nhiều địa phương đã ra văn bản cảnh báo, chấn chỉnh hiện tượng này. (Linh Lan).
- Bất động sản “xanh”: Mở màn chiến lược xanh hóa. Trên thế giới, nhiều nước đã đẩy mạnh phát triển các công trình xanh - công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, số lượng dự án xanh, công trình xanh ngày càng gia tăng nhưng hiện vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực. (Phan Dương).
- Năng lượng tái tạo: Quyết liệt gỡ bỏ “điểm nghẽn”. Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí metan vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này, không còn con đường nào khác là phải thay thế điện than bằng các nguồn điện tái tạo (gió, mặt trời…). Dẫu vậy, từ thực tế triển khai cho thấy, các nguồn điện của tương lai vẫn đang có những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ. (Mạnh Đức).
- Xây dựng môi trường bền vững: Tìm giải pháp tối ưu. P/v bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam xung quanh câu chuyện tìm kiếm giải pháp tốt nhất để xây dựng khả năng phục hồi theo những cách có lợi cho môi trường bền vững là rất quan trọng. (Lý Hà).
- Tầm quan trọng logistics và chuỗi cung ứng trong phục hồi kinh tế. Những thay đổi trong thói quen tiêu dùng cùng với việc phục hồi mạnh mẽ giao thương giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới trong giai đoạn “bình thường mới” đã thúc đẩy nhu cầu vận tải, kho bãi và các dịch vụ phụ trợ cho trao đổi hàng hóa cao hơn. Vì vậy, logistics và chuỗi cung ứng ngày càng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong guồng quay phục hồi và phát triển kinh tế hậu đại dịch. (Đỗ Phong).
-Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ ngày càng lớn. Nền kinh tế Mỹ có nguy cơ ngày càng lớn rơi vào suy thoái. Nguyên do là lạm phát tăng chóng mặt có thể sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ phải phản ứng mạnh tay để kiểm soát giá cả, dẫn tới việc tăng trưởng bị bóp nghẹt. (An Huy).
- Thời trang cho thuê: Xu hướng mới nổi hậu Covid. Dịch vụ cho thuê quần áo, hay còn được gọi là mô hình tiêu dùng cộng tác trong thời trang, có thể giúp kéo dài tuổi thọ của một mặt hàng quần áo, vì mọi người không vứt bỏ nó sau một vài lần mặc… (Minh Nguyệt).