10:44 03/07/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27 phát hành ngày 04-07-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2022
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2022

Chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn, hướng tới một nền kinh tế không phát thải, trung tính carbon vào năm 2050 là tham vọng toàn cầu vì sự phát triển bền vững của thế hệ mai sau.

Sự cam kết của chính phủ các quốc gia, các vùng lãnh thổ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2021 (COP26) với quyết tâm cao nhất, tinh thần gắn kết cao nhất, chung tay nỗ lực hành động vì sự thịnh vượng gắn với môi trường, khí hậu an toàn và bền vững được xem là mệnh lệnh cho những nỗ lực và hành động quyết liệt của chính các quốc gia.

Với Việt Nam, kinh tế tuần hoàn là một cơ hội phát triển kinh tế, trong đó việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai.

Tại Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn là trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tới năm 2030. Đây là một chủ trương phù hợp với xu thế toàn cầu và sự phát triển tất yếu của thời đại.

Ngoài ra, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cùng với các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp tham gia góp ý vào quá trình xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai ngày 4-7-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho câu chuyện về kinh tế tuần hoàn, những mô hình trong tương lai và những chuẩn bị của Việt Nam cho kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, cùng với những đóng góp ý kiến từ các chuyên gia quốc tế và trong nước.

Các bài viết bao gồm:

-Kinh tế tuần hoàn hướng phát triển tất yếu. Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang là mối lo toàn cầu mà một trong những giải pháp hữu hiệu và mang lại lợi ích nhiều nhất là phát triển kinh tế tuần hoàn. Nói cách khác, kinh tế tuần hoàn là yêu cầu không thể thiếu để đạt  mục tiêu phát triển bền vững ở từng quốc gia cũng như trên toàn thế giới. (Nguyễn Quốc Uy).

- Xu thế tất yếu, mang lại nhiều lợi ích. Cùng với kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp, mô hình kinh tế tuần hoàn được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường. Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế phát triển tất yếu, một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp. (Phan Anh).

-Kinh tế tuần hoàn hướng đến mô hình kinh tế bền vững hơn. Trong tiến trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, con đường lựa chọn chính là phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Trả lời báo chí bên lề Hội nghị Khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn diễn ra ngày 28/6/2022 tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà một lần nữa khẳng định, nền kinh tế tuần hoàn là một tư duy mới, mở ra xu thế mới của thời đại, thay thế cho nền kinh tế tuyến tính. (Đỗ Phong).

-Cơ hội và thách thức trước kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu không thể đảo ngược và cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh những tác động và nguy cơ của biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh. Đặc biệt, nội dung về xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. (Nguyễn Tuyến – Đào Hưng).

-Xanh hóa doanh nghiệp từ các mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong thực tế, đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải được các doanh nghiệp triển khai áp dụng  thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích, giá trị lớn về kinh tế cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng. Kinh tế tuần hoàn đang trở thành một mô hình kinh doanh mới được nhiều doanh nghiệp hướng tới và triển khai. (Nhĩ Anh).

-Cần trợ lực cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững, nhưng cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. (Hoàng Việt – Chu Khôi – Quốc Phong).

nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

-“Chống giặc nội xâm” là cuộc chiến không ngừng nghỉ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”. Vì vậy, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” và phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”. (Huyền Vy).

-Tăng trưởng GDP cả năm khả năng sẽ vượt mục tiêu 6-6,5%. Dù tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam đang đi ngược với xu hướng thế giới nhưng những rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt lại song hành cùng với thế giới. Đó là những ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine, chính sách Zero-Covid… làm giá cả leo thang, nguyên vật liệu thiếu hụt. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những chính sách ứng phó kịp thời, linh hoạt để đạt mục tiêu tăng trưởng. P/v ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Anh Nhi).

-Nhà đầu tư ngoại tiếp tục “rót” vốn vào Việt Nam. Được đánh giá là một trong những nền kinh tế “đầy hứng khởi” trên thế giới, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và lâu dài của nhà đầu tư ngoại. (Ngân Hà).

-Kinh tế phục hồi, thu ngân sách tăng tốc về đích. Nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nhờ doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực tăng tốc sản xuất kinh doanh, giúp nhiều khoản thu, sắc thuế băng băng về đích. Chỉ 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước hoàn thành 66% dự toán pháp lệnh, ngân sách thặng dư gần 220.000 tỷ đồng nhưng điệp khúc giải ngân vốn chậm một lần nữa mang không ít mối lo… (Ánh Tuyết).

-Nợ xấu do Covid-19 có đáng lo? Ngày 30/6/2022, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ chính thức hết hiệu lực. Giới chuyên môn cho rằng, sau thời điểm trên, nợ xấu do Covid-19 gây ra sẽ dần lộ diện nhưng việc chủ động trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng khiến cho những lo lắng sẽ giảm dần. (Đào Vũ).

-Xuất khẩu “tăng tốc” nhưng sẽ phải dốc sức vượt thách thức. Xuất khẩu tiếp tục là lĩnh vực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế trong 6 tháng năm 2022. Theo dự báo, những tháng tới xuất khẩu vẫn có nhiều cơ hội để “tăng tốc” nhờ sự trợ lực từ việc thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng bên cạnh đó cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. (Mạnh Đức).

-Công nghiệp tăng trưởng nhờ “lực đẩy” từ chế biến, chế tạo. Trong 6 tháng năm 2022, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự phục hồi tích cực, trong đó, ngành chế biến, chế tạo không những là “lực đẩy” cho tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, mà còn dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này chứng tỏ, các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. (Nguyễn Mạnh).

-Tiếp tục chủ động và linh hoạt kiểm soát tốc độ tăng CPI. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra. (Vũ Khuê).

-Trợ lực nào giúp các hãng hàng không thoát lỗ? Từng bước nới lỏng giá trần, cho phép các hãng hàng không thu phụ phí xăng dầu ở đường bay nội địa để hóa giải áp lực trước mắt về chi phí nhiên liệu và giải bài toán về hạ tầng, tạo điều kiện thâm nhập thị trườ̀ng tiềm năng là những giải pháp cần nhanh chóng được triển khai để giúp các hãng bay dần khắc phục “di chứng” do đại dịch để lại, sớm thoát lỗ và hồi phục về mức trước dịch. (Ánh Tuyết).

-Định vị doanh nghiệp trong xu thế chuyển đổi số. Cùng với sự hình thành của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập vào kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam với những thành quả nhất định của 40 năm đổi mới đã có một vị thế nổi trội. (TS. Đoàn Duy Khương, Chuyên gia kinh tế).

-“Mùa đông tiền ảo”: Khi 2.000 tỷ USD bị cuốn phăng khỏi thị trường. Đối với nhiều nhà đầu tư, biến động mạnh là một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tiền ảo. Giờ đây, khi hơn 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường bị cuốn phăng chỉ trong vòng hơn nửa năm và nỗi hoảng sợ bủa vây “vũ trụ” tiền ảo, chính sự biến động lại đang đặt ra một nguy cơ lớn đối với khả năng tồn tại của loại tài sản còn mới mẻ này. (An Huy).

-Họp đại hội cổ đông trực tuyến: Cần hành lang pháp lý. Trước năm 2020, khái niệm và phương thức tổ chức họp đại hội cổ đông trực tuyến vẫn còn xa lạ với các doanh nghiệp là công ty cổ phần, thậm chí Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn không có bất kỳ quy định, khái niệm về vấn đề này. Nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, thì việc tổ chức họp trực tuyến của doanh nghiệp, họp đại hội cổ đông trực tuyến đã dần trở nên phổ biến. (Luật sư Hồ Hữu Hoành- Giám đốc Công ty TNHH SaigonMind).

-Gian nan chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một phức tạp, tinh vi hơn, diễn ra trực tiếp và cả trên môi trường online. Điều này đã và đang gây khó khăn thách thức không nhỏ cho công tác thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. (Phan Anh).

-Doanh nghiệp chế biến nông sản gặp khó về thị trường. Trong khi xuất khẩu nhiều loại nông, thủy sản tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2022 thì ngành hàng rau quả lại đi ngược xu hướng chung với sự sụt giảm liên tục trong cả 5 tháng qua. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong thời gian này ước đạt 1,43 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021. (Lưu Hà).

-Học môn Lịch sử: Vừa bắt buộc, vừa tự chọn. Cuộc tranh luận môn Lịch sử “tự chọn” hay “bắt buộc” ở bậc trung học phổ thông đã khép lại bằng Nghị quyết số 63/2022 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Quốc hội quyết môn Lịch sử trong chương trình trung học phổ thông phải thiết kế cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học… (Lý Hà).

-Ngành F&B toàn cầu khốn đốn vì thiếu thực phẩm. Cuộc xung đột Nga - Ukraine, hậu dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, thời tiết khắc nghiệt cùng với lạm phát đang góp phần gây ra tình trạng khủng hoảng nguồn cung thực phẩm và buộc giá cả tăng cao tại hầu hết các nhà hàng trên thế giới. (Tường Bách).