15:00 11/09/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37 phát hành ngày 12-09-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam đã đề ra định hướng “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” và “khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ “xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành các mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Với dệt may, một ngành kinh tế luôn ở vị trí top đầu trong kim ngạch xuất khẩu của năm, nhu cầu chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là khi giai đoạn phát triển nhanh của ngành dệt may đã kết thúc. Mục tiêu được đề ra là từ nay đến năm 2030, ngành dệt may chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2030 – 2045, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Trong số báo ra sáng thứ Hai, 12-09-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam chọn chủ đề: "Xanh hóa ngành dệt may" để phản ánh câu chuyện chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn, mới đang bắt đầu của Dệt may - một ngành kinh tế xuất siêu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.  

Bao gồm các bài viết sau:

-Nâng cao nhận thức về sự cần thiết của kinh tế tuần hoàn. Đan Mạch là một quốc gia điển hình về chuyển đổi xanh gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn. Với việc đặt ra các chiến lược và sáng kiến về kinh tế tuần hoàn từ nhiều năm nay, Đan Mạch hướng tới xã hội phát triển bền vững, sản phẩm và nguyên vật liệu được tái quay vòng, tuần hoàn trong nền kinh tế nhằm sử dụng tối đa và giảm thiểu phế thải. P/v ông Carsten Baltzer Rode, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam về kinh nghiệm trong kinh tế tuần hoàn và khuyến nghị cho Việt Nam. (Đặng Hương).

-Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn ngành dệt may. Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và có những thương hiệu ngang tầm quốc tế. (Hương Loan).

-Đường dài tiếp cận tín dụng xanh. Trên 70% doanh nghiệp trong ngành dệt may có quy mô nhỏ và trung bình nên sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư xanh, ứng dụng công nghệ mới để phát triển bền vững. Trong khi đó, dư nợ tín dụng ngành dệt may chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. (Song Hà).

-Dệt may chính thức khởi động mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2022 có thể đạt 42,5- 43,5 tỷ USD. Tuy nhiên, câu chuyện “xanh hóa” sẽ là thách thức dài hạn không thể bỏ qua. (Nhóm phóng viên).

Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

-Gian nan con đường xuất khẩu những tháng cuối năm. Xuất khẩu 8 tháng năm 2022 vẫn đạt được kết quả tích cực, khi tăng trưởng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo một số dự báo được đưa ra mới đây, những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với không ít khó khăn do các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái. (Mạnh Đức).

-CPI vẫn trong tầm kiểm soát nhưng không thể chủ quan. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, công tác điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2022 còn nhiều thách thức, tuyệt đối không được chủ quan. (Vũ Khuê).

- Chủ động thích ứng với biến động giá xăng dầu. Đà tăng của giá nhiên liệu thế giới đã kéo giá nhiên liệu trong nước tăng mạnh, tạo áp lực lên lạm phát và ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy, cùng với những giải pháp nhằm ổn định giá xăng dầu từ Chính phủ, các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với những đợt “sóng” giá từ thị trường. (Khánh Vy).

-NIM mỏng dần, ngân hàng căng mình giữ đà tăng trưởng lợi nhuận. Theo thống kê từ 26/27 ngân hàng đã niêm yết, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của nhóm này lên tới 33% trong năm 2022. Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá, các ngân hàng phải xoay sở rất khéo mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra. (Đào Vũ).

-Cải tiến công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh. Sau 5 năm ra đời, thị trường chứng khoán phái sinh đã từng bước trở thành kênh đầu tư hiệu quả và công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu. Cơ quan quản lý cho biết sẽ tiếp tục cải tiến công cụ phòng ngừa rủi ro này theo lộ trình đã được phê duyệt. (Đào Vũ).

- USD tăng giá quá bền bỉ, các nền kinh tế “chịu trận”. Liên tục tăng giá do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thêm những động thái nâng lãi suất mạnh tay để chống lạm phát, đồng USD đang không ngừng lập đỉnh cao mới của 2 thập kỷ trở lại đây. Đà leo thang này của đồng bạc xanh đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các quốc gia, trong đó các nền kinh tế phát triển đang chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với nền kinh tế mới nổi. (An Huy).

- Để thu hút tư nhân đầu tư vào lưới điện truyền tải. Tới thời điểm hiện tại, chủ trương của Đảng và Luật Điện lực đều đã cho phép các thành phần kinh tế được tham gia đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải. Thế nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình thực hiện, liên quan đến công tác quy hoạch phát triển điện lực, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án… (Huyền Vy).

- Việt Nam đang trở thành nơi  lý tưởng thu hút FDI. Tổng giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, ông Bill Winters, đã có những đánh giá khách quan về nền kinh tế Việt Nam và nhận định rằng Việt Nam vẫn là một điểm đến lý tưởng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). (Phương Hoa).

-Nhiều đơn vị “kéo lùi” giải ngân ngành giao thông. Hiện còn 2 ban quản lý dự án và 11 sở giao thông vận tải có kết quả giải ngân thấp, kéo lùi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải. Tư lệnh ngành yêu cầu các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cảnh cáo nghiêm nhà thầu chậm tiến độ, đưa các dự án về đích và đảm bảo chất lượng. (Anh Tú).

-Doanh nghiệp thương mại điện tử “đỏ mắt” tìm nhân sự. Các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam đang phải chật vật tìm kiếm, thậm chí không thể tuyển dụng được nhân sự. Trong khi đó, nguồn cung đào tạo chưa đáp ứng đủ cầu, thiếu cả số lượng lẫn kinh nghiệm thực chiến về  thương mại điện tử. (Phan Anh).

-Đầu tư mạo hiểm: Thời của những dòng tiền dễ dãi đã qua. Con người chính là một yếu tố then chốt để các quỹ đầu tư cân nhắc rót vốn vào một công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, các quỹ sẽ kỳ vọng cụ thể ra sao về yếu tố này trong suốt quá trình tiếp xúc và ra quyết định rót vốn cho startup cũng như khi đã “lên chung một con thuyền”? Trong cuộc trò chuyện với Seal the Deals, Hoàng Thị Kim Dung, nhà đầu tư đến từ Quỹ Genesia Ventures, đã hé lộ về các kỳ vọng của nhà đầu tư về yếu tố đội ngũ con người  trong suốt quá trình  trước, trong và sau khi rót vốn cũng như chia sẻ về các động lực thôi thúc một người trẻ như chị bước vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm cũng như các thương vụ khiến nhà đầu tư này thấy ấn tượng nhất và các trường hợp được “chốt deal” nhanh nhất. (Bảo Bình - Thu Hoàng).

-“Khập khiễng” cung cầu lao động giữa các địa phương. Do quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đô thị chưa đồng bộ, chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực của từng vùng, miền, địa phương đã dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ giữa các khu vực, ngành nghề kinh tế. Đó là nhận định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. (Thu Hằng).

-Doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng, người lao động gặp khó. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn khi khách hàng quốc tế “dè dặt” đơn hàng, trong khi thường những tháng cuối năm là thời điểm tăng tốc kế hoạch năm, dẫn đến công nhân rơi vào tình cảnh thiếu việc làm và thu nhập giảm sút. (Lưu Hà).

- Dù tiềm năng, M&A tại Việt Nam vẫn đang bị “kìm hãm”. Vượt qua những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường Việt Nam vẫn chứng kiến sự gia tăng về cả quy mô và giá trị từ các hoạt động Mua bán và Sáp nhập (M&A). Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn đang bị kìm hãm bởi các vấn đề thuế do tính chất phức tạp của hệ thống, ngôn ngữ và sự khác biệt trong cách tiếp cận với những vấn đề thuế chưa được hướng dẫn cụ thể. (Vy Vy).

-Ngành du lịch đứng trước áp lực: Phải tự làm mới mình. Sau thời điểm tái mở cửa (ngày 15/3/2022), ngành du lịch Việt Nam đã phục hồi ấn tượng, dù trước đó hai năm bị “đóng băng” vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngành du lịch cũng đang phải đứng trước nhiều áp lực lớn để duy trì được sự phục hồi bền vững. (Hoài Niệm).

-“Sống xanh” đã thành nề nếp ở Hạ Long. Những mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa hình thành trên vùng ven biển Vịnh Hạ Long, đã góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức, năng lực quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa vùng ven biển, đồng thời tạo ra lối “sống xanh”. (Chu Khôi).

-“Khập khiễng” cung cầu lao động giữa các địa phương. Do quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đô thị chưa đồng bộ, chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực của từng vùng, miền, địa phương đã dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ giữa các khu vực, ngành nghề kinh tế. Đó là nhận định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. (Thu Hằng).

- Ngành thời trang cần sẵn sàng gắn thêm “nhãn khí hậu”. Pháp vừa quy định các nhà sản xuất phải ghi nhãn chi tiết thông tin về tác động đối với khí hậu trên tất cả sản phẩm may mặc được bán ở nước này kể từ năm 2023. Dự kiến, các quốc gia còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng quy định này từ năm 2026. (Minh Nguyệt).