Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 77-2021
Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Namsố 77 phát hành ngày 27-12-2021 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...
Thay đổi thói quen trong thanh toán từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt là một quá trình khó khăn, khi tiền mặt vẫn phổ biến trong các giao dịch mua bán hiện nay. Để thay đổi cần có những phương thức thanh toán mới, tích hợp thuận tiện hơn để người dân, doanh nghiệp lựa chọn.
Số liệu tổng hợp từ các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước ghi nhận một sự thay đổi đáng kể. Năm 2020 so với 2019, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 48,2% về lượng và 2% về giá trị. Riêng 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ 2020, các con số trên tăng lần lượt là 53,61% và 26,36%. Cùng đó, số lượng giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng chiếm 13,2% so với tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều đáng nói là cũng trong thời gian qua, các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán; áp dụng xác thực vân tay, sinh trắc, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS...
Kết quả cho thấy, tính đến nay đã có khoảng hơn 30 ngân hàng tại Việt Nam, 9 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code, toàn thị trường có khoảng 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code. Dự kiến đến cuối năm 2021, phần lớn các thiết bị chấp nhận thẻ tại thị trường Việt Nam (ATM, POS) sẽ đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, các ngân hàng đang tích cực thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ nội địa sang thẻ chip nội địa cho khách hàng với nhiều tích năng ưu việt, an toàn, bảo mật trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Để hiểu rõ hơn câu chuyện về thẻ chip nội địa với sứ mệnh thúc đẩy phát triển hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt, trong số báo ra sáng mai, thứ Hai ngày 27/12/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 77-2021 sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho chủ đề: "Phát triển hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt".
Các bài viết bao gồm:
- Ngân hàng chạy đua với thời gian chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Nhiều khó khăn như dịch bệnh Covid-19, quy mô thị trường lớn, chi phí tài chính cao… đang đè nặng lên quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip của ngành ngân hàng. Vì vậy, dù đã cố gắng chạy đua với thời gian, nhưng có lẽ lần này, nhiều ngân hàng sẽ phải lỗi hẹn với nhà điều hành. (Đào Vũ).
- Lỗi hẹn chuyển đổi thẻ: Do người dân “chê” thẻ chip nghèo tiện ích. Thông tư 41/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/12/2018, đến thời hạn 31/12/2021, 100% thẻ nội địa đang lưu hành được chuyển sang thẻ chip cho khách hàng. Tuy nhiên, tính đến hết quý 3/2021, toàn bộ việc chuyển đổi thẻ theo báo cáo của các ngân hàng mới chỉ đạt 25%, dự kiến của các tổ chức thành viên đến hết quý 4/2021 sẽ đạt 35%. (Kiều Linh).
- Nỗ lực hơn nữa để chuyển đổi thẻ chip thành công. Thẻ chip ngân hàng đang và sẽ là phương tiện thanh toán không tiền mặt tiện dụng, an toàn cho khách hàng với những giá trị ưu việt so với hình thức thanh toán khác. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip lại bị chậm nhịp so với mục tiêu ban đầu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra. Vì sao lại như vậy? Đâu là những lý do khiến cho việc chuyển đổi chưa thể đẩy nhanh? (Đào Hưng – Kiều Linh – Ánh Tuyết thực hiện).
- Lấp đầy khoảng trống trong hệ sinh thái thẻ chip nội địa. Trong hệ sinh thái thẻ chip nội địa, có 5 mảnh ghép quan trọng gồm thanh toán y tế, bảo hiểm, giáo dục; thu phí giao thông công cộng; thu phí giao thông không dừng; dịch vụ công; những dịch vụ, tiện ích khác, nhưng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực này đều còn nhiều gian nan, nhiều “khoảng trống” chưa được lấp đầy... (Ánh Tuyết).
- Thúc đẩy thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng được nhân rộng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở các lĩnh vực thiết yếu, trong đó y tế cũng không nằm ngoài xu thế này. Đến nay nhiều bệnh viện đã và đang triển khai các các phương thức thanh toán điện tử đối với viện phí, nhằm mục tiêu giảm thủ tục và thời gian chờ đợi cho người bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. (Nhật Dương)
Và nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:
- Trách nhiệm trước một cam kết quốc tế. Tại hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), diễn ra hồi thượng tuần tháng 11/2021 tại Glasgow – Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam trịnh trọng tuyên bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phù hợp với mục tiêu mà Hiệp ước Glasgow đề ra. Đó là một cam kết quốc tế được bảo đảm bằng vị thế và uy tín chính trị của một quốc gia. (Nguyễn Quốc Uy).
- Phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh giúp báo chí tự chủ. Mục đích quy hoạch báo chí để báo chí phát triển, không chỉ là tiếng nói của từng cơ quan chủ quản mà còn là của nhân dân. Tuy nhiên, muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh... (Hà Lê).
- Ứng dụng AI trong ngân hàng: Sáu bước để thành công. Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence hay AI) được coi là chìa khóa trong chiến lược nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành tài chính ngân hàng. Các ngân hàng cần có chiến lược cụ thể để từng bước đưa AI trở thành công cụ đắc lực cho hoạt động kinh doanh, vận hành và chăm sóc khách hàng. (Nguyễn Thị Anh Thơ - Nguyễn Hoàng Thao).
- Mỏi mắt đi tìm... nhà ở xã hội. Trong vài năm nay, giá đất tăng đột biến là nguyên nhân cơ bản khiến thị trường nhà ở thiết lập một mặt bằng giá mới. Phân khúc hạng C (dưới 20 triệu đồng/m2) đã gần như không còn tồn tại. Người nghèo đô thị ngày càng khó tiếp cận nhà ở... và từ khóa “nhà ở xã hội” cũng vì thế đã trở thành chủ đề “nóng” tại các hội thảo xây dựng, bất động sản trong thời gian gần đây. (Phan Nam).
- Thời điểm để “thay áo” vận tải khách truyền thống. Dù vận tải khách còn tiêu điều sau giãn cách nhưng đây chính là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp chuyển đổi số, thay đổi từ cách thức vận hành, quản lý vận tải đến chuyển đổi tư duy chiến lược để nắm bắt lợi thế vươn lên, “thay áo” cho vận tải khách truyền thống luôn bị “gắn mác” xấu xí trong mắt hành khách. (Anh Tú).
- Doanh nghiệp Việt bỏ lỡ nhiều lợi ích từ các cam kết FTA. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam ký kết gần đây lần đầu tiên có các cam kết về doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo hướng tạo các điều kiện thuận lợi, dành ưu đãi, bảo lưu hỗ trợ dành riêng cho đối tượng này. Tuy nhiên, dường như nội dung này cũng như việc triển khai các cam kết chưa được quan tâm đầy đủ, dẫn tới việc tận dụng các cam kết trong các FTA chưa hiệu quả, khiến doanh nghiệp bỏ lỡ những lợi ích từ các cam kết này. (Vũ Khuê).
- Xuất khẩu thêm một lần phá kỷ lục. Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát dữ dội đã “chặt đứt” chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, nhiều chuyên gia và các cơ quan chuyên môn tỏ rõ sự “sốt ruột” cho mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Tuy nhiên, những lo lắng đó đã được thay bằng cảm xúc vỡ òa khi kết thúc năm 2021, xuất khẩu lại thêm một lần làm nên kỳ tích. (Nguyễn Mạnh).
- Tiêu tốn năng lượng, hiệu quả chưa cao, vì sao? Về cơ bản, năm 2022 hệ thống điện quốc gia đáp ứng đủ nhu cầu điện, song nguy cơ thiếu hụt công suất vào một số thời điểm vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, cùng với những giải pháp về bảo đảm nguồn điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xem là giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực cung ứng năng lượng, cải thiện hiệu quả của nền kinh tế. (Huyền Vy).
- Kinh tế Internet Việt Nam nhiều dư địa tăng trưởng. Nền kinh tế Internet Việt Nam còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt tổng giá trị hàng hoá (GMV) 220 tỷ USD, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. (Hằng Anh).
- Thưởng Tết để giữ chân người lao động. Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, dự đoán, bức tranh thưởng Tết năm 2022 sẽ có nhiều thay đổi. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh nên khó có thể giữ được vị trí dẫn đầu về tiền lương, tiền thưởng như những năm trước... (Tuệ Mỹ).
- Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc vội chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng. Dưới sức ép của cuộc khủng hoảng nợ trong ngành bất động sản và chiến lược Zero-Covid (triệt tiêu ca nhiễm), kinh tế Trung Quốc gần đây phát đi hàng loạt tín hiệu giảm tốc. Sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron khiến bức tranh càng thêm phần u ám, báo hiệu về một cú sụt tốc mạnh trong năm tới. (An Huy).