09:19 24/02/2021

Đồng bằng sông Cửu Long: Trăn trở tìm lối đi mới cho xuất khẩu thủy sản

ngọc hùng

Do đã khai thác gần hết tiềm năng con tôm, con cá tra nên nếu không có những chiến lược thay đổi nhanh chóng, thủy sản Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ khó mang về giá trị lớn hơn hiện tại.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng Sông Cửu Long 2020 với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhóm chuyên gia Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) thực hiện, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, do đã khai thác gần hết tiềm năng con tôm, con cá tra nên nếu không có những chiến lược thay đổi nhanh chóng, thủy sản Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ khó mang về giá trị lớn hơn hiện tại.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giai đoạn 2015 - 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng 28%, chủ yếu nhờ vào mức tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc (tăng 310%) và ASEAN (tăng 44%). Chính hai thị trường này bù đắp cho sự sụt giảm đáng kể của thị trường EU giảm 35% và Mỹ giảm 8,8%, Brazil giảm 21%, Mexico giảm 3,6%.

CÁ TRA ĐÃ ĐẾN GIỚI HẠN  

Thực tế, thị trường xuất khẩu cá phi lê tại Việt Nam chỉ dịch chuyển từ châu Âu và châu Á sang thị trường Bắc Mỹ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 tại châu Âu và châu Á chỉ đạt lần lượt 36,2% và 45,8% so với kim ngạch năm 2008. Nhìn chung lại, sự thăng trầm của ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản trong giai đoạn vừa qua do chịu tác động to lớn từ ảnh hưởng và biến động của thị trường xuất khẩu thế giới, đặc biệt là về giá xuất khẩu.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2010, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,427 tỷ USD và đạt mức 2 tỷ USD trong năm 2019. Trong 10 năm qua (2010-2019), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng cá tra tăng 40,5% và tăng bình quân 3,8%/năm. Điều này cho thấy, cá tra giữ vai trò quan trọng trong ngành thủy sản. Dù giá trị xuất khẩu tăng, thị trường mở rộng nhưng tỷ trọng đóng góp của cá tra trong tổng giá trị xuất khẩu của thủy sản lại có xu hướng giảm khi từ 28,3% vào năm 2010 xuống còn 23,4% trong năm 2019.

Số liệu trên cũng hoàn toàn dễ hiểu dù sản phẩm cá da trơn của Việt Nam hiện đã xuất sang 119 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là hàng đông lạnh (phile/cắt khúc) chiếm đến 99%, còn các sản phẩm giá trị gia tăng chỉ chiếm có 1%. Chính vì chỉ bán dạng phile nên giá bán gần như không tăng trong nhiều năm qua mà chủ yếu ở mức 3,5 - 4 USD/kg.

Rõ ràng, việc để mất các thị trường truyền thống là một vấn đề đáng tiếc với Việt Nam. Tuy vậy, năng lực sản xuất trong nước phần nào cũng đã tới hạn do diện tích canh tác đã khai thác tối đa và ngày càng bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm và xâm nhập mặn. Số liệu thống kê cho thấy, diện tích nuôi cá tra giai đoạn 2014-2018 của cả vùng chỉ tăng 2,8% và sản lượng tăng 3,1%, tương đương mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (vì 95% sản lượng cá tra được xuất khẩu).

Cuối tháng 12/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ thuế bán phá giá cá tra (POR16), trong đó mức thuế của các "ông lớn" trong ngành như Vĩnh Hoàn, Nam Việt là 0,09 USD/kg. Sau một thời gian dài được hưởng thuế chống bán phá giá 0% tại thị trường Mỹ, việc Vĩnh Hoàn bị áp thuế chống bán phá giá lần này là khá bất ngờ và phần nào cho thấy, phía Mỹ đang tập trung vào các công ty xuất khẩu thủy sản đầu ngành của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử của vụ việc trên, trong những năm qua, kết quả cuối cùng của DOC thường không khác biệt nhiều so với kết quả sơ bộ.

Trong khi cá tra ít nhiều gặp khó khăn thì con tôm lại được VASEP dự báo sẽ có một năm xuất khẩu thắng lợi vì các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador đang mắc kẹt trong vấn đề Covid-19 nên quá trình sản xuất, vận chuyển trì trệ, giá cả giảm nên nông dân các nước này chưa mặn mà với việc thả nuôi vụ mới. Còn tại Việt Nam, mọi thứ đang có xu hướng ngược lại nên con tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ trong khu vực. Song, đó chỉ là vấn đề ngắn hạn, còn dài hạn, con tôm vẫn đối diện với những khó khăn nhất định. Tuy mỗi năm mang về 3,5 - 4 tỷ USD từ con tôm nhưng xem chi tiết mặt hàng xuất và nhập khẩu trong nhóm này cho thấy, Việt Nam đang nhập khẩu chủ yếu là tôm nguyên liệu từ Ecuador và Ấn Độ (trên 90%). Rõ ràng nguồn cung nguyên liệu trong nước đang không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm của Đồng bằng Sông Cửu Long gần như không còn vì trong giai đoạn 2014-2018, tăng trưởng diện tích nuôi trồng tôm của chỉ đạt bình quân 0,5%/năm. Vì thế, ngành tôm còn trông chờ vào khoa học công nghệ để tăng sản lượng. Dù muốn hay không thì đây phải là hướng đi tất yếu nếu muốn phát triển ngành này. Thực tế, năng suất nuôi trồng tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã cải thiện trong thời gian qua nhờ sự hiện diện của các dự án nuôi tôm công nghệ mới của FDI, tuy vậy mức tăng trưởng cũng chỉ đạt 3,9%/năm.

NHỮNG THÁCH THỨC LỚN  

Thực tế cho thấy, ngành nuôi trồng thủy sản hình thành và phát triển tại Đồng bằng Sông Cửu Long gắn liền với điều kiện tự nhiên thuận lợi, còn sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp chế biến thủy sản lại gắn liền với nhu cầu và sự phát triển của thị trường xuất khẩu. Bên cạnh thế mạnh nổi bật về điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước phù hợp, Đồng bằng Sông Cửu Long còn có ưu thế nhờ lực lượng lao động trong ngành thủy sản giàu kinh nghiệm và có trình độ đáp ứng nhu cầu kinh doanh và cạnh tranh. Tuy nhiên, sự thiếu hụt và già hóa lực lượng lao động ở các vùng nuôi sẽ là thách thức lớn cho ngành trong dài hạn.

Dù mỗi năm thu về một lượng ngoại tệ lớn từ con tôm, cá tra nhưng với một số chuyên gia, ngành thủy sản Việt Nam như người "khổng lồ" đứng trên chân đất sét vì những vấn đề nội tại của ngành trong nhiều năm qua không giải quyết được. Cụ thể, về nuôi trồng, thách thức lớn nhất của ngành là đảm bảo nguồn cung dồi dào và ổn định các con giống sạch bệnh và có sức sống cao. Đó là việc phụ thuộc vào nguồn cung ứng con giống bên ngoài vùng như hiện nay cũng là một hạn chế quan trọng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình trạng xâm nhập mặn có thể làm hạn chế tốc độ phát triển ngành thủy sản trong tương lai.

Về thị trường, trong 10 năm qua, thị trường xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng và đa dạng hóa, Tuy nhiên, bài toán khó là làm thế nào đối phó với sự cạnh tranh ngày một gay gắt trên thị trường quốc tế và để giải bài toán này cần sự phối hợp chặt chẽ của các tác nhân tham gia trong chuỗi cung ứng, trong cụm ngành cũng như từ các bộ ngành liên quan. Tất nhiên, trong những thành tựu của cụm ngành, không thể phủ nhận vai trò thúc đẩy của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và đặc biệt là vai trò của VASEP. Tuy nhiên, đánh giá của các chuyên gia kinh tế, vai trò của các tổ chức này vẫn chưa được thể hiện đầy đủ, nhất là trong việc khắc phục các khó khăn và thách thức của ngành vừa nêu ở trên.

Trong khi các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống chính của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như lúa và thủy hải sản đang có dấu hiệu đạt ngưỡng tới hạn thì các động lực tăng trưởng mới vẫn còn yếu ớt, thậm chí chưa thành hình. Hơn ba thập kỷ qua, mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng...

Đây là lý do chính khiến các tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long trăn trở với bài toán chuyển đổi cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.