Động lực nào cho tăng trưởng tín dụng cao tại VPBank?
VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 30% trong năm 2023 và ngân hàng này dường như khá tự tin với việc hoàn thành mục tiêu trên cơ sở bộ đệm vốn được tăng cường, quy mô khách hàng rộng mở và đặc quyền được cấp thêm hạn mức tín dụng khi tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém...
KHỞI ĐẦU TÍCH CỰC
VPBank ghi nhận điểm sáng quý đầu năm với tín dụng hợp nhất tăng trưởng gần 5% so với cuối năm 2022, nằm trong nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tích cực trong khi tín dụng toàn ngành tăng trưởng chỉ 2,06%. Đây được coi như một khởi đầu tương đối khả quan, tạo nền tảng cho ngân hàng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm trong các quý tiếp theo.
Kết thúc quý 1, 2023, dư nợ tín dụng hợp nhất của VPBank đạt hơn 503.000 tỷ đồng, trong đó ngân hàng riêng lẻ ghi nhận tăng trưởng 7,1% so với cuối năm 2022, đạt 428.490 tỷ đồng. Động lực cho quy mô tăng trưởng, theo ngân hàng này, tới từ các phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân (KHCN) và SME - hiện chiếm 60% tỷ trọng của danh mục tín dụng.
Đáng chú ý, dư nợ tín dụng của phân khúc KHCN đạt hơn 200.000 tỷ đồng, nhờ cầu tiêu dùng nội địa gia tăng trong những tháng cận Tết, tạo đà cho các sản phẩm thẻ tín dụng, vay mua nhà phố, vay kinh doanh… khởi sắc.
Trước đó, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của VPBank, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của ngân hàng đạt 24,9%, tương ứng 479.756 tỷ đồng dư nợ cấp tín dụng. Tại ngân hàng riêng lẻ, tỷ lệ tăng trưởng này còn lên tới gần 30%, gấp đôi tăng trưởng tín dụng toàn ngành (14,5%).
Trong năm 2023, ban lãnh đạo ngân hàng này đặt ra các mục tiêu kinh doanh khá quyết liệt, tương phản với những chỉ tiêu có phần thận trọng của nhiều ngân hàng khác. Trong đó, tín dụng kỳ vọng tăng trưởng 33% – tương ứng 635.972 tỷ đồng, huy động tiền gửi từ khách hàng tăng trưởng 41% và tổng tài sản tăng 39%.
Trong chiến lược phát triển 5 năm (2022-2026) mà VPBank công bố mới đây, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng trung bình hàng năm đạt 35%/năm, bên cạnh huy động đạt 36%, vốn chủ sở hữu 25% và lợi nhuận trước thuế 31%.
THAM VỌNG THỰC TẾ
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục đối mặt với các diễn biến khó lường trong năm 2023, đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên VPBank khá tự tin vào các mục tiêu kinh doanh công bố, đặt niềm tin vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng tốc và tìm lại quỹ đạo vốn có trong những quý còn lại của năm.
Việt Nam, theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính uy tín, nổi lên như một quốc gia dự báo có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN, với GDP ước đạt 6,5% trong năm 2023. Các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế nội địa được chỉ ra bao gồm cầu tiêu dùng và khu vực dịch vụ phục hồi, đầu tư công tăng tốc và hoạt động đầu tư nước ngoài sôi động trở lại, kéo theo nhu cầu tín dụng gia tăng để phục vụ hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Số liệu thống kê quý 1 cho thấy GDP tăng 3,32% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động dịch vụ tăng trưởng 6,79%, cao hơn mức 4,52% của quý 1, 2022.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường – bao gồm thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp từ phía chính phủ, như Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN mới được ban hành gần đây, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Bên cạnh sự lạc quan vào triển vọng kinh tế vĩ mô, VPBank tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng vượt trội của lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại thị trường gần 100 triệu dân, qua đó thúc đẩy sự phục hồi của FE Credit trong năm 2023. Ngân hàng này hiện đang thực hiện hoạt động tái cấu trúc mảng tài chính tiêu dùng, bao gồm việc điều chỉnh mô hình kinh doanh và sản phẩm, nhằm tối ưu chi phí và hiệu quả hoạt động.
Để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh trong năm 2023, VPBank sẽ cần nhiều hơn một tầm nhìn rộng mở. Ngân hàng này hiện đang có những lợi thế để hiện thực hóa tham vọng tăng trưởng tín dụng cao cùng các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra.
Theo đó, ngay trong quý đầu năm, VPBank ghi nhận bước nhảy vọt về vốn khi ký kết thành công thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản), giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 hệ thống. Bộ đệm vốn dày sẽ hỗ trợ VPBank tăng cường năng lực tài chính trong dài hạn cũng như hoàn thành các kế hoạch kinh doanh trong năm 2023.
Trong khi đó, là 1 trong 4 ngân hàng tham gia vào hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém trong hệ thống ngân hàng, VPBank sẽ được hưởng khá nhiều lợi ích, trong đó có việc mở rộng quy mô hoạt động và nhận được các ưu đãi về hạn mức tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Yuanta, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 33% trong năm 2023 của VPBank khá tham vọng đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. “Tuy nhiên, nền vốn mạnh của VPBank, cùng với sự tham gia của ngân hàng trong hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém của ngành, sẽ cho phép ngân hàng nhận một hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn từ Ngân hàng Nhà nước so với mặt bằng trung toàn ngành.”
Và nhờ độ phủ phân khúc cao từ cá nhân tới doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn cùng chuỗi sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt “may đo” theo nhu cầu khách hàng, VPBank đã thành công mở rông tệp khách hàng với 26 triệu người trên toàn hệ sinh thái vào cuối tháng 3, với riêng quý 1 chào đón gần 2 triệu khách hàng mới.
Công ty Chứng khoán VCSC cho rằng chiến lược mở rộng phân khúc ngân hàng bán lẻ và mảng khách hàng FDI - dưới sự hậu thuẫn của đối tác chiến lược SMBC, sẽ hỗ trợ VPBank tăng trưởng trong thời gian tới đây.