Đồng Nai tập trung giải ngân vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng 10%
Dù nằm trong nhóm địa phương có GRDP lớn nhất cả nước năm 2024, Đồng Nai vẫn đối mặt với nhiều điểm nghẽn trong đầu tư công, hạ tầng và quỹ đất khu công nghiệp. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% năm 2025, tỉnh đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế số và phát triển hạ tầng đồng bộ….

Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đồng Nai đạt gần 260.300 tỷ đồng; tăng 8,02% so với cùng kỳ và là 1 trong 4 tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 vừa qua của Đồng Nai đạt hơn 62.000 tỷ đồng, duy trì vị trí thứ 6 cả nước về thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, việc thực hiện nhiệm vụ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10% trong bối cảnh tỉnh Đồng Nai đang triển khai hàng loạt dự án, công trình trọng điểm; các cực tăng trưởng kinh tế tỉnh Đồng Nai còn trong giai đoạn xây dựng là thách thức không nhỏ.
THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN TRONG ĐẦU TƯ CÔNG
Theo Kế hoạch số 49/KH-UBND tỉnh Đồng Nai về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung ưu tiên thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2025 trên địa bàn, một trong những nội dung quan trọng là nhận diện để khắc phục những điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đồng Nai nhiều năm qua.
Trong đó, đáng chú ý là về giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp kéo dài nhiều năm liền dẫn đến vốn đầu tư công không tạo được động lực để thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển, chưa tạo được động lực cho tăng trưởng GRDP.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết hiện Quy hoạch xây dựng 4 đô thị Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom chưa phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 các phân khu đô thị tại thành phố Biên Hòa, Long Khánh, huyện Nhơn Trạch, thành phố Biên Hòa nên chưa đủ điều kiện để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án để mời gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp chưa phát huy được động lực tăng trưởng do tại các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động vẫn còn 800 ha đất chưa hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa nên không còn quỹ đất lớn cho thuê; các khu công nghiệp hiện hữu cho thuê hỗn hợp, chưa có nhà đầu tư lớn, ít dự án bán dẫn, công nghệ cao nên không tạo động lực tăng trưởng cao.
Đồng thời, các khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư lại chưa được giao đất, cho thuê đất do vướng mắc liên quan đến đất cao su cần được tháo gỡ.
Ngoài ra, hàng loạt điểm nghẽn như công tác giải phóng mặt bằng chậm; nguồn lực từ đấu giá đất không đạt yêu cầu; công tác giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án rất hạn chế nên các doanh nghiệp chưa đưa dự án vào hoạt động, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách của tỉnh chủ yếu từ các nguồn thu truyền thống nên dù đạt dự toán hàng năm nhưng thấp hơn nhiều so với một số tỉnh, thành lân cận.
THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ VÀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ: ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG NĂM 2025
Tại Hội nghị tổng kết về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của tỉnh vừa được tổ chức chiều 17/2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết năm 2025, Đồng Nai đề ra 33 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh.
Trong đó, có chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng kinh tế đạt 10% năm 2025. Để triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, về nhiệm vụ ngắn hạn, ông Đức yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu ý kiến hội thảo, phối hợp với các sở, ngành, địa phương cập nhật chương trình công tác Ủy ban nhân dân tỉnh 2025.
Đồng thời, Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện/thành phố được giao nhiệm vụ triển khai giải pháp cụ thể, xác định trách nhiệm, thời gian thực hiện, thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ khó khăn để đảm bảo hiệu quả; Sở Nội vụ hoàn thành sắp xếp bộ máy trước 20/2/2025.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư. Các sở, địa phương huy động nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh giải ngân, giải phóng mặt bằng và triển khai dự án trọng điểm.

Về nhiệm vụ dài hạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu cần loại bỏ rào cản thể chế, thúc đẩy kinh tế số, thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý với 4 trọng tâm.
Thứ nhất, thay đổi tư duy từ bị động sang chủ động trong hoạch định, triển khai công việc, tận dụng tối đa các cơ hội, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thứ hai, phải phát triển hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững; thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, sản xuất bán dẫn, tự động hóa, blockchain và dữ liệu lớn.
Thứ ba, phải xây dựng mô hình kinh tế xanh và tuần hoàn, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, áp dụng mô hình sản xuất khép kín, giảm thiểu rác thải và khí thải carbon nhằm đảm bảo phát triển bền vững và tăng khả năng hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học, viện nghiên cứu; thu hút đầu tư vào giáo dục để nâng tầm trình độ lao động địa phương.
Để hoàn thành mục tiêu này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng đề nghị các đơn vị lập kế hoạch giải ngân vốn theo từng tháng, từng quý để triển khai thực hiện; các chủ đầu tư cũng cần đăng ký nhu cầu về vật liệu xây dựng, nhất là đá xây dựng để chủ động trong kế hoạch thi công; tăng cường kiểm tra, giám sát nghiêm các nhà thầu thi công các dự án.