Đóng tàu Hải Phòng liên tục “chốt” đơn
Chỉ riêng hợp đồng thi công 8 tàu chở dầu/hóa chất với đối tác Hàn Quốc và các sản phẩm sửa chữa, đóng mới khác, Đóng tàu Phà Rừng đã có việc làm đến giữa năm 2029...

Theo tổng kết mới nhất của Acumen Research and Consulting (ARC), đơn vị uy tín chuyên nghiên cứu thị trường và tư vấn quốc tế, năm 2022 giá trị đóng tàu toàn cầu đạt 147,2 tỷ USD. Năm 2024, con số này đã đạt 152,58 tỷ USD. Dự báo đến năm 2032 con số này sẽ là 226,9 tỷ USD.
Các nhà máy tại châu Âu chủ yếu tập trung vào mảng tàu du lịch, du thuyền sang trọng và tàu quân sự, chiếm 7% tổng đơn đặt hàng đóng tàu trên toàn cầu năm 2023.
Thị trường chủ lực như tàu container và tàu hàng rời hiện đang do Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm lĩnh. Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam tham gia các phân khúc thị trường, các sản phẩm phù hợp năng lực.
Một trong những doanh nghiệp chốt được nhiều đơn hàng nhất là Công ty Đóng tàu Phà Rừng, Hải Phòng. Cuối năm 2022 Công ty Y-ENTEC (Hàn Quốc) ký hợp đồng với Công ty Đóng tàu Phà Rừng đóng mới 3 tàu hóa chất 13.000 tấn, số hiệu YN01/02/03. Tháng 7/2023, Y-ENTEC ký thêm với Phà Rừng đóng mới 2 tàu 13.000 tấn, số hiệu YN04/05.
Tháng 3 năm 2024, Công ty tiếp tục ký hợp đồng đóng mới con tàu số 6 và số 7, số hiệu YN06/07. Vào ngày hạ thủy tàu YN01, Công ty Đóng tàu Phà Rừng tiếp tục ký với đối tác Y-ENTEC hợp đồng đóng mới con tàu 13.000 tấn số 8, số hiệu YN08. Đây là hợp đồng đóng mới seri tàu có số lượng tàu nhiều nhất từ trước tới nay mà Phà Rừng có được.
Ông Vũ Hữu Chiến, Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng, chia sẻ chỉ riêng hợp đồng thi công 8 tàu chở dầu/hóa chất với đối tác Hàn Quốc và các sản phẩm sửa chữa, đóng mới khác, Công ty đã có việc làm đến giữa năm 2029.
Theo sau thành công của Phà Rừng, ngày 5/1/2025, Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận và Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương phối hợp tổ chức lễ khởi công dự án đóng mới 8 tàu biển quốc tế không hạn chế. 8 con tàu này có tổng mức đầu tư trên 2.600 tỷ đồng, gồm: 2 tàu trọng tải 36.000 DWT, 3 tàu trọng tải 26.000 DWT, 3 tàu trọng tải 11.000 DWT.
Đây là loạt tàu biển không hạn chế, được đóng mới nằm trong kế hoạch đa dạng hóa phương tiện vận chuyển hàng rời, bổ sung cho đội tàu vận chuyển hàng chuyên dụng cho định hướng phát triển những năm tiếp theo của Việt Thuận Group.
Ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương, cho biết hiện nay ngành hàng hải thế giới đang hướng tới “xanh hóa”, các doanh nghiệp đóng tàu sẽ tập trung sản xuất các loại tàu có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ xanh và sử dụng nhiên liệu sạch.
Trước đó, cuối năm 2024, Công ty Đóng tàu Nam Triệu đã bàn giao tàu 65.000 DWT cho chủ đầu tư. Đây là sản phẩm tàu hàng rời lớn nhất do doanh nghiệp Việt Nam đóng mới, trong seri 4 tàu 65.000 DWT do Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Đông Bắc là chủ đầu tư.
Theo ông Phạm Trung Tuyến, Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu, việc bàn giao thành công tàu hàng 65.000 DWT là dấu ấn quan trọng, thể hiện năng lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trong công ty. Bởi tàu có chiều dài lên tới 199,99 m, rộng 32,2 m, tổng dung tích 35.823 GT; được thiết kế bởi đối tác Phần Lan.
Trên tàu được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại, đúng tiêu chuẩn công ước quốc tế và được đăng kiểm bởi NK (Nhật Bản), tàu có thể hoạt động trên tất cả vùng biển, đáp ứng tốt điều kiện được cập cầu tại tất cả cảng biển trên thế giới.
Để bảo đảm kế hoạch tiến độ đóng mới các tàu tiếp theo trong seri 4 tàu 65.000 DWT, Công ty đã và đang nỗ lực huy động nhân lực, đầu tư trang thiết bị hiện đại cũng như nâng cao năng lực quản trị, chủ động ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Hiện tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng đang tích cực triển khai dự án đóng mới 3 tàu hàng 6.600T (ký hiệu thiết kế RS 15, 16, 18) của chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại An Dũng Phát và Công ty TNHH An Tiến Mạnh, dự án này là bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực duy trì, phát triển hoạt động sản xuất của Công ty…
Theo Phó cục trưởng Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam Hoàng Hồng Giang, hiện ngành đóng tàu Việt Nam đứng thứ 7 thế giới, đủ năng lực đóng được hầu hết các gam tàu tổng hợp, tàu hàng rời, tàu dầu, tàu chở ô tô.
Việt Nam cũng là quốc gia có lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng, dễ đào tạo, chi phí lao động cạnh tranh so với các nước có công nghiệp tàu thủy mạnh khác trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc…