“Đột phá bắt đầu từ tư duy”
TS. Nguyễn Đức Hưởng: “Miền Trung nên chọn một nơi làm thí điểm cho người Việt vào casino”
Một số ý kiến và giải pháp cụ thể, đề cập thẳng vào những tồn tại của kinh tế miền Trung hiện nay, từ góc nhìn của TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
“Đúng” và “trúng”
Nhìn từ Diễn đàn Kinh tế Miền Trung do Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức cuối tuần trước, có thể thấy đến nay, miền Trung vẫn chưa có một giải pháp về vốn và đầu tư thật sự hiệu quả. Ý kiến của ông như thế nào?
Khá nhiều nghiên cứu mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến tại Diễn đàn đã cho thấy: các chỉ số phát triển của miền Trung đều thấp. Nguyên nhân chủ yếu là quy hoạch đầu tư còn lộn xộn, chắp vá và thiếu khoa học, từ đó, dẫn đến các giải pháp về vốn, tín dụng cũng chắp vá theo.
Tôi nghĩ, muốn có đột phá thì trước hết phải bắt đầu từ tư duy. Giải pháp đưa ra không chỉ “đúng” mà còn phải “trúng”.
Ví dụ, trong lĩnh vực du lịch, miền Trung nên chọn một nơi làm thí điểm cho người Việt vào casino. Gần hai năm trước, tôi từng phát biểu trên VnEconomy trong bài “Kích cầu qua vốn ưu đãi và… casino” rằng việc mở casino sẽ giúp hạn chế chảy máu ngoại tệ của đất nước.
Ở chỗ, tính toán của một số nhà cái cho thấy, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 10 tỷ USD vì người ta vào casino ở nước ngoài. Bên cạnh đó, còn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, cho phép người Việt Nam vào casino sẽ giúp các nhà quản lý dễ dàng hơn trong việc nắm rõ lai lịch cũng như địa điểm casino mà người chơi thường lui tới.
Tuy nhiên, để hạn chế người Việt Nam vào casino, chúng ta có thể thu một khoản phí vào cửa khoảng 300 - 500 USD/người/lần, khoản phí này có thể được sử dụng cho các quỹ hỗ trợ vì người nghèo.
Và, casino ở Việt Nam chỉ nên xây dựng ở những hải đảo, vùng đất cằn cỗi, để góp phần hút vốn đầu tư vào những nơi khó khăn trong phát triển kinh tế và đi lại, để khách du lịch và người nhiều tiền mới bước chân đến được, và cũng là để hạn chế những người Việt ít tiền đến nơi này.
Nếu có thể đưa ra những kiến nghị cụ thể xung quanh các giải pháp về vốn cho miền Trung, ông sẽ nói gì?
Về những giải pháp vốn cho doanh nghiệp miền Trung, trong điều kiện hiện nay, đây là lúc dễ thu hút vốn nhất để mở rộng đầu tư. Do đó, Nhà nước nên phát hành trái phiếu miền Trung, chẳng hạn.
Nếu phát hành được trái phiếu với những dự án hiệu quả thì giai đoạn này sẽ thu hút được vốn rất lớn cho miền Trung. Hai là, khi có cơ sở hạ tầng tốt thì các nhà đầu tư mới vào mạnh, kể cả cảng biển.
Như huyện đảo Lý Sơn, nếu có cảng tốt thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ vào. Chúng ta không thể kêu gọi các nhà đầu tư khi không có đường đi. Đấy là một điều rất đơn giản, nhưng lâu nay chúng ta không làm.
Hai cách để ngân hàng bỏ tiền khỏi tủ
Trở lại với vấn đề tăng trưởng tín dụng ì ạch của khu vực miền Trung, theo ông, cần phải làm gì để giải quyết bài toán “ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay”?
Hiện nay, nền kinh tế vẫn chưa tìm thấy lối thoát khi mà ngân hàng thì đang thừa nguồn, còn doanh nghiệp với địa phương thì lại thiếu vốn. Vì thế, mấy năm nay, bài toán trên vẫn chưa thể nào giải được.
Ngoài ra, trong lúc kinh doanh khó khăn thì xu hướng hình sự hóa kinh tế lại trỗi dậy. Cũng vì thế, tất cả các ngân hàng, nhất là các ngân hàng có yếu tố nhà nước đều ngại đầu tư tín dụng vì sợ bị quy vào tội thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái.
Mà thực sự là nền kinh tế cũng khó khăn thật, nên đầu tư gặp rất nhiều rủi ro, đa số các ngân hàng nghĩ là để tiền “trong tủ” cho chắc chắn, sau này kinh tế hồi phục thì tính tiếp.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng chỉ tăng trưởng hơn 3% trong 7 tháng vừa qua. Tiền ngân hàng để trong tủ tức là: ngân hàng đầu tư vào những lĩnh vực lãi suất thấp nhưng bảo toàn vốn, chẳng hạn mua trái phiếu Chính phủ.
Trước tình hình này, tôi xin đề xuất hai cách sau.
Một là VAMC không chỉ can thiệp sau khi có nợ xấu, tức là mua nợ trực tiếp, mà nên áp dụng hình thức mua nợ tương lai - bảo lãnh ngay lúc bắt đầu đầu tư, tức là có thêm chức năng bảo lãnh cho một số dự án có hiệu quả, nếu có vấn đề thì mua nợ ngay.
Hai là, giai đoạn hiện nay, trong lúc chưa huy động được nguồn vốn từ trái phiếu, công trái Chính phủ thì Chính phủ đứng ra bảo lãnh một số dự án kinh tế thông qua Bộ Tài chính, kể cả dự án an ninh - quốc phòng để các ngân hàng mạnh dạn rút vốn ra để đầu tư.
Và khi ngân hàng bỏ vốn ra để đầu tư thì có môi trường, có điều kiện kinh doanh để kinh tế phát triển. Việc bảo lãnh của Chính phủ chỉ là một đòn tâm lý để làm vững chắc niềm tin của các nhà đầu tư và các ngân hàng, thế thì mới khơi thông được dòng vốn, không chỉ ở miền Trung này.
Một thực tế lâu nay cho thấy, ngân hàng vẫn khá thụ động khi cho vay, chỉ chờ doanh nghiệp mang hồ sơ đến, không đạt chuẩn thì loại ngay. Làm thế nào để thay đổi được thói quen này?
Các ngân hàng phải có sản phẩm tín dụng chuyên biệt phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện phát triển kinh tế của từng địa phương.
Tôi lấy ví dụ, ở Tây Nguyên hiện nay đang phát triển rất mạnh các cây công nghiệp như cà phê, tiêu, điều… Tuy nhiên, Tây Nguyên nên ưu tiên trồng cây mắc-ca, có thể thay thế được cây cà phê trong tương lai. Vì mắc-ca được coi là hoàng hậu của các loại hạt, có hiệu quả kinh tế hơn hẳn cây cà phê.
Chính vì vậy, các ngân hàng phải kết hợp cùng các cơ quan nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế và các bộ ngành, đi sâu vào nghiên cứu cây mắc-ca này. Các thị trường Úc, Trung Quốc, Nhật Bản… hiện tiêu thụ mắc-ca rất tốt.
Nếu đầu tư dài hơi, có vốn trung dài hạn từ 10-15 năm thì đầu tư vào lĩnh vực này sẽ có nguồn vốn lâu dài và thị trường vốn ngắn hạn trong tương lai rất lớn.