Dow Jones giảm tuần thứ 5 liên tiếp vì Mỹ-Trung căng thẳng
Dù tăng trong phiên ngày thứ Sáu, chứng khoán Mỹ vẫn giảm điểm tuần này dưới sức ép của chiến tranh thương mại leo thang
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi giảm mạnh trong phiên ngày thứ Năm. Những phát biểu có phần lạc quan của Tổng thống Donald Trump về quan hệ thương mại với Trung Quốc đã giúp nhà đầu tư cảm thấy bớt lo.
Tuy nhiên, xung đột thương mại leo thang đã khiến chỉ số Dow Jones đi xuống liên tục trong 5 tuần.
Vào tối ngày thứ Năm, ông Trump nói ông nhận thấy rằng sẽ sớm có giải pháp cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ông cũng nói vấn đề Huawei, công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách cấm, có thể sẽ là một phần trong thỏa thuận thương mại giữa hai nước, nhưng ông vẫn nói Huawei "rất nguy hiểm".
Kể từ khi kết thúc vòng đàm phán thương mại gần nhất cách đây 2 tuần, Mỹ và Trung Quốc đến nay vẫn chưa đưa ra kế hoạch nào cho vòng đàm phán tiếp theo.
Mặc dù vậy, những phát biểu trên của ông Trump cũng đủ để hỗ trợ cho các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cuối tuần. Phiên này, khối lượng giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm do nhiều nhà đầu tư chuẩn bị cho kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài. Vào ngày thứ Hai tới, chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ Lễ (Memorial Day).
"Có một vài thông tin tích cực nho nhỏ", ông John Carey, nhà quản lý danh mục thuộc Amundi Pioneer Asset Management, nhận xét. "Với khối lượng giao dịch ở mức thấp, thì chỉ cần những thông tin nhỏ cũng khiến thị trường chuyển động".
Phiên tăng điểm diễn ra trên diện rộng, với 9 trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500 chốt phiên trong trạng thái tăng. Tuy nhiên, cổ phiếu hai "ông lớn" Apple và Alphabet giảm giá đã hạn chế mức tăng của các chỉ số.
Mức tăng của phiên này không đủ để giúp Phố Wall thoát khỏi một tuần giảm điểm. S&P 500 giảm hơn 1% trong tuần, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp, dưới sức ép của nỗi lo rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ dẫn đến sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
"Khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới muốn chống lại nhau, thì đó không phải là một môi trường tốt cho các nhà đầu tư cổ phiếu", ông Robert Phipps, Giám đốc Per Stirling Capital Management, nhận xét.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,37%, đạt 25.585,69 điểm. S&P 500 tăng 0,14%, đạt 2.826,06 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,11%, đạt 7.637,01 điểm.
Tính chung cả tuần, Dow Jones giảm 0,68%; S&P 500 mất 1,16%; và Nasdaq sụt 2,29%. Đây là tuần giảm thứ 5 liên tiếp của Dow Jones, và đánh dấu chuỗi 3 tuần giảm đầu tiên trong năm nay của S&P 500 và Nasdaq.
Tài chính là nhóm cổ phiếu ngành tăng mạnh nhất trong S&P 500 phiên này, với mức tăng 0,8%.
Cổ phiếu Foot Locker sụt 16%, mạnh nhất trong số các cổ phiếu thuộc S&P 500, sau khi công ty bán lẻ giày dép này công bố lợi nhuận và doanh thu quý 1/2019 không đạt dự báo.
Cổ phiếu Total System Services tăng gần 14% sau khi có tin công ty công nghệ thanh toán này sắp được đối thủ Global Payments mua lại. Cổ phiếu Global Payments tưng 3,7%.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp gần 2 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là hơn 1,8 lần.
Có tổng cộng 5,48 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,95 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.