Dự án kiến trúc bền vững dành cho người vô gia cư
Theo nghiên cứu gần đây của Liên đoàn các tổ chức quốc gia châu Âu làm việc với người vô gia cư (FEANTSA), có khoảng 1 triệu người phải ngủ trên đường phố mỗi đêm ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh…
FEANTSA cảnh báo con số thực tế có thể còn lớn hơn, do dữ liệu mà họ ghi nhận bị giới hạn ở những hình thức vô gia cư dễ nhìn thấy nhất. Làn sóng người di cư đổ dồn tới “lục địa già” những năm gần đây đã làm gia tăng số lượng các gia đình không có nơi cư trú ổn định. Số lượng người tị nạn vô gia cư từ Syria, Afghanistan và Iraq nói riêng đã tăng vọt ở nhiều nước châu Âu.
Được biết, do chưa có định nghĩa quốc tế nào thống nhất về tình trạng vô gia cư, nên số lượng thống kê giữa các quốc gia khác nhau rất nhiều. Việc thu thập dữ liệu này cũng khó khăn, khiến việc so sánh giữa các nước càng khó hơn. Tuy vậy, theo báo cáo năm ngoái của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Anh có số người vô gia cư cao nhất, với tỷ lệ 43 người vô gia cư/10.000 dân. Tại EU, Pháp có tỷ lệ người vô gia cư cao nhất ở mức 30,7/10.000 dân, tiếp theo là Séc, Đức và Ireland. Các nước Bắc Âu có tỷ lệ vô gia cư tương đối thấp hơn.
Hồi tháng 4/2024, Chính phủ Đức đã công bố “Kế hoạch hành động quốc gia” nhằm chấm dứt tình trạng vô gia cư vào năm 2030. Kế hoạch 31 điểm do Bộ Nhà ở, Phát triển Đô thị và Xây dựng Đức công bố đã đưa ra những ý tưởng như cấp tiền cho việc xây dựng nhà ở xã hội, chống phân biệt đối xử trên thị trường nhà ở, giúp mọi người tiếp cận bảo hiểm y tế và giúp các dịch vụ tư vấn dễ tiếp cận hơn.
Tình trạng vô gia cư tại Đức - nền kinh tế lớn số 3 thế giới ở thời điểm hiện tại, đã tăng trong vài năm qua do tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ. Chính phủ phủ Đức ước tính có khoảng 375.000 người vô gia cư ở nước này. Nhóm công tác liên bang về hỗ trợ người vô gia cư (BAG-W) đưa ra con số là 600.000, trong đó khoảng 50.000 người sống trên đường phố. Những con số này bao gồm cả những người không có hợp đồng thuê nhà hoặc nhà riêng. Chính quyền Đức cung cấp nơi ở khẩn cấp cho những người sống trên đường phố, nhưng nhiều người chọn ở bên ngoài vì những nơi đó không đảm bảo quyền riêng tư hoặc an toàn cho họ.
Trong bối cảnh đó, Ulmer Nest là một dự án kiến trúc xã hội được phát triển bởi một nhóm 6 người liên ngành, nhằm tạo ra những nhà gỗ đóng vai trò là nơi trú ẩn khẩn cấp để bảo vệ những người vô gia cư khỏi thời tiết mùa đông lạnh giá. Các tổ ấm này không nhằm mục đích thay thế cho những nơi trú ẩn thông thường dành cho người vô gia cư, mà chúng được mô tả là “phương thức khẩn cấp tạm thời”.
Thay vì dành một đêm trong cái lạnh cóng để ngủ trên ghế đá công viên hoặc trên đường phố, chiếc "giường kén" này cung cấp một phương tiện bảo vệ chống lại các yếu tố thời tiết. Đây là một bước tiến hướng tới việc xây dựng một môi trường đô thị bao dung và nhân ái hơn, nơi mà mọi người, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng đều có quyền được bảo vệ và tôn trọng. Hai nguyên mẫu đã được lắp đặt tại thành phố Ulm của Đức dành cho những người, vì bất cứ lý do gì, không thể ở trong nơi ở dành cho người vô gia cư.
Dự án là kết quả của quá trình lập kế hoạch kỹ lưỡng và tham vấn với nhiều bên liên quan, bao gồm sở cứu hỏa, cảnh sát, các dịch vụ cộng đồng và nhân viên y tế. Khi phát triển nguyên mẫu, nhóm đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng để hiểu rõ hơn về những người sẽ sử dụng nơi trú ẩn. Cuối cùng, “tổ trú ẩn” được làm bằng gỗ tự nhiên cho phần thân và kim loại sơn tĩnh điện cho các bộ phận cần làm sạch chuyên sâu. Vật liệu gỗ được chọn vì độ bền và đặc tính cách nhiệt cũng như các khía cạnh kinh tế và sinh thái của nó.
Sau khi được lắp ráp, gỗ sẽ được phủ một lớp sơn để bảo vệ vừa có khả năng chống gió vừa chống thấm nước. Chúng được thiết kế để bảo vệ tối đa hai người khỏi các tác nhân, bao gồm mưa, sương giá và độ ẩm. Bên trong mỗi Ulmer Nest còn có đèn chiếu sáng để tăng cường tầm nhìn và tạo cảm giác dễ chịu. Một còi tín hiệu cũng được trang bị, giúp người sử dụng có thể kêu cứu trong trường hợp khẩn cấp. Hệ thống thông gió cung cấp không khí trong lành ổn định, đảm bảo không gian bên trong luôn thoáng mát. Tổ cũng được gắn các tấm pin mặt trời.
Công nghệ đóng một vai trò quan trọng đối với Ulmer Nest. Mỗi chiến kèn đều được kết nối với một bộ điều khiển trung tâm truyền dữ liệu qua mạng LoRaWAN hoặc GSM, cho phép giám sát thời gian thực và phản hồi nhanh. Chúng được gắn các cảm biến có thể theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, khói và nồng độ carbon dioxide cũng như hệ thống xác minh điện tử để những người sử dụng nó có thể khóa từ bên trong.
Khi một người bước vào Ulmer Nest, hệ thống cảm biến sẽ tự động gửi thông báo tới các tình nguyện viên từ hiệp hội Caritas Ulm-Alb-Donau, những người sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe và cung cấp hỗ trợ nếu cần thiết vào sáng hôm sau.
Điểm nổi bật của dự án là việc ưu tiên quyền riêng tư của người sử dụng. Không có camera nào được lắp đặt bên trong các viên nang, đảm bảo sự tôn trọng phẩm giá và quyền tự chủ của những người cần nơi trú ẩn. Thay vào đó, chỉ có cảm biến chuyển động được kích hoạt khi cửa mở, giúp nhân viên xã hội biết rằng viên nang đã được sử dụng.
"Trong mùa đông này, chúng tôi đã sửa đổi các chi tiết của cánh cửa nhằm nỗ lực cải thiện khả năng sử dụng cho cả những người ngủ trong Tổ và nhân viên xã hội kiểm tra họ. Ngoài ra, chúng tôi đã dành nhiều thời gian cải thiện khả năng cách nhiệt và quản lý khí hậu, để có thể giữ độ ẩm và nhiệt độ ở mức tốt nhất có thể trong khi hoạt động với nguồn năng lượng hạn chế", một trong những thành viên nhóm Ulmer Nest nói với Bored Panda.
Ngoài việc cung cấp nơi trú ẩn, dự án còn mang lại cơ hội thu thập dữ liệu quan trọng về hiệu quả của các giải pháp tạm thời này và ảnh hưởng của chúng đối với cộng đồng đô thị. Những thông tin này sẽ góp phần quan trọng trong việc định hình các chính sách tương lai liên quan đến vấn đề vô gia cư và bảo vệ con người khỏi tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mặc dù Ulmer Nest chỉ là một biện pháp khẩn cấp, dự án này đã mở ra tiềm năng cho các thành phố khác học hỏi và triển khai những giải pháp tương tự.