10:08 19/09/2024

Biểu tượng nhà bếp xin bảo hộ phá sản: Vì đâu nên nỗi?

Lưu Hà

Động thái nộp đơn xin bảo hộ phá sản diễn ra sau nhiều tháng thương hiệu đàm phán với các chủ nợ về việc xử lý khoản vay hơn 700 triệu USD. Mặc dù các chủ nợ đã đồng ý cho hãng thời gian để thanh toán nợ, nhưng tình hình kinh doanh vẫn tiếp tục xấu đi…

Ảnh: Finimize
Ảnh: Finimize

Ngày 17/9, công ty sản xuất đồ dùng nhà bếp Tupperware Brands của Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Theo hồ sơ gửi tới Tòa án Phá sản Mỹ tại quận Delaware, Tupperware ước tính tài sản của công ty là 500 triệu USD - 1 tỷ USD, trong khi số nợ phải trả vào khoảng 1 tỷ USD - 10 tỷ USD. Trước đó, nhà sản xuất vốn thống trị thị trường lưu trữ thực phẩm toàn cầu đã nhiều lần nêu quan ngại về khả năng duy trì hoạt động kinh doanh do thiếu thanh khoản.

"Trong vài năm qua, tình hình tài chính của công ty đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức", Laurie Ann Goldman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tupperware Brands Corporation, cho biết trong một tuyên bố vào thứ Ba.

Luật phá sản Chương 11 của Mỹ cho phép các công ty giải quyết các vấn đề tài chính của mình bằng cách tái cấu trúc. "Quy trình này nhằm mục đích cung cấp cho chúng tôi sự linh hoạt cần thiết khi chúng tôi theo đuổi các giải pháp thay thế chiến lược để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của mình thành một công ty công nghệ số tiên phong", ông Goldman nói thêm.

Nhà sản xuất đồ dùng nhà bếp này vốn thống trị thị trường lưu trữ thực phẩm toàn cầu trong nhiều thập kỷ.
Nhà sản xuất đồ dùng nhà bếp này vốn thống trị thị trường lưu trữ thực phẩm toàn cầu trong nhiều thập kỷ.

Công ty này đã phải chật vật ứng phó với tình trạng sụt giảm doanh số sau một đợt tăng đột biến trong giai đoạn đại dịch, khi mọi người ở nhà, nấu ăn nhiều hơn và cần các hộp nhựa kín để đựng thức ăn. Hậu đại dịch, chi phí nguyên liệu thô quan trọng như nhựa dẻo, nhân công và vận chuyển hàng hóa tăng vọt tiếp tục làm giảm lợi nhuận của Tupperware.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng một loạt yếu tố gồm những sai lầm về quản trị tài chính, sự lỗi thời của mô hình bán hàng trực tiếp trong kỷ nguyên thương mại điện tử, cũng như sự xuất hiện của các đối thủ giá rẻ hơn, cũng góp phần khiến Tupperware trượt dốc.

"Vài năm qua, tình hình tài chính của công ty chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ môi trường vĩ mô đầy thách thức", CEO Laurie Goldman cho biết trong thông cáo báo chí. Trước đó, khi Bloomberg đưa tin Tupperware chuẩn bị nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì không thực hiện đúng thỏa thuận với các chủ nợ, cổ phiếu của hãng giảm một nửa trong phiên 16/9. Một năm qua, cổ phiếu của hãng đồ gia dụng này đã giảm 70%, hiện còn 0,5 USD, tương đương vốn hóa khoảng 23,7 triệu USD.

Với hàng loạt rắc rối bủa vây như hiện tại, rất khó tưởng tượng Tupperware từng là hiện tượng của thế kỷ 20 với các "bữa tiệc Tupperware" (Tupperware Party) nổi tiếng. Năm 1946, nhà hóa học Earl Tupper (New Hampshire, Mỹ) – người sáng lập Tupperware - đã tạo ra loại hộp nhẹ, không vỡ, kín khí. Mục tiêu của ông là giúp các gia đình tiết kiệm tiền, bằng cách không phải bỏ phí thực phẩm đắt đỏ thời hậu chiến. Lấy cảm hứng từ các nắp đậy kín khí của thùng sơn, ông tạo ra hộp đựng thực phẩm có giá 39 cent và màu trắng đục.

Tupperware từng là hiện tượng của thế kỷ 20 với các Tupperware Party nổi tiếng.
Tupperware từng là hiện tượng của thế kỷ 20 với các Tupperware Party nổi tiếng.

Về sau, họ dần giới thiệu các loại hộp màu cam, xanh lá và xanh da trời. Các mẫu hộp cũ của Tupperware còn phát ra âm thanh như tiếng “ợ hơi” khi không khí thoát ra ngoài. Sau đó, nắp hộp sẽ đậy rất chặt. Tuy nhiên, đồ Tupperware ban đầu bán rất chậm tại các cửa hàng, vì người tiêu dùng không biết cách sử dụng các loại hộp mới mẻ này. Việc này khiến họ nảy ra ý tưởng phải minh họa cách dùng, từ đó tạo ra các sự kiện Tupperware Party nổi tiếng.

Bob Kealing – người chuyên nghiên cứu về Tupperware và đã xuất bản 2 quyển sách về thương hiệu này - cho biết các bữa tiệc này không chỉ mang tính chất giới thiệu sản phẩm. Nó là những sự kiện hào nhoáng, tương tự các buổi trà chiều. Phụ nữ mặc đồ đẹp, đi giày cao gót và đeo găng tay. Họ muốn phô bày phiên bản tốt nhất của mình, vì đây cũng là những sự kiện tuyển dụng họ vào mạng lưới bán hàng của Tupperware", ông nói.

Mỗi sự kiện kéo dài khoảng 2 giờ, chủ yếu để hướng dẫn sử dụng. Cuối buổi, những người tham gia sẽ đặt hàng. Suốt một thời gian dài, các bữa tiệc này là cách duy nhất để khách hàng mua sản phẩm của Tupperware. Năm 1983, Tupperware trở thành công ty bán hàng trực tiếp lớn nhất thế giới với doanh thu 620 triệu bảng Anh, theo Daily Mail.

Khi công ty phát triển, lực lượng bán hàng trực tiếp của họ còn lên tới gần 3 triệu người năm 2019. Tuy nhiên, dù hưởng lợi từ cách thức bán hàng sáng tạo suốt nhiều năm, họ lại không thể bắt kịp sự thay đổi của thời đại. Shankar cho biết lịch sử đã chứng minh sự lâu đời không đủ để đảm bảo việc kinh doanh bền vững.

Tupperware cũng đã thử tìm cách thu hút sự chú ý của người trẻ.
Tupperware cũng đã thử tìm cách thu hút sự chú ý của người trẻ.

Tupperware đạt doanh thu 1,3 tỷ USD năm 2021. Tuy nhiên, so với năm trước đó, số liệu này giảm 18,7%. Sau đó, thương hiệu này tìm cách thu hút sự chú ý của người trẻ. Mục tiêu là trở thành sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của giới trẻ, tương tự như thời mẹ và bà của họ. Tuy nhiên, Gen Z là nhóm khách hàng không mấy quan tâm tới lịch sử thương hiệu, mà họ cần một lý do để bỏ tiền ra mua một món đồ.

Điều này đồng nghĩa họ sẽ phải rũ bỏ hình ảnh cũ kỹ trước đây, tái định vị Tupperware là thương hiệu chất lượng cao, bền hơn, đa dụng và thân thiện với môi trường hơn các đối thủ. Cách thức bán hàng cũng phải điều chỉnh lại. Ngoài bán trực tiếp, họ đã bán trên website, thử nghiệm hợp tác với các hãng bán lẻ như HomeGoods, Bed Bath & Beyond và Target, một động thái được đánh giá là “quá trễ”.

Việc Tupperware rời bỏ kênh bán hàng truyền thống để chuyển sang Target đồng nghĩa thừa nhận rằng mô hình kinh doanh cốt lõi của họ không còn hoạt động hiệu quả nữa. Hay nói cách khác, thất bại của Tupperware không phải là do đại dịch, mà đó là sự lao dốc dần dần, tình trạng mất đi động lực tích lũy từ tháng này qua năm khác. Đại dịch chỉ làm trầm trọng thêm những thất bại của Tupperware trong việc cố gắng điều chỉnh để thích nghi với hành vi người tiêu dùng thay đổi và sức cạnh tranh khổng lồ từ thị trường.

Thậm chí quá trình điều chỉnh thích nghi của họ cũng không ổn chút nào. Họ chuyển sang bán trong các cửa hàng bán lẻ, nhưng trong các cửa hàng đó cũng có rất nhiều sản phẩm tương tự từ các thương hiệu khác. Nếu so sánh thì Tupperware không có điểm nổi trội nào, giá lại đắt hơn. Và thói quen tiêu dùng hiện nay là so sánh giá cả. Và kết quả rất rõ ràng, doanh số Tupperware liên tục giảm trong nhiều năm.

Thứ giá trị nhất là Tupperware có chính là thương hiệu.
Thứ giá trị nhất là Tupperware có chính là thương hiệu.

JohnTalbott, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu bán lẻ tại Trường Kinh doanh Kelly thuộc Đại học Indiana cho rằng phá sản có lẽ là một hướng đi cho Tupperware. "Thứ giá trị nhất là Tupperware có chính là thương hiệu. Thương hiệu này sẽ không biến mất. Nếu họ nộp đơn phá sản và có người mua, tôi cho rằng một thương hiệu bán lẻ như Target là lựa chọn tuyệt vời để hồi sinh Tupperware bằng thiết kế và chiến lược marketing mới", ông nói.

"Bữa tiệc đã kết thúc đối với Tupperware", Susannah Streeter, Giám đốc tiền tệ và thị trường tại nền tảng đầu tư Hargreaves Lansdown của Anh, lưu ý với CNN. “Vẫn còn cơ hội tìm được người mua cho doanh nghiệp này, nhưng với việc nhựa không còn được người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường coi trọng, việc khôi phục lại thương hiệu sẽ là một cuộc đấu tranh gian nan”.