Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Phân tích, tiếp thu phản biện xã hội
Sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện Luật số 32/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) hiện nay là cần thiết để phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế…
Mới đây, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Hội nghị tập trung thảo luận vào nội dung phạm vi, đối tượng điều chỉnh và bố cục của dự thảo, tính phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế, các quy định liên quan đến quyền con người.
Đồng thời góp ý kiến đối với quy định về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)…
CẦN PHẢI HÌNH THÀNH MỘT ‘BẢO TÀNG SỐ MỞ”
Góp ý nội dung của dự thảo luật, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng coi trọng quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của các chủ thể sở hữu di sản văn hóa, nhất là của chủ sở hữu di sản văn hóa là Nhà nước. Trong khi đó, nội dung phát huy giá trị di sản văn hóa không được quy định rõ. Các điều luật đều có hai chữ “phát huy” nhưng nội dung của phát huy là phải làm gì? Phát huy như thế nào không thấy quy định. Khuôn khổ pháp lý để phát huy giá trị di sản văn hóa không thấy quy định đầy đủ, rõ ràng trong dự án luật.
Theo GS.TS. Trần Ngọc Đường, ngày nay việc kết hợp giữa di sản văn hóa và công nghệ đang thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới về di sản số, di sản phái sinh,…thế nhưng chưa được luật hóa để hình thành chính sách pháp lý phù hợp, khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản. Nếu nghiên cứu đưa di sản số trở thành một khái niệm chính thức trong Luật Di sản văn hóa và có các quy định về chính sách đầu tư, chính sách về bản quyền,… sẽ thúc đẩy người làm công nghệ có sản phẩm số mang tính ứng dụng cao để di sản văn hóa thật sự phát huy giá trị trong đời sống
PGS.TSKH. Trịnh Thị Kim Ngọc, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cũng cho rằng cần phải hình thành một “Bảo tàng số mở”, vì các loại di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam liên tục được phát hiện, tổng hợp, công nhận và bổ sung. Nhưng thực tế, công tác này còn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa phi vật thể như: các tri thức dân gian, các lễ hội cùng diễn xướng, hò ca, hay các nhạc cụ dân tộc... của đồng bào 53 dân tộc thiểu số.
TS. Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, kiến nghị nên phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia để có ứng xử phù hợp. Đi sâu phân tích, TS. Nguyễn Xuân Năng cho rằng hiện mới có 300 hiện vật là bảo vật quốc gia. Vì vậy phải coi bảo vật quốc gia là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt và thuộc loại hiện vật quý hiếm. Với bảo vật quốc gia, không cho phép kinh doanh cả trong và ngoài nước. Với cổ vật, không cho phép kinh doanh ở nước ngoài.
Ông Năng cũng đề xuất đối với di vật không phải là những hiện vật thuộc dạng quý hiếm hay có giá trị tiêu biểu hay đặc biệt tiêu biểu như cổ vật và bảo vật quốc gia thì có thể cho phép mua bán cả trong và ngoài nước. Có như vậy các bảo tàng mới có cơ hội sưu tầm được nhiều hiện vật phục vụ trưng bày giới thiệu cho công chúng.
VAI TRÒ, NHIỆM VỤ CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÁC CẤP
Góp ý về quy định cấm kinh doanh bảo vật quốc gia với hai phương án đưa ra, TS. Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Hội đồng thành viên Văn hóa - xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất trí theo phương án 1. Phương án này có các ưu điểm như hạn chế quyền kinh doanh bảo vật quốc gia được quy định trong luật (Luật Di sản văn hóa), bảo đảm thống nhất với quy định “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản” và quy định “Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định” tại khoản 1 Điều 163, khoản 1 Điều 196 Bộ Luật Dân sự.
Bên cạnh đó, bảo vật quốc gia là hiện vật hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lớn đối với quốc gia. Cấm kinh doanh những bảo vật quốc gia giúp ngăn chặn nguy mất mát, hủy hoại hoặc mua bán trái phép bảo vật quốc gia.
Đồng thời, ngăn chặn được nguy cơ lợi dụng danh hiệu bảo vật quốc gia để trục lợi; góp phần bảo tồn được giá trị văn hóa của bảo vật quốc gia, không bị tác động bởi giá trị kinh tế, giúp đảm bảo di sản văn hóa này được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và lịch sử quốc gia...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2024 phát hành ngày 18/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam