Du khách Trung Quốc "đổ bộ" sang Móng Cái, Vịnh Hạ Long
Du khách Trung Quốc năm nay chủ yếu đến Móng Cái, Vịnh Hạ Long...
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 ước tính hơn 1 triệu lượt người, tăng 21,1% so với cùng kỳ (là tháng thứ 3 liên tiếp từ đầu năm đón trên 1 triệu lượt khách).
Trong số này, khách đến từ châu Á tăng 24,5%; từ châu Âu tăng 18,1%; từ châu Mỹ tăng 6%; từ châu Phi tăng 21,1%.
Tính chung quý 1 năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 3,21 triệu lượt người, tăng 29% so với cùng kỳ.
Trong quý 1 năm nay, khách quốc tế đến từ châu Á đạt 2,3 triệu lượt người, tăng 34,4% so với cùng kỳ, trong đó khách đến từ các thị trường chính đều tăng mạnh.
Đáng chú ý, khách từ Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cao nhất, với 949.200 lượt người, tăng 63,5% so với cùng kỳ, chiếm 1/3 tổng lượng du khách quốc tế.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy, mỗi năm lượng khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam đều chiếm từ 20 - 25% tổng lượng khách quốc tế. Đây là nhóm du khách tới Việt Nam đông đảo nhất. Tuy nhiên, năm 2015, do ảnh hưởng của tình hình Biển Đông, khách du lịch Trung Quốc sụt giảm đáng kể còn 1,7 triệu lượt người.
Theo bà Lưu Thị Bích Thuỷ, Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ, qua số liệu cho thấy, khách Trung Quốc đang đổ bộ sang Việt Nam, tăng trưởng rất lớn trong những năm qua. Chẳng hạn 2012, khách Trung Quốc sang Việt Nam tăng 63%, năm 2016 tăng 66%.
Bà Thuỷ cho biết, khách Trung Quốc cũng giống như các nhóm du khách đến từ nước khác, họ tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ lưu trú, đi lại, các địa phương sẽ thu được lợi từ đó.
“Những năm trước đây du khách Trung Quốc chủ yếu tập trung đông ở Đà Nẵng, Nha Trang. Năm nay họ chuyển địa điểm tham quan chủ yếu ở Móng Cái, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Để khai thác tốt lợi thế này, chúng ta cần học tập Thái Lan, tạo liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở dịch vụ, kinh doanh với cơ quan quản lý để phân chia tỷ lệ lợi nhuận, nhà nước có nguồn thu các cơ sở dịch vụ cũng để lại ấn tượng tốt cho du khách Trung Quốc đến Việt Nam”. bà Thuỷ nói.
Ngoài ra, cùng với lượng vốn FDI chảy mạnh sang Việt Nam, khách du lịch Hàn Quốc cũng tăng mạnh và đạt 527.000 lượt người, tăng 29,2% so với cùng kỳ.
Một số thị trường khách như Nhật Bản đạt 201.600 lượt người, tăng 4,8%; Đài Loan 150.100 lượt người, tăng 22,4%; Malaysia 113.100 lượt người, tăng 19,9%; Thái Lan 78.600 lượt người, tăng 17,7%; Singapore 62.900 lượt người, tăng 6%.
Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 559.500 lượt người, tăng 23,6% so với cùng kỳ, trong đó: khách đến từ Liên bang Nga 175.500 lượt người, tăng 61,3%; Vương quốc Anh 75.000 lượt người, tăng 9,2%; Pháp 74.900 lượt người, tăng 10,8%; Đức 61.900 lượt người, tăng 13,2%; Thụy Điển 21.000 lượt người, tăng 26,6%; Hà Lan 18.000 lượt người, tăng 20,4%; Italy 17.000 lượt người, tăng 13,5%.
Khách đến từ châu Mỹ đạt 247,7 nghìn lượt người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 179.700 lượt người, tăng 9,1%. Khách đến từ châu Úc đạt 104.900 lượt người, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách đến từ Australia đạt 95.200 lượt người, tăng 3,4%. Khách đến từ châu Phi đạt 8.800 lượt người, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Trước đó, năm 2016, khách từ Trung Quốc đạt 2,7 triệu lượt người, tăng 51,4%, chiếm số lượng lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam.
Đây là mức tăng kỷ lục của khách từ Trung Quốc từ trước đến nay.
Tổng cục Trương Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng khẳng định du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý 1/2017 với nhiều mối lo về tăng trưởng GDP thấp nhất từ năm 2015, tăng trưởng công nghiệp thấp nhất từ 2011, cùng với đó là nạn xâm ngập mặn, hạn hán khiến nông nghiệp vẫn trong thách thức.
Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan toả đạt 14% GDP.