Du lịch đường sông nhiều tiềm năng tại những địa phương nào?
Những kỳ nghỉ lễ trong năm 2023 vừa qua đã chứng thực xu hướng du lịch của người dân thay đổi sau đại dịch. Từ đó, những địa phương nào nắm bắt được xu thế này sẽ thành công trong việc thu hút được nhiều du khách…
Kinh tế sông được hiểu là các hoạt động kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên sông nước, từ đó, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mang tính đặc trưng cho toàn vùng. Từ nguồn tài nguyên này, có thể phát triển các hoạt động kinh tế như vận tải đường sông, logistics, khai thác, nuôi trồng thủy sản... Đặc biệt, các dòng sông cùng cảnh quan hai bên bờ sông và đời sống dân cư ven sông là nguồn tài nguyên quý phát triển du lịch.
TP.HCM: 10 TUYẾN ĐƯỜNG THỦY MỚI
Ngày 5/12 vừa qua, Sở Du lịch TP.HCM đã giới thiệu tổng cộng 17 sản phẩm du lịch đường thủy. Trong đó, nhóm các sản phẩm du lịch đường thủy thường kỳ gồm 7 tuyến; nhóm sản phẩm du lịch đường thủy mới gồm 10 tuyến. Trong 17 tuyến, có 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai, có lộ trình qua sân golf với mục tiêu phục vụ du lịch golf.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy thành phố giai đoạn 2023 - 2025, Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức đã đề xuất triển khai thử nghiệm mô hình taxi nước với tên gọi "Green Water Taxi". Tổng thư ký Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức Nguyễn Trần Hữu Thắng chia sẻ, TP.HCM có lợi thế với hệ thống sông, kênh chằng chịt, thuận lợi phát triển các loại hình giao thông đường thủy. Trong đó, mô hình taxi nước chạy bằng điện và năng lượng mặt trời nếu đưa vào khai thác sẽ giảm giao thông đường bộ, giảm ô nhiễm và tạo ra phương tiện đi lại mới mẻ phục vụ phát triển du lịch.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, thành phố có lợi thế có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với 101 tuyến, tổng chiều dài gần 1.000km. Hiện nay, thành phố có 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch trong tổng số 251 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động. Bên cạnh đó, thành phố có gần 47 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 18 doanh nghiệp kinh doanh vận tải phương tiện thủy.
HUẾ: TRÊN BẾN DƯỚI THUYỀN
Với lợi thế có sông Hương thơ mộng và những cây cầu nổi tiếng như Trường Tiền, Dã Viên, Phú Xuân…, giờ đây, các tour du lịch đường sông bằng du thuyền, thưởng ngoạn cảnh quan hai bên bờ sông Hương xinh đẹp đã không còn lạ lẫm với du khách trong và ngoài nước. Bờ sông là địa điểm ưa thích cho việc xây dựng các khách sạn, nhà hàng bởi khung cảnh và tầm nhìn từ sông rất thú vị cho việc ăn uống, lưu trú và các hoạt động khác. Công viên và các không gian mở dọc hai bờ sông được tái phát triển để khuyến khích các hoạt động lễ hội, hội chợ, giải trí, thể thao…
Tuy nhiên, dù nhiều hãng lữ hành tại Huế đã tổ chức khai thác, giới thiệu sản phẩm du lịch đường sông song vẫn chưa thật sự thu hút, hấp dẫn du khách. Để du lịch đường sông phát triển bền vững thì thành phố cần tiếp tục đầu tư đồng bộ và có sự liên kết chặt chẽ với các hình thức du lịch khác. Đặc biệt cần nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ độc đáo, nhiều hoạt động nghệ thuật, văn hóa, lễ hội được tổ chức ngay trên sông để níu chân du khách đi tour. Sắp tới, Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư mới một số bến thuyền để đưa du khách đến các điểm di tích như Hổ Quyền, làng du lịch cộng đồng Thủy Biều, lăng Khải Định.
Theo một hướng dẫn viên du lịch của Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, “những sản phẩm du lịch đặc trưng tại dòng sông này nên gắn với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”, được xây dựng trên cơ sở chọn một địa điểm có các yếu tố cần thiết về mật độ dân cư, về lịch sử, văn hoá, hệ thống cơ sở hạ tầng, không gian kiến trúc và những yếu tố khác về tổ chức dịch vụ du lịch nhằm tạo ra một điểm tham quan du lịch - điểm nhấn đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố, thu hút du khách, bạn bè đến với Huế và góp phần tăng thời gian lưu trú của du khách”.
PHÚ THỌ: LIÊN KẾT 3 TỈNH DỌC SÔNG HỒNG
Tại miền Bắc, Phú Thọ là tỉnh sớm xác định rõ lợi thế các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề dọc sông Hồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã phối hợp với tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã liên kết xây dựng sản phẩm du lịch dọc sông Hồng kết nối các giá trị văn hóa giữa 3 tỉnh để phục vụ khách du lịch với chương trình du lịch: Đình, chùa Tam Giang (Việt Trì) - Đền Du Yến (Thanh Ba) - Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa) - Đền Đông Cuông (Yên Bái) - Đền Tuần Quán (Yên Bái) - Đền Bảo Hà (Lào Cai) để quảng bá và tổ chức các đoàn khách tham quan đẩy mạnh thành sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc trung tâm xúc tiến du lịch Phú Thọ chia sẻ năm 2023, Phú Thọ đã đón 20 đoàn với 439 khách du lịch quốc tế du lịch đường sông. Tour du lịch đường sông để lại nhiều ấn tượng với du khách, trong đó có nhiều du khách trở lại. Việc thu hút du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm các di tích, di sản văn hóa, làng nghề cũng đã mang lại thu nhập cho người dân tại địa phương, tuy chưa cao nhưng góp phần tạo động lực để bà con duy trì, phát triển nghề thủ công truyền thống và bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa vùng đất Tổ.
Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp đón khách du lịch quốc tế về Phú Thọ còn gặp rất nhiều khó khăn vì còn thiếu bến tàu du lịch, giao thông kết nối từ bến sông đến điểm tham quan chưa được đầu tư, điểm tham quan du lịch chưa nhiều dịch vụ, vì vậy công tác xúc tiến còn khó khăn trong việc mở rộng thị trường, thu hút thêm các doanh nghiệp đưa khách về Phú Thọ. Ngành du lịch Phú Thọ cũng cần có chiến lược quảng bá tiềm năng du lịch đường sông đến du khách trong nước và quốc tế trong thời gian tới, nhằm tăng thu nhập cho người dân và bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đất Tổ góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
HÀ NỘI: KẾT NỐI CÁC DI TÍCH
Tạp chí Rianovosti của Nga đã từng bình chọn sông Hồng là một trong 18 thắng cảnh đẹp nhất thế giới. Có chiều dài chảy qua Hà Nội khoảng 160 km, trên địa bàn 15 quận, huyện, thị xã trong đó có tới 40 km qua nội đô nên dọc sông Hồng có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề đặc sắc của Hà Nội. Cùng với đó là cây cầu Long Biên cổ kính hơn 100 tuổi, cầu Nhật Tân - biểu tượng mới của Hà Nội và nhiều làng chài, trang trại, vườn ven sông hấp dẫn du khách.
Để khai thác tiềm năng du lịch sông Hồng, các chuyên gia du lịch cho rằng, ngành du lịch Thủ đô và TP Hà Nội cần đầu tư nhiều hơn nữa vào hạ tầng du lịch, chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ sông. Đồng thời nên đầu tư tàu vận chuyển khách vừa an toàn, vừa êm ái để du khách vừa ngắm cảnh vừa có thể nghỉ ngơi thư thái.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình hiến kế: “Khu vực ven sông Hồng có thể triển khai nhiều hoạt động hấp dẫn hai bên bờ sông cũng như những công trình mang tầm cỡ gắn liền với sự phát triển của sông Hồng. Trên cầu Long Biên, hoàn toàn có thể tạo ra được khu vực kinh tế đêm nhộn nhịp thông qua việc tổ chức những chương trình nghệ thuật văn hóa, triển lãm hoặc mô phỏng 36 phố phường của Hà Nội”, ông Bình nêu ví dụ.
Ở góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang bày tỏ, đơn vị đang tiến hành khảo sát xây dựng khai thác tour du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch dọc khu vực sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội, sản phẩm du lịch kết nối giữa Hà Nội và các địa phương. “Đầu tiên là hình thành tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng, đền thờ Chử Đồng Tử... Đồng thời Sở Du lịch Hà Nội cũng thúc đẩy thực hiện mô hình hợp tác công tư trong đầu tư khai thác, vận hành một số điểm đến di tích, di sản thiết chế văn hóa. Đây sẽ là bước tiến giúp thúc đẩy hoạt động du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn phát triển”, bà Giang chia sẻ.