09:37 07/05/2025

Du lịch đường thủy có thể được khai thác hiệu quả hơn

Tường Bách

Những năm gần đây, từ những tour liên tuyến TP.HCM đến các tỉnh, thành lân cận cho đến những du thuyền xuyên biên giới, du lịch đường thủy đang dần khẳng định vị thế như một sản phẩm mang đậm bản sắc Nam Bộ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Fortune Business Insight, thị trường du thuyền xa xỉ (Luxury Yacht) toàn cầu đạt 8,75 tỷ USD năm 2024 và dự kiến chạm 17,3 tỷ USD vào 2032. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng nhanh nhất nhờ thu nhập cá nhân tăng và chính sách hỗ trợ ngành du lịch đường thủy.

Thay cho các khu vực truyền thống như Địa Trung Hải hay Caribbean, làn sóng các du thuyền cá nhân đang chuyển hướng đến các nước Đông Nam Á, Sri Lanka, Maldives... Theo Nikkei Asia, riêng ở Thái Lan, lưu lượng du thuyền cập bến du thuyền quốc tế tại Phuket, Koh Samui và Pattaya tăng trưởng 63% từ 2022 - 2024. Du lịch du thuyền được đánh giá mang lại doanh thu cao hơn 40% so với du lịch đường bộ hay hàng không.

Trong khi đó, theo Sở Du lịch TP.HCM, mạng lưới giao thông đường thủy TP.HCM có 101 tuyến, tổng chiều dài 913 km, 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch, với khoảng 135 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy.

Lợi thế của thành phố với 4 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua tạo ra mạng lưới đường thủy liên tuyến kết nối với Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển du lịch đường thủy.
TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển du lịch đường thủy.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết hiện trên địa bàn thành phố có trên 47 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 18 doanh nghiệp du lịch. Trong đó có 3 nhóm sản phẩm chính gồm các tour tầm ngắn (khu vực bến Bạch Đằng, Cảng Sài Gòn, khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè…), các tour tầm trung (tour Cần Giờ, Củ Chi) và các tour tầm xa đi từ bến Bạch Đằng đến Đồng bằng sông Cửu Long và liên tuyến đến Campuchia.

Hiện thành phố có 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch, 123 phương tiện thủy đang hoạt động, gồm: 43 tàu nhà hàng, tàu lưu trú, du thuyền và 80 cano, tàu gỗ nhỏ. Ngoài ra, khu vực trung tâm thành phố còn có 11 bến thuỷ nội địa phục vụ khách du lịch do Trung tâm Quản lý đường thủy - Sở Giao thông vận tải quản lý.

Dù vậy, tại hội nghị Gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp năm 2025 do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng vẫn còn những tồn tại cần TP.HCM sớm tháo gỡ để du lịch đường thủy khai thác hiệu quả hơn. Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Les Rives, cho biết trong ba tháng đầu năm 2025, số lượng khách tham gia tour đường sông tại doanh nghiệp đạt 8.200 khách, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2024.

Lượng khách tăng trưởng tốt nhưng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiếu bến bãi phục vụ đón trả khách. “Chưa bao giờ TP.HCM thiếu bến bãi đón tiễn khách thủy nội địa như hiện tại, trong khi khu vực trung tâm quận 1 vẫn còn các bến số 3, 4, cầu tàu B – Ba Son để trống rất lâu mà không được khai thác. Ngoài ra, bến Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã hết phép từ tháng 5/2024 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép lại. Các bến khác như Tân Cảng, Bình Quới, Villa Song Saigon… cũng chưa được khai thác”, bà Hạnh cho biết.

Ba tháng đầu năm 2025, số lượng khách tham gia tour đường sông tăng cao.
Ba tháng đầu năm 2025, số lượng khách tham gia tour đường sông tăng cao.

Là người gắn bó nhiều năm với du lịch đường thủy, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, đồng tình rằng một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là sự chậm trễ trong việc cấp phép cầu tàu, bến tàu phục vụ du lịch. Ông Lâm nhận định hiện hạ tầng bến bãi chưa đồng bộ, nhiều điểm dừng chân thiếu điều kiện hoạt động chính thức. Các doanh nghiệp lữ hành muốn mở tuyến du lịch mới gặp khó vì không thể xin phép cập bến ở các vị trí thuận lợi.

Theo ông Lâm, để khai thác hiệu quả lợi thế sông nước, TP.HCM cần đẩy nhanh việc cấp phép cho các cầu tàu du lịch, ưu tiên các vị trí có khả năng kết nối giao thông tốt. Đồng thời, cần rà soát, điều chỉnh chi phí neo đậu, tránh áp mức phí cao như tàu biển quốc tế, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.

Theo nhận định của các chuyên gia du lịch đường sông, thực trạng thiếu bến vận tải hành khách thủy nội địa xứng tầm kéo giảm năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với Thái Lan, Malaysia hay Singapore, Indonesia - những quốc gia đầu tư sớm vào chuẩn quốc tế cho bến du thuyền.

“Trong bối cảnh ngày càng nhiều những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao và du khách hạng sang, việc khan hiếm các bến du thuyền được trang bị tốt, thiếu chính sách rõ ràng và các dịch vụ hỗ trợ đang làm hạn chế sự phát triển của du lịch Việt Nam”, TS. Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam, nhận định.

Theo kiến nghị của TS. Justin Matthew Pang, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam, Việt Nam và TP.HCM nên quảng bá du lịch đường thủy tới nhiều nước châu Á hơn như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Ấn Độ. Các chiến dịch kỹ thuật số dùng mạng xã hội và marketing số có thể tạo ra nội dung hấp dẫn, làm nổi bật những khía cạnh độc đáo của các tour du lịch đường thủy. Hợp tác với những người có sức ảnh hưởng và blogger du lịch có thể giúp tiếp cận nhóm khách hàng lớn hơn.

Công ty lữ hành mong muốn thúc đẩy du lịch đường sông, đưa dòng khách quay trở lại tấp nập cả ngày lẫn đêm.
Công ty lữ hành mong muốn thúc đẩy du lịch đường sông, đưa dòng khách quay trở lại tấp nập cả ngày lẫn đêm.

Bên cạnh đó, học hỏi từ mô hình thành công ở các nước khác cũng giúp có thêm những kinh nghiệm quý báu. Chẳng hạn, Amsterdam cung cấp nhiều loại du thuyền theo chủ đề, Bangkok kết hợp các chợ địa phương và nhà hàng nổi vào các tuyến đường thủy, Venice có những chuyến du ngoạn bằng thuyền gondola mang tính biểu tượng với các câu chuyện về lịch sử…

Mới đây, Sở Du lịch TP.HCM vừa công bố kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy năm 2025, đặt mục tiêu bổ sung từ 5 đến 10 sản phẩm du lịch mới, tăng lượng khách du lịch đường thủy từ 10% đến 15% so với cùng kỳ.

Theo đó, TP.HCM sẽ tổ chức các đoàn khảo sát để xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề mới, kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Kế hoạch cũng hướng tới phát triển du lịch đường thủy gắn với phà biển hay các các tuyến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng hoặc cảng Sài Gòn liên tuyến Phnom Penh (Campuchia) và Côn Đảo.

Kế hoạch này nhằm khai thác tiềm năng du lịch đường thủy, quảng bá văn hóa, sinh thái và thể thao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh, góp phần nâng cao vị thế du lịch TP.HCM trong khu vực.