Du lịch Hà Nội ra mắt loạt tour đêm để “đánh thức” các di tích
Hiện nay, bên cạnh hình thức đón khách tham quan thông thường, nhiều địa điểm du lịch, trong đó có các di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô đã có nhiều ý tưởng sáng tạo để phục vụ đa dạng nhu cầu, đồng thời đem lại trải nghiệm mới lạ cho du khách…
Mới đây, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, đã vận hành thử nghiệm tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học", hé lộ về một không gian ngập tràn ánh sáng, âm thanh và cảm xúc tự hào. Tour đêm này dự kiến chính thức đón khách vào cuối tháng 10/2023.
HAI TOUR ĐÊM MỚI SẮP KHỞI ĐỘNG
Theo đó, tour đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, khác biệt so với việc tham quan di tích ban ngày. Toàn bộ không gian di tích được “biến hóa” bởi hệ thống ánh sáng và công nghệ 3D Mapping, tạo nên một diện mạo mới, lung linh, huyền ảo, nhiều cảm xúc. Khu vực Khuê Văn Các sẽ trở thành nơi trình diễn âm nhạc truyền thống. Đặc biệt, tại khu Thái học sẽ diễn ra show trình chiếu Mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa đạo học”, giúp cho khách khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho rằng, việc áp dụng trình chiếu 3D mapping trên nền kiến trúc của di sản sẽ thu hút du khách, chuyển tải một số nội dung tốt nhưng cần hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm để họ hiểu câu chuyện. Theo ông Thắng, trong show trình chiếu 3D mapping cần kéo dài thời gian tham quan hơn. Khi khách du lịch thực hiện xong hành trình tham quan, tour nên thêm trải nghiệm để tạo ấn tượng, có thể cho du khách tham gia trò chơi mang tính du lịch.
Đóng góp ý kiến với ban tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, cho biết, để tạo hiệu quả cao cho tour đêm, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần dẫn dắt khách du lịch để có sự tập trung, liên kết nhau giữa các khu vực. Với show trình diễn, theo ông Hùng cần giới thiệu chủ đề "Tinh hoa đạo học" ngay ban đầu để khách du lịch nắm bắt được tư tưởng, thay vì giới thiệu phần cuối...
Trước đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ ra mắt Không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng tại phố cổ mang tên “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”. Lễ ra mắt dự kiến diễn ra ngày 28 và 29/10 tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm. Trong đó có nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống như vẽ tranh Hàng Trống; trình diễn ca trù, chèo, chầu văn, tuồng; giới thiệu các sản phẩm nghệ thuật làm từ mây, tre, đan của các làng nghề.
Tuy nhiên, Sở Du lịch Hà Nội vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị thông báo lùi thời gian ra mắt sự kiện này sang cuối tháng 11 nhằm chuẩn bị tốt hơn cho sản phẩm với quy mô rộng hơn. Theo đó, bên cạnh các hoạt động đã công bố, Sở Du lịch sẽ giới thiệu tới người dân và du khách chuỗi sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội, nhằm tạo điều kiện cho du khách có thêm thời gian trải nghiệm Hà Nội về đêm.
GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐÊM THỦ ĐÔ
Trong thời gian qua, ngành du lịch Hà Nội đã đồng hành cùng các điểm du lịch lớn của Hà Nội tổ chức nhiều sản phẩm du lịch mới để phát triển kinh tế đêm. Trong đó, đặc biệt kể đến các không gian đi bộ, chợ đêm vào các tối cuối tuần; tour du lịch đêm như tại Di tích Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Hà Nội, phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc-Ngũ Xã, phố đi bộ Hồ Gươm...
Trong đó, tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đặc biệt thu hút khách du lịch với các điệu múa cung đình, khám phá Hoàng thành cùng các “thị vệ” và “cung nữ” nhập vai, tham quan các hiện vật, hố khai quật vào ban đêm với sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng, được tham gia hoạt động “giải mã” các câu đố về Hoàng thành Thăng Long… Diễn ra vào các tối thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần, tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đã có khoảng 9.000 lượt người dân và du khách trải nghiệm khám phá.
Cùng với đó, tour du lịch đêm tại Di tích Hòa Lò ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là chương trình trải nghiệm “Đêm thiêng liêng: Lửa thanh xuân” kết hợp giữa tham quan di tích với nhiều hoạt cảnh, tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt trong Nhà tù Hỏa Lò. Tham gia trải nghiệm, khách du lịch còn nhập vai tù chính trị, để trải nghiệm sự ngột ngạt, u tối trong các phòng giam, xà lim; trải nghiệm sự gian nan, nguy hiểm khi chui cống ngầm vượt ngục... Chặng cuối của hành trình là lễ tri ân các Anh hùng Liệt sỹ trong không gian thiêng liêng tại Đài tưởng niệm.
Tại Bảo tàng Văn học Việt Nam gần đây cũng có tour du lịch Văn học “chữ Tâm, chữ Tài”. Đây là sự kiện mở màn cho nhiều chủ đề tour nhằm lan tỏa những giá trị văn học độc đáo của Bảo tàng. Tour du lịch này sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận về sự đặc sắc của văn học Việt Nam qua các thời kỳ văn học Cổ - Trung đại đến nay, điểm đến của những người yêu thích văn chương. Toàn bộ nội tour du lịch Văn học “chữ Tâm, chữ Tài” kéo dài trong khoảng 90 phút và có lịch khởi hành từ 18 giờ và 19 giờ, thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. Tour này thu hút khoảng 130 khách/đêm tham gia trải nghiệm.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, phát triển kinh tế du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội. “Việc thành phố Hà Nội tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn không chỉ mở ra hướng phát triển nền kinh tế ban đêm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện,” bà Giang khẳng định.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội nhận định việc phát triển du lịch đêm sẽ giúp "đánh thức" một số bảo tàng, di tích đang "ngủ yên" trên địa bàn Thủ đô. "Các sản phẩm, dịch vụ về đêm phục vụ du khách phải gắn với yếu tố văn hóa bản địa. Các công ty cần phối hợp với di tích, bảo tàng tạo ra trải nghiệm, sự khác biệt cho du khách thay vì tour thông thường đưa khách check-in điểm này, điểm kia. Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn cần thêm tour du lịch về đêm cho khách nước ngoài, kể cả khu phố cổ cũng phải có tour riêng mang màu sắc phố cổ. Những nhà hát rối nước thì nên có thêm vở diễn kể chuyện cho khách nước ngoài, thay vì chỉ các sự tích dân gian," ông Thắng nói.
Theo kế hoạch về phát triển du lịch năm 2023, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đón trên 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm ngoái; trong đó, có 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 2 lần và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5%.