10:35 17/07/2009

Du lịch toàn cầu lún sâu vào suy thoái

Trung Việt

Hoạt động du lịch toàn cầu trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái

Trong 4 tháng qua, số khách du lịch nước ngoài tới các điểm du lịch trên thế giới là 247 triệu lượt người, so với 269 triệu lượt người cùng kỳ năm ngoái.
Trong 4 tháng qua, số khách du lịch nước ngoài tới các điểm du lịch trên thế giới là 247 triệu lượt người, so với 269 triệu lượt người cùng kỳ năm ngoái.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vừa cho biết, hoạt động du lịch toàn cầu đã giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay và sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm.

Trong báo cáo mới nhất vừa công bố về tình hình du lịch toàn cầu, UNWTO thông báo, hoạt động du lịch toàn cầu trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thất nghiệp, dịch cúm là "thủ phạm"

Trong 4 tháng qua, số khách du lịch nước ngoài tới các điểm du lịch trên thế giới là 247 triệu lượt người, so với 269 triệu lượt người cùng kỳ năm ngoái. UNWTO thế giới dự báo hoạt động du lịch tiếp tục giảm 4-6% từ tháng 5 đến tháng 8, sau đó giảm nhẹ hơn trong những tháng cuối năm nay, từ 3 đến 5%.

Tuy nhiên số khách du lịch tới châu Phi lại tăng 3%, chủ yếu là tới vùng ở Bắc Phi và vùng Địa Trung Hải. Sự phục hồi của ngành du lịch Kenya cũng góp phần thu hút khách du lịch tới thăm vùng sa mạc Nam Sahara. Bốn tháng đầu năm, số khách du lịch tới châu Âu giảm 10%, tới châu Á - Thái Bình Dương giảm 6% và tới châu Mỹ giảm 5%.

Hiệp hội Du lịch Châu Á -Thái Bình Dương (PATA) cũng vừa cho biết, dự tính lượng khách du lịch đến châu lục này trong năm nay sẽ giảm khoảng 4%. Các báo cáo gần đây cho thấy lượng khách du lịch đến Hàn Quốc đã giảm 40%, hai nước Nhật Bản và Singapore cùng có mức giảm 30%.

Tương tự, Thái Lan - nước có thế mạnh về du lịch và ngành này chiếm tới 6% GDP, cũng có thể chỉ đón được khoảng 12 triệu lượt khách trong năm 2009, so với 14 triệu lượt dự kiến ban đầu.

Chủ tịch PATA Greg Duffell cho rằng nguyên nhân sụt giảm của ngành du lịch toàn cầu là thất nghiệp gia tăng trong khi phần lớn các nước vẫn dự báo kinh tế giảm sút, cùng với dịch cúm A/H1N1 tiếp tục lây lan gây lo ngại cho khách du lịch.

Tại hội nghị du lịch toàn cầu ở Brazil mới đây, các chuyên gia dự báo, ngành "công nghiệp không khói" thế giới có thể phải gánh chịu thiệt hại hơn 2 tỷ USD do dịch cúm A/H1N1 mà trong thời gian từ nay đến hết năm 2010. Để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, ngành du lịch của nhiều quốc gia cần sự trợ giúp của chính phủ, kể cả các khoản cho vay ưu đãi.

Khó phục hồi trước năm 2010

Tổ chức du lịch thế giới nhận định, thị trường du lịch thế giới khó có thể phục hồi trước năm 2010. Trong năm 2008 tổng doanh thu của ngành du lịch thế giới đạt 944 tỷ USD, tăng 1,8% so với 857 tỷ USD năm 2007. Tuy nhiên, bức tranh ảm đạm của ngành du lịch quốc tế tiếp diễn từ nửa cuối năm 2008 và sẽ tồi tệ hơn trong năm 2009.

Theo nhận định của PATA, triển vọng của ngành du lịch châu Á thời điểm này vẫn ảm đạm, nhưng có hy vọng phục hồi vào năm tới. Các chuyên gia phân tích du lịch hy vọng lòng tin kinh doanh gia tăng và các thị trường du lịch trong nước phát triển tại Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giúp phục hồi ngành công nghiệp không khói này. PATA dự kiến ngành du lịch châu Á sẽ tăng trưởng khoảng 4% vào năm 2010.

Các chuyên gia của UNWTO nhận định rằng, một loạt yếu tố đang cản bước phục hồi của ngành du lịch là: triển vọng phục hồi kinh tế ở phần lớn các quốc gia đều được dự báo sẽ chậm hơn; sự giảm sút của hoạt động kinh doanh và thu nhập dôi dư của người lao động; tình trạng thất nghiệp gia tăng nhất là ở những thị trường du lịch chủ chốt.

Ngoài ra, sự biến động của tỷ giá hối đoái, hoạt động kinh doanh không ổn định và niềm tin của người tiêu dùng chưa phục hồi cũng là những nhân tố tác động xấu tới triển vọng du lịch trong năm nay.

Theo số liệu mới cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới, đến ngày 15/7 đã có với 549 ca tử vong trong tổng số 113.507 trường hợp nhiễm dịch cúm A/H1N1.

UNWTO cho rằng, vấn đề dịch cúm A/H1N1 có thể sẽ được giải quyết trong một thời gian hợp lý, nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng xấu tới ngành công nghiệp du lịch, nơi tập trung tới 80% số doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phó tổng thư ký UNWTO, Goeffrey Lipman cho rằng, du lịch tạo thêm công ăn việc làm hơn bất cứ lĩnh vực nào khác, vì vậy các gói kinh tế mà các chính phủ đang thực hiện để chống khủng hoảng nên dành một phần thích đáng cho lĩnh vực du lịch.