13:56 31/05/2023

Có gì trong thoả thuận cứu nước Mỹ khỏi bờ vực vỡ nợ?

Nguyễn Tuyên

Văn bản lập pháp đầy đủ về thỏa thuận trần nợ công mà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và Tổng thống Joe Biden nỗ lực đạt được, đã hé lộ những chi tiết mới và quan trọng về thỏa thuận dự kiến được các nhà lập pháp Hạ viện bỏ phiếu trong tuần này…

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - Ảnh (Reuters).
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - Ảnh (Reuters).

Theo tờ New York Times, trọng tâm của thỏa thuận vẫn là việc đình chỉ áp trần nợ trong vòng 2 năm. Do đó, Quốc hội Mỹ cần thông qua thỏa thuận này trước ngày 5/6, thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiện ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính.

Đổi lại, các đảng viên Cộng hòa yêu cầu ông Biden phải nhượng bộ một loạt chính sách, trong đó có hạn chế chi tiêu liên bang trong vòng 2 năm tới. 

TẠM ĐÌNH CHỈ TRẦN NỢ

Thỏa thuận mới sẽ đình chỉ giới hạn vay 31,4 nghìn tỷ USD của Chính phủ Mỹ cho đến tháng 1/2025. Việc đình chỉ trần nợ trong một khoảng thời gian khác với việc áp một mức trần nợ mới. Về cơ bản, thỏa thuận cho phép Bộ Tài chính vay đủ tiền để thanh toán chi tiêu quốc gia trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 1/2025.

Theo thỏa thuận mới, trần nợ sẽ được đặt ở bất kỳ mức nào nó đạt được khi việc đình chỉ kết thúc. Vì các lý do chính trị, các đảng viên Cộng hòa có xu hướng thích hoãn trần nợ hơn là tăng trần nợ, bởi vì điều đó cho phép họ nói rằng về mặt kỹ thuật, họ đã không bật đèn xanh cho việc tăng trần nợ.

GIỚI HẠN VÀ CẮT GIẢM CHI TIÊU

Dự luật sẽ cắt giảm chi tiêu không thuộc lĩnh vực quốc phòng, bao gồm thực thi pháp luật trong nước, quản lý rừng, nghiên cứu khoa học… cho năm tài chính 2024. Hai bên nhất trí tăng 1% chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng trong tài khóa 2025.

Trong khi đó, ngân sách chi tiêu quốc phòng được đề xuất sẽ tăng lên 886 tỷ USD vào năm tới, và tăng lên 895 tỷ USD vào năm 2025, phù hợp với đề xuất ngân sách của ông Biden. Chi tiêu chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh cũng sẽ được tài trợ ở mức ngân sách đề xuất của ông Biden.

Mặc dù đảng Cộng hòa ban đầu kêu gọi giới hạn chi tiêu trong 10 năm, nhưng thỏa thuận này chỉ giới hạn 2 năm. Nhà Trắng ước tính rằng thỏa thuận sẽ mang lại khoản tiết kiệm 1 nghìn tỷ USD từ việc giảm chi tiêu trong suốt một thập kỷ.

ĐIỀU CHỈNH NGÂN SÁCH CHO SỞ THUẾ VỤ MỸ

Thỏa thuận mới nhắm vào một trong những ưu tiên lớn nhất của Tổng thống Biden, đó là củng cố Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) để truy tìm các hành vi gian lận thuế và đảm bảo các công ty và cá nhân giàu có trả đủ thuế.

Trong Đạo luật Giảm lạm phát được đảng Dân chủ thông qua vào năm 2022, khoản tiền 80 tỷ USD dự kiến sẽ được chi để IRS thuê thêm hàng nghìn nhân viên và cập nhật công nghệ lỗi thời. Tuy nhiên, thỏa thuận trần nợ công sẽ ngay lập tức thu hồi 1,38 tỷ USD từ IRS và sau đó là 20 tỷ USD trong khoản tiền 80 tỷ USD mà cơ quan này nhận được thông qua Đạo luật Giảm lạm phát.

Các quan chức chính quyền Mỹ ngày 28/5 cho biết đã đồng ý điều chỉnh lại 10 tỷ USD phân bổ cho IRS trong mỗi năm tài chính 2024 và 2025, để duy trì tài trợ cho một số chương trình khác.

Việc thu hồi tài trợ được cho là sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực của cơ quan thuế nhằm trấn áp những người giàu có gian lận thuế. Đây cũng là một chiến thắng chính trị cho đảng Cộng hòa, những người phẫn nộ trước việc IRS được tăng cường và mong muốn thu hồi toàn bộ 80 tỷ USD.

Tuy nhiên, do sự chậm trễ của IRS trong chi tiêu, nên việc thu hồi có thể không ảnh hưởng đến các kế hoạch của cơ quan này trong vài năm tới. Các quan chức nói rằng IRS sẽ bị không bị gián đoạn hoạt động trong ngắn hạn.

SIẾT CHẶT TÀI TRỢ PHÚC LỢI LIÊN BANG 

Thỏa thuận trần nợ sẽ áp đặt những tiêu chuẩn mới đối với những người Mỹ lớn tuổi nhận phiếu thực phẩm thông qua Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung và những người nhận viện trợ từ Chương trình Hỗ trợ Tạm thời cho các Gia đình khó khăn.

Theo đó, thỏa thuận sẽ áp đặt những tiêu chuẩn mới đối với những người nhận phiếu thực phẩm trong độ tuổi từ 50 đến 54 và không sống chung với con cái. Theo quy định hiện hành, những tiêu chuẩn đó chỉ áp dụng cho những người từ 18 đến 49 tuổi.

Các cựu chiến binh, người vô gia cư và trẻ em được nhận nuôi sẽ được miễn trừ khỏi những yêu cầu mới của chương trình phiếu thực phẩm.

Giới hạn độ tuổi sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong hơn 3 năm, bắt đầu từ năm tài chính 2023. Tuy nhiên, việc siết chặt tiêu chuẩn đã khiến nhiều người phẫn nộ khi họ cho rằng nó ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương đang cần thực phẩm.

Sharon Parrott, Chủ tịch Trung tâm ưu tiên chính sách và ngân sách, cho biết: “Thỏa thuận khiến hàng trăm nghìn người ở độ tuổi 50-54 có nguy cơ mất hỗ trợ lương thực, trong đó có nhiều phụ nữ”.

ĐẨY NHANH PHÊ DUYỆT CÁC DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG

Thỏa thuận bao gồm các biện pháp mới nhằm đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án năng lượng bằng cách thành lập một cơ quan giám sát và yêu cầu các dự án phải được hoàn thành trong vòng 1 đến 2 năm.

Dự luật cũng là một chiến thắng cho Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin III của bang Tây Virginia khi chấp thuận cấp phép cho dự án khí đốt tự nhiên Mountain Valley. Dự án trị giá 6,6 tỷ USD này dự kiến sẽ vận chuyển khí đốt từ mỏ đá phiến Marcellus ở Tây Virginia tới Virginia.

Dự luật tuyên bố rằng “việc hoàn thành kịp thời và vận hành Đường ống Mountain Valley là cần thiết vì lợi ích quốc gia”. Trước đó, dự án này đã vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường trong nhiều năm.

KHOẢN VAY SINH VIÊN VÀ HỖ TRỢ COVID-19

Dự luật chính thức chấm dứt việc đóng băng thanh toán khoản vay sinh viên liên bang được ông Biden công bố vào cuối tháng 8 năm ngoái.

Thỏa thuận này không song hành với nỗ lực của đảng Cộng hòa tại Hạ viện muốn ngăn chặn chính sách của ông Biden xóa nợ từ 10.000 đến 20.000 USD cho một số khoản vay sinh viên. Chính sách đó được chính quyền Tổng thống Biden đưa ra vào năm ngoái, hiện đang được Tòa án Tối cao xem xét và có thể bị chặn.

Dự luật cũng thu hồi khoảng 30 tỷ USD chưa giải ngân từ đạo luật cứu trợ Covid-19 được ông Biden ký trước đây, vốn là ưu tiên hàng đầu của đảng Cộng hòa khi tham gia đàm phán. Một phần số tiền đó sẽ được chuyển sang các chương trình chi tiêu liên bang khác.

Theo một quan chức chính quyền Mỹ, thỏa thuận này vẫn giữ nguyên nguồn tài trợ cho hai chương trình Covid-19 quan trọng: Dự án NextGen nhằm phát triển thế hệ tiếp theo của vaccine và phương pháp điều trị mới với virus corona, và một sáng kiến cung cấp vaccine Covid-19 miễn phí cho những người không có bảo hiểm.

NGĂN CHẶN CHÍNH PHỦ MỸ ĐÓNG CỬA

Thỏa thuận chỉ đặt ra các thông số cho hai năm chi tiêu tiếp theo. Do đó, Quốc hội Mỹ phải thông qua một loạt các dự luật chi tiêu vào cuối năm nay. Những mâu thuẫn lớn xuất hiện trong những điều khoản của các dự luật đó, làm tăng khả năng các nhà lập pháp sẽ không thông qua các kế hoạch chi tiêu kịp thời và Chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa.

Thỏa thuận giữa ông Biden và ông McCarthy cố gắng thúc đẩy Quốc hội thông qua tất cả các dự luật chi tiêu để ngăn Chính phủ Mỹ đóng cửa, bằng cách đe dọa cắt giảm chi tiêu quan trọng đối với cả hai bên. Nếu các nhà lập pháp không thông qua tất cả 12 dự luật chi tiêu thường xuyên vào cuối năm, thỏa thuận sẽ thắt chặt giới hạn chi tiêu.

Theo thông tin mới nhất, ngày 30/5, dự luật về trần nợ công đã vượt qua rào cản quan trọng tại Hạ viện Mỹ. Cụ thể, với 7 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Ủy ban Quy tắc Hạ viện Mỹ đã thông qua các quy tắc cho phép toàn bộ Hạ viện tiến hành tranh luận và bỏ phiếu về dự luật này. Dự kiến, Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu trong ngày 31/5 (theo giờ Mỹ). Nếu được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét.

Dự luật này cần được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6, thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiện ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính lần đầu tiên trong lịch sử nước này.