Dự luật về Hồng Kông lâm bế tắc tại Quốc hội Mỹ
Nỗ lực của Quốc hội Mỹ nhằm thông qua một dự luật ủng hộ phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông đang gặp nhiều trở ngại
Nỗ lực của Quốc hội Mỹ nhằm thông qua một dự luật ủng hộ phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông đang gặp nhiều trở ngại, đặt ra câu hỏi về khả năng trở thành luật của dự luật này.
Theo hãng tin Reuters, số phận của dự luật trên sẽ phụ thuộc một phần vào việc liệu các nghị sỹ đại diện cho các tiểu bang có doanh nghiệp đầu tư nhiều vào thị trường Trung Quốc có thể vượt qua được nỗi lo về sự trả đũa của Bắc Kinh nhằm vào các công ty Mỹ.
Ngoài ra, triển vọng của dự luật còn bị phủ bóng bởi cách phản ứng trở nên thận trọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Hồng Kông vào một thời điểm quan trọng của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Bên cạnh đó, chưa có gì đảm bảo chắc chắn lãnh đạo Quốc hội Mỹ sẽ đưa dự luật thành một vấn đề ưu tiên trong bối cảnh chương trình nghị sự cuối năm hết sức bận rộn.
Dự luật về Hồng Kông đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào cuối tháng 10, với nội dung quy định sẽ rà soát chặt chẽ quy chế đãi ngộ đặc biệt của Mỹ đối với Hồng Kông. Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này đã vấp phải lời cảnh báo trả đũa và sự chỉ trích mạnh mẽ từ Bắc Kinh cho rằng các nghị sỹ Mỹ có "ý đồ xấu".
Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn một biện pháp tương tự vào tháng 9, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch tổ chức bỏ phiếu thông qua dự luật Hồng Kông mà Hạ viện đã nhất trí. Để trở thành luật, một dự luật phải được cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Donald Trump đặt bút ký. Nhà Trắng chưa tuyên bố sẽ ủng hộ hay phủ quyết dự luật.
Giới quan sát cho rằng chính quyền ông Trump không muốn để vấn đề Hồng Kông ảnh hưởng bất lợi đến đàm phán thương mại Mỹ-Trung giữa lúc hai bên đang nỗ lực đạt thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1".
Nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters rằng trong cuộc gặp hôm 11/10 với Phó thủ tướng Lưu Hạc tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ông Trump nói ông sẽ giữ im lặng về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông miễn sao đàm phán thương mại có tiến triển.
Một số chuyên gia cũng cho rằng một đạo luật ủng hộ biểu tình ở Hồng Kông có thể sẽ khiến Mỹ bị "hớ".
Theo ông Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi, Đại học London, một đạo luật như vậy có thể "sẽ bị Bắc Kinh coi như bằng chứng về ‘bàn tay đen của nước ngoài’ phía sau các cuộc biểu tình Hồng Kông".