21:48 09/09/2009

Dự thảo Luật thuế nhà, đất: Vẫn nhiều ý kiến trái chiều

Hạnh Liên

Hiện vẫn có 3 luồng ý kiến trái chiều về dự luật thuế nhà, đất vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhà có giá trị trên 500 triệu đồng có thể phải nộp thuế nhà, đất.
Nhà có giá trị trên 500 triệu đồng có thể phải nộp thuế nhà, đất.
Chiều 9/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án luật thuế nhà, đất. Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách, hiện vẫn có 3 luồng ý kiến trái chiều về dự luật này.

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự luật, có 3 phương án đưa ra khi áp thuế suất đối với đất ở hộ gia đình, cá nhân.

Phương án một là áp dụng mức thuế suất 0,03% chung cho các loại đất ở. Theo phương án này, số thu thuế đối với đất ở khoảng 1.209 tỷ đồng/năm, gấp hai lần so với số thu thuế hiện hành.

Phương án thứ hai, áp dụng thuế suất 0,06% đối với phần diện tích vượt hạn mức, phần diện tích trong hạn mức có thuế suất 0%. Phương án này có lợi thế là điều tiết cao trong các trường hợp có quyền sử dụng đất, góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ về đất. Phương án này cũng chỉ ra số thuế đối với đất ở thu được vào khoảng 49,3 tỷ đồng/năm, bằng 8,4% số thu hiện hành.

Phương án thứ ba áp dụng thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Đối với phần diện tích nằm trong hạn mức sẽ áp dụng mức thuế 0,03%, phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá ba lần hạn mức sẽ áp mức thuế 0,06%, phần diện tích vượt trên ba lần hạn mức thì áp dụng mức thuế suất 0,09%.
 
Trong phương án này, đối với các trường hợp có quyền sử dụng 01 mảnh đất với mức giá trung bình thì số thuế phải nộp thấp hơn hoặc tương đương với mức thu hiện hành.

Phương án ba được Chính phủ ủng hộ vì có ưu điểm điều tiết cao đối với trường hợp có quyền sử dụng nhiều đất. Theo phương án này, số thu thuế đối với đất ở khoảng 1.258 tỷ đồng/năm, gấp 2,1 lần so với số thu thuế đất hiện hành, trong đó đất ở tại đô thị chiếm 82% tổng doanh thu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, bên cạnh đất ở, thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng đầu cơ các loại hình nhà ở trong khi khả năng kiểm soát bằng chính sách chưa cao.

Vì vậy, dự luật cũng áp dụng mức thuế suất đối với nhà ở với 3 phương án.

Theo đó, phương án một áp dụng mức thuế suất 0,03% đối với loại nhà có giá trị tính thuế từ trên 500 triệu đồng, nghĩa là nhà ở có giá tính thuế từ trên 500 triệu đồng thì tính thuế trên toàn bộ giá trị nhà ở.

Phương án hai được Chính phủ ủng hộ sẽ áp dụng thuế suất 0% cho loại nhà có giá trị đến 500 triệu đồng, phần trên 500 triệu đồng áp dụng thuế suất 0,03%. Phương án này có ưu điểm là không điều tiết đối với những người sử dụng nhà ở có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình, điều tiết cao đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà ở.
 
Phần thảo luận, các ý kiến đều khẳng định tầm quan trọng của việc sửa đổi, nâng cao giá trị pháp lý của Pháp lệnh thuế, nhà đất bằng một đạo luật có giá trị cao và đầy đủ hơn nhằm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, tăng nguồn thu cho ngân sách.
 
Tuy nhiên, theo ông Hiển, hiện có ba luồng ý kiến trái chiều nhau về dự án luật.

Ý kiến thứ nhất cho rằng chưa nên thu thuế nhà vì giới đầu cơ thường nhắm tới tài sản đất có giá trị cao.

Ý kiến thứ hai đồng tình với phương án của ban soạn thảo dự luật, đánh thuế theo tỷ lệ hợp lý với mục đích dần đưa hoạt động nhà đất vào nề nếp thay vì mục tiêu hàng đầu là chống đầu cơ.

Có những ý kiến khác cho rằng dự luật thuế nhà, đất lần này phải lấy mục tiêu chống đầu cơ làm trọng giúp tăng thu cho ngân sách, vì vậy phải tăng cao các mức thuế suất đối với nhà và đất ở.

Chủ nhiệm Hiển cho rằng, Quốc hội nên quy định về mức thuế suất còn giá tính thuế thì nên giao cho địa phương thực hiện, vì giá đất tại mỗi địa phương vào từng thời điểm thường khác nhau.

Cũng theo ông Hiển, vấn đề được tranh luận nhiều nhất hiện nay xoay quanh việc có nên đánh thuế nhà hay không và phương án đánh thuế nhà như vậy đã hợp lý chưa. Bản thân ngôi nhà chỉ có giá trị sinh lời gấp nhiều lần khi đi kèm với đất.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật thuế nhà, đất của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ việc nhiều địa phương đề nghị chưa nên thu thuế đối với nhà ở, vì hiện nay người dân đang phải nộp nhiều loại thuế. Bên cạnh đó, việc kiểm soát diện tích, xác định chất lượng nhà còn phức tạp.

Một số ý kiến khác đề nghị cần phải có tính đột phá trong việc áp mức thuế suất đối với nhà, cụ thể là mức thuế khởi điểm phải cao hơn 0,03%, vì với mức thuế suất thấp như dự thảo và chỉ đánh thuế đối với nhà ở có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì mục tiêu hạn chế đầu cơ thông qua việc sử dụng công cụ thuế là không khả thi khi lợi nhuận thu được lớn gấp nhiều lần so với số thuế phải nộp.

Đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, dự án Luật thuế nhà, đất nên cho phép những người sở hữu nhiều nhà, thửa đất ở các địa phương khác nhau được quyền chọn một vị trí nhà và đất để tính hạn mức, số còn lại sẽ tính trên hạn mức và phải nộp thuế.