Đưa công nghệ vào quản lý bất động sản
Công nghệ sẽ thay đổi cách mua, bán và quản lý bất động sản theo hướng thuận lợi hơn.
Công nghệ đang được ứng dụng sân rộng vào lĩnh vực bất động sản. Giới phân tích chỉ ra rằng, các công nghệ sẽ thay đổi cách mua, bán và quản lý bất động sản theo hướng thuận lợi hơn.
Báo cáo của KPMG và nhánh đầu tư của tập đoàn Taronga Group - Real Tech Ventures – đơn vị mới huy động 100 triệu USD để đầu tư vào công nghệ bất động sản (proptech) ở Úc và nước ngoài, dự báo lượng vốn đầu tư vào các công ty proptech sẽ đạt ngưỡng 20 tỷ USD vào năm 2020.
Báo cáo này nhận định những lĩnh vực nhiều khả năng sẽ được đổi mới nhanh chóng và thu hút đầu tư là quy hoạch đô thị, thiết kế và xây dựng, tìm kiếm, bán và sáp nhập, cho thuê và quản lý, phân tích dữ liệu và phát triển bền vững.
Giải pháp linh hoạt giúp kinh doanh tốt hơn
Ông Steven Lang, Giám đốc nghiên cứu bất động sản thương mại Savills UK nhận định rằng, tuy công nghệ có tiềm năng biến đổi mọi khía cạnh của thị trường bất động sản, từ khâu mua bán đến thiết kế, nhưng hầu hết các cải tiến công nghệ được ứng dụng nhanh nhất hiện nay là các công nghệ tập trung vào việc quản lý bất động sản hiệu quả hơn.
Những công nghệ này bao gồm các ứng dụng và cảm biến cho biết có bao nhiêu người trong tòa nhà và ở khu vực nào. Từ đó có thể tự động tắt đèn và hệ thống sưởi để tiết kiệm năng lượng hoặc cung cấp dữ liệu cho khách thuê doanh nghiệp tại các tòa nhà văn phòng để họ thiết kế và quản lý không gian hiệu quả hơn.
Theo nhận xét của ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, nhờ các ứng dụng công nghệ tạo nên hiệu quả hơn cho thị trường bất động sản. Cụ thể, thông qua các nền tảng chia sẻ như AirBnB có công nghệ cao và Workthere với vai trò bán buôn đã đem lại những giải pháp linh hoạt hơn trong việc kinh doanh bất động sản phù hợp với nhu cầu của khách hàng thời hiện đại.
Đối với quản lý bất động sản là mảng dịch vụ có thể hưởng lợi ngay lập tức từ tác động tăng hiệu quả. Bởi vì, quản lý bất động sản có lợi nhuận tương đối thấp, nhu cầu nguồn lực lại khá cao và giá trị tài sản lớn.
Không nằm ngoài xu hướng ứng dụng công nghệ vào bất động sản của toàn cầu, Việt Nam đang chứng kiến các công nghệ thông minh được áp dụng vào nhiều khía cạnh của thị trường bất động sản. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai công nghệ vào quản lý bất động sản.
Với cơ cấu dân số trẻ và số lượng lớn người đam mê công nghệ (64 triệu người dùng internet, chiếm 66% dân số; 62 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, chiếm 64% dân số) là tiền đề cho việc nhanh chóng đón nhận công nghệ thông minh và dần bắt nhịp với xu hướng của thế giới.
Từ sử dụng ứng dụng thông minh trong bán hàng cho đến tích hợp thiết bị công nghệ trong các dự án bất động sản bao gồm cả không gian công cộng và không gian trong căn hộ, thương mại. Ngay cả các đơn vị quản lý bất động sản cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý và vận hành dự án một cách hiệu quả hơn.
Thay đổi cách mua, bán và quản lý
Trong xu hướng đó, Công ty Savills Việt Nam đang quản lý bất động sản với quy mô danh mục lên tới 5 triệu m2 diện tích thương mại và nhà ở (bao gồm khoảng 40.000 căn hộ chung cư) đã khai thác các công cụ công nghệ hiện đại vào trong lĩnh vực quản lý và vận hành dự án nhà ở.
Theo đó, Savills đã phát triển ứng dụng quản lý bất động sản Savills Property Management Solutions (SPMS), một phương tiện liên lạc giữa các bên từ chủ đầu tư, cư dân và khách thuê, đáp ứng việc tiếp nhận và phản hồi ngay lập tức đối với những yêu cầu cá nhân qua một hệ thống tự động.
Ngoài ra, hệ thống này còn có các tính năng cho phép người dùng thanh toán hóa đơn và đặt lịch sử dụng những dịch vụ tiện ích trong dự án. Một đơn vị quản lý bất động sản khác là Savista cũng đã đưa vào ứng dụng cổng thông tin liên kết giữa cư dân và ban quản lý toà nhà, khu căn hộ.
Thông qua hệ thống ứng dụng Salink được cài đặt trên điện thoại di động, chủ các căn hộ có thể kết nối nhiều dịch vụ tận nhà, xem xét và thanh toán các hóa đơn dịch vụ hằng tháng, cập nhật thông báo từ ban quản lý, mua sắm nhu yếu phẩm. Với ứng dụng này, cư dân còn có thể tìm kiếm, mua bán, cho thuê bất động sản.
Bà Trần Minh Ái, giám đốc Quản lý bất động sản, Savills Tp.HCM nhận định, với quy mô danh mục quản lý ngày càng mở rộng, giải pháp để quản lý và vận hành các dự án một cách hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực hơn. Thay vì phải gặp mặt trực tiếp hoặc liên hệ qua điện thoại với ban quản lý để yêu cầu sửa chữa, đặt lịch sử dụng tiện ích trong dự án hoặc thanh toán các chi phí liên quan, cư dân có thể nhanh chóng thao tác đơn giản trên ứng dụng qua điện thoại.
Đối với ban quản lý, thay vì ghi nhận và lưu những thông tin một cách thủ công, ban quản lý có thể lưu trữ ngay trên hệ thống và điều phối nhân sự nhanh chóng hiệu quả, giảm lỗi từ con người gây ra. Thay vì truyền tải những thông báo tới cư dân qua bảng tin hay liên lạc trực tiếp, ban quản lý hay chủ đầu tư có thể gửi thông báo qua hệ thống, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Hơn thế, các hệ thống quản lý bất động sản có khả năng lưu trữ lịch sử thông tin của tất cả các dự án; qua đó tất cả thông tin trao đổi giữa các bên ban quản lý. Ban quản trị, chủ đầu tư và cư dân đều minh bạch rõ ràng, tránh những hiểu lầm tranh chấp không đáng có khi xảy ra. Tất cả báo cáo kỹ thuật và phản hồi về chất lượng dịch vụ được cư dân gửi đến hệ thống cũng sẽ được lưu giữ và là cơ sở để ban quản lý và chủ đầu tư cải thiện hoạt động quản lý và vận hành dự án theo thời gian.
Có thể thấy, công nghệ sẽ dần giúp cho hoạt động quản lý bất động sản chuyên nghiệp hơn. Đây là xu hướng không thể phủ nhận. Theo báo cáo Đầu tư Proptech toàn cầu 1H2018 của YoStartups, trong giai đoạn từ 2005 đến tháng 6/2018, tổng lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cho bất động sản có giá trị khoảng 70 tỷ USD, trong đó hơn 54% khoản tiền tập trung từ năm 2016-2018.