Dừng chân một tí ở… Y Tý
Ngày trước, Y Tý là nơi “khỉ ho cò gáy”. Nói đi Y Tý ai cũng kinh. Bây giờ Y Tý đã có điện lưới quốc gia về tận từng nhà dân, phủ sóng điện thoại di động và có cả Internet. Rời sân ga Lào Cai, bạn đi xe ô tô lên thị trân Bát Xát rồi từ đó men theo các đường núi đi khoảng 70km là đến Y Tý. Đó là một thung lũng nằm ở độ cao trên 2.000m, lưng tựa vào dãy núi Nhù Cù San, gần như quanh năm mây phủ.
Y Tý mùa xuân
Mảnh đất lưng chừng trời này hút hồn mọi người ở hai thời điểm, đó là mùa lúa dát vàng trên những cung ruộng bậc thang và khi mùa xuân vẫy gọi. Mùa xuân, Ý Tý quyến rũ như cô sơn nữ vừa bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Kìa những cành đào mốc, đào rừng hôm nào đóng băng trong giá lạnh, sương tuyết, nụ cứng lại như hạt ngô, tưởng không bao giờ nở được. Thế mà, mấy hôm nắng ấm bừng lên, cả cây đào bung nở rực rỡ như được bàn tay vô hình nào nhuộm đỏ. Đào nở hết mình, nở cạn đến tận nụ cuối cùng, từng cành rung rinh trong nắng gió. Giống đào rừng mọc tự nhiên trên các sườn đồi và trong rừng già, qua mùa đông rụng không còn chiếc lá nào trên cành, chỉ toàn nụ và nụ kết chùm. Mỗi nụ đào rừng không nở một bông như đào vườn, mà xòe ra 3 - 4 bông hoa treo tựa như những quả chuông nhỏ đỏ thắm. Những ngôi nhà tường trình của đồng bào Hà Nhì mái xanh, mái đỏ ẩn hiện trong một rừng hoa đào, hoa mận đẹp đến nao lòng.
Ý Tý khi mùa xuân vào độ “chín” cũng là mùa hoa đỗ quyên. Loài hoa thân gỗ chỉ mọc trong rừng sâu, nơi âm u hiểm trở, thung lũng hun hút, vách đá cheo leo, quanh năm mây mù bao phủ. Đỗ quyên như thách thức với sự khắc nghiệt của tự nhiên, cứ lặng lẽ nở hoa giữa rừng già, tỏa hương trong mưa mù, sương lạnh. Trên những cành cây rêu phong chằng chịt tưởng như không còn sự sống, bỗng bung ra chùm hoa hồng phấn, đỏ rực như lửa cháy hoặc trắng muốt lạ kỳ. Có loài đỗ quyên hoa nở lâu, hàng tuần, thậm chí hằng tháng không tàn. Bông hoa này vừa rơi xuống, bông hoa khác lại nở ngay. Mùa đỗ quyên nở, cũng là mùa yêu trên bản cao này. Những chàng trai Hà Nhì lại lặn lội vào rừng sâu, tìm những chùm hoa đẹp nhất mang về tặng người mình yêu thay cho lời tỏ tình thủy chung. Cành hoa đỗ quyên như một minh chứng cho mối tình của họ…
Lên với Ý Tý mỗi độ xuân về, bạn còn được thưởng thức một thứ đặc sản của riêng vùng đất này mà ít nơi có được, đó là… mây. “Săn” mây Ý Tý ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển là niềm đam mê đặc biệt của nhiều nhiếp ảnh gia từ Nam ra Bắc. Sau Tết Nguyên đán đến tháng Hai, tháng Ba là vào mùa mây đẹp nhất. Có những buổi sớm, mây nằm dưới thung lũng bồng bềnh tuôn chảy tạo thành một dòng sông mây khổng lồ. Có lúc mây cuộn lên, xô vào nhau như những ngọn sóng. Khung cảnh Ý Tý kỳ ảo như ở xứ sở thần tiên khi có mây luồn qua thung lũng phản chiếu sắc màu của những tia nắng đầu tiên. Những bản làng của đồng bào Hà Nhì,những ngọn cây thấp thoáng ẩn hiện giữa biển mây trắng sữa, những đỉnh núi điệp trùng mây phủ phối màu đẹp như một bức họa kỳ vĩ của thiên nhiên.
Kỳ thú chợ phiên
Cứ đến thứ Bảy hằng tuần, đồng bào ở khắp các bản làng trong vùng lại nô nức đến chợ phiên Ý Tý. Khi ra chợ, mọi người thường mang theo những mặt hàng nông sản bán cho khách. Bạn đừng bỏ qua một món đặc sản: “Bánh dầy chấm mật ong rừng”. Bánh dầy được đồng bào làm từ gạo nếp mới, đãi sạch gạo rồi đồ thành xôi, sau đó đưa vào cối giã mịn, nặn thành bánh, trong có nhân đậu đỏ. Những ngày trời se lạnh, được thưởng thức vị thơm ngọt và bùi của bánh, vị ngọt sâu của mật ong rừng, ngon miệng và ấm lòng lạ thường. Lang thang chợ một vòng, hãy thử thêm một món đặc sản khác: “Ngó cây thảo quả xào mỡ lợn”. Nghe thì chẳng mấy thiện cảm, nhưng khi ăn rồi, bạn mới cảm nhận được sự tuyệt vời của nó. Đồng bào ở đây chọn những ngó cây thảo quả mập, rửa sạch, để ráo nước, thái mỏng ngang thớ, sau đó cho mỡ lợn vào chảo đun nóng rồi bỏ ngó thảo quả vào, cho thêm gia vị, xào đến khi chín tới thì bày ra đĩa, ăn khi còn nóng. Món ngó thảo quả xào mỡ lợn có vị đặc trưng của thảo quả, giòn và có vị ngọt sâu, rất thơm.
Ngoài những mặt hàng nông sản truyền thống, chợ phiên Ý Tý còn có rất nhiều hàng tiêu dùng, như hàng may mặc, điện tử… do Việt Nam và Trung Quốc sản xuất. Nhìn vào chợ, thấy đây không chỉ là bức tranh với những nét văn hoá đặc trưng, quyến rũ của vùng cao, mà còn phản ánh rõ nét về kinh tế của người dân nơi đây. Những sắc màu thổ cẩm các dân tộc: Mông, Dao, Hà Nhì, lúc ẩn lúc hiện trong chợ; phiên chợ đông vui như hội, đồng bào xuống chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hoá, mà còn để trao duyên. Đó là nét rất riêng của chợ phiên vùng cao Ý Tý.
Những ngôi nhà đất
Ở Ý Tý có một kiến trúc nhà ở đặc biệt, đó là nhà trình tường. Một kiểu nhà còn giữ được nét hoang sơ nguyên thủy theo lối kiến trúc truyền thống của người Hà Nhì. Nhà thường được kết cấu hình chữ nhật, có một cửa chính và cửa tò vò thông gió ở trên cao, không có cửa sổ, nhưng mùa đông rất ấm áp mà mùa hè lại mát mẻ. Tường nhà được nện bằng đất rất dày, từ 30 - 40cm. Mái nhà chủ yếu được lợp bằng gỗ. Tại đây, bạn sẽ bắt gặp các hộ gia đình người Hà Nhì sống trong những ngôi nhà trình tường ở trên núi, bên cạnh những con suối và những lối mòn quanh năm rụng đầy lá cây rừng...
Theo lời kể của bà con dân bản, vào khoảng tháng 3, dân cư ở Ý Tý lại nô nức tổ chức lễ “cúng rừng” (tiếng địa phương gọi là lễ cúng “gà ma do”) để thể hiện lời hứa với thần rừng là không xâm hại đến rừng thiêng. Lễ vật dâng cúng thần rừng gồm có một con lợn chừng 60kg, 6 con gà, 6 mâm xôi và 6 lít rượu. Mỗi nhà phải cử ít nhất một người ăn mặc theo trang phục cổ truyền của dân tộc để vào khu “rừng thiêng” của thôn để cúng. Đặc biệt, tất cả mọi người phải bỏ giày dép, đi chân đất. Theo quan niệm của người Hà Nhì, như vậy mới thể hiện được sự tôn trọng đối với thần rừng.
Tuy đường lên Y Tý khá khó khăn nhưng rất đáng để mỗi năm bạn có một chuyến “off-road” như vậy. Những ai đã đến Y Tý một lần thì đều thú nhận rằng họ không thể không đến đây nhiều hơn để được chìm đắm vào miền cổ tích đầy sương giăng trắng xóa hay ruộng lúa chín vàng, hoặc cảnh đẹp của thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ. Không biết Y Tý rồi có giống Sa Pa hay không, dần dà mất đi hết cái hoang sơ, dại khờ của mình để nhường chỗ cho dịch vụ du lịch? Hy vọng rằng chốn thiên đường giữa dương gian ấy chẳng bao giờ nói hết mọi điều bí mật với con người.
Thời điểm thích hợp đi Y Tý
Không chỉ nổi tiếng với Mây mà Y Tý còn rất đẹp vào mùa lúa chín, chính vì vậy bạn có thể đến Y Tý vào cuối tháng 8 đến khoảng giữa tháng 9 sẽ được ngắm những rộng bậc thang lúa chín vàng óng.
Mùa săn mây Y Tý từ tháng 9 đến hết tháng 4, đôi khi tháng 5, tháng 6 cũng có nhưng rất hiếm. Thường thì cuối tháng 4 là hết rồi. Mùa đông ở Y Tý có những năm có tuyết rơi như Sapa và Mẫu Sơn.
Phương tiện đi Y Tý
.Từ Hà Nội bạn có 3 lựa chọn để đi tới Y Tý: đầu tiên là đi bằng xe máy (tuy nhiên quãng đường là khá xa), phương tiện thứ 2 là xe khách giường nằm chất lượng cao đi từ Hà Nội lên thành phố Lào Cai rồi từ Lào Cai các bạn thuê xe máy đi Y Tý, và phương tiện thứ ba là tàu hỏa đến ga Lào Cai rồi các bạn cũng thuê xe máy đi Y Tý. Chi phí thuê xe máy là 200.000 đồng/xe/ngày và tự đổ xăng.
.Cung đường đi từ Lào Cai sẽ là: Lào Cai – Bát Xát - Lũng Pô (cột mốc 92) nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt - A Mú Sung - A Lù – Y Tý
.Cung đường về sẽ là: Y Tý - Mường Hum - Sa Pa - Lào Cai.
.Nếu xuất phát từ Sa Pa thì nên bạn nên chạy theo cung đường: Sa Pa - Ô Quy Hồ - Tả Giàng Phình - Mường Hum - Dền Thàng - Y Tý – cánh đồng A Lù – Dền Sáng và quay về Sa Pa.
Nghỉ đêm và ăn uống tại Y Tý
Các bạn có thể thuê nhà dân ngủ với mức giá từ 50.000 – 70.000 đồng/người/đêm, hoặc bạn cũng có thể đi xa hơn chút đến Đồn Biên phòng giá sẽ rẻ hơn, ăn uống cũng đặt nhà người dân luôn. Một vào số điện thoại của nhà dân có kinh doanh dịch vụ ăn - ở:
.Nhà chị Mỷ: 020 350 1320.
.Nhà cô Si: 0127 456 667.
.Nhà nghỉ Minh Thương (đối diện chợ Y Tý): 0948 840 483 – 0916 729 534.
.Quán ăn chị Lệ: 012 4441 3718.
Quán Vọng Hằng (nhà thứ 2 từ cổng chợ): 020 350 1299.
Duyệt Thành