Đừng để nỗi sợ lạm phát thành sự thật
“Cú sốc” đẩy lạm phát ở nhiều nước tăng mạnh trong quý đầu tiên năm 2022 lại chính là cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, thay vì chỉ là cầu kéo hay chi phí đẩy. Tuy nhiên, nếu nhìn vào nhóm hàng hóa có tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là nhóm ăn uống, nhà ở, chi phí đi lại, thì việc kiểm soát lạm phát là hoàn toàn trong tầm tay...
Trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng cả quốc tế và trong nước, lạm phát đang là một chủ đề nóng mà từ người dân, doanh nghiệp, đến các nhà hoạch định chính sách đều quan ngại.
Nhưng vì sao cách ứng phó với lạm phát của các chính phủ và ngân hàng trung ương lại khác nhau? Vì sao lạm phát tâm lý lại nguy hiểm?
NGUYÊN NHÂN VÀ BỐI CẢNH KHÁC NHAU
Khi đại dịch Covid-19 có xu hướng được kiểm soát và các nền kinh tế tính đến chuyện hồi phục từ cuối năm 2021, thì lạm phát đã được các nhà hoạch định chính sách và thị trường lưu ý một cách thận trọng. Bởi khi các hoạt động kinh tế - xã hội quay trở lại bình thường, dù là bình thường mới, thì giá cả sẽ tăng do cầu kéo.
Tuy nhiên, sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu đã không như dự tính, khiến cho giá cả tăng ở nhiều nền kinh tế là do chi phí đẩy. Chi phí vận chuyển, đặc biệt là đường biển tăng vọt là nguyên nhân đẩy giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh, kéo theo đó là hiệu ứng domino.
Nhưng cú sốc đẩy lạm phát ở nhiều nước tăng mạnh trong quý đầu tiên năm 2022 lại chính là cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Giá của thị trường hàng hóa có liên quan trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng như năng lượng, thực phẩm, hoặc gián tiếp như kim loại nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất đã đẩy lạm phát của nhiều quốc gia lên mốc lịch sử, như ở Mỹ và một số nước EU.
Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu với các trung tâm xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á vẫn còn nhiều bất định với làn sóng Covid-19 mới. Việc Trung Quốc mới đây phong tỏa ở một số thành phố lớn ngay lập tức ảnh hưởng đến đơn hàng ở nhiều nước, dây chuyền sản xuất ở nhiều nơi phải giảm công suất hoặc bị buộc phải tạm ngừng.
Bối cảnh và xuất phát điểm lạm phát của các nước là khác nhau nên chính sách cũng rất khác biệt. Các nền kinh tế đã phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản sau nhiều năm lạm phát thấp và ảnh hưởng của Covid-19 thì lạm phát được cho là sẽ tăng vọt trong một thời gian ngắn rồi sẽ quay về lại với lạm phát mục tiêu. Đối với các nền kinh tế này, điểm quan trọng của lạm phát là vấn đề chi phí đẩy, tức bài toán chuỗi cung ứng.
Hơn nữa, dự phóng tăng trưởng của các nền kinh tế là khác nhau, nên lúc này chính sách của các nền kinh tế lớn cũng rất khác nhau. Chẳng hạn, tại Mỹ thì Fed tăng lãi suất, giảm mua trái phiếu khi tin ở sự phục hồi của nền kinh tế; trong khi ECB thì vẫn tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, chưa vội tăng lãi suất; Nhật Bản thì tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế với hy vọng lạm phát chỉ tăng trong ngắn hạn; còn riêng Trung Quốc thì dự kiến giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
SỰ KHÁC BIỆT Ở RỔ HÀNG HÓA DỊCH VỤ
Khi đề cập đến lạm phát, phần lớn đều nói đến con số % tăng mà ít để ý là cái gì tăng. Lạm phát tính theo CPI là dựa trên một rổ hàng hóa dịch vụ với các tỷ trọng khác nhau. Trong một thời kỳ thì có những loại hàng hóa, dịch vụ tăng và có những loại giảm, nhưng quan trọng là những loại tăng, giảm chiếm tỷ trọng có lớn hay không trong rổ hàng hóa.
Ví dụ như cơ quan thống kê của Chính phủ Pháp (INSEE), họ thu thập giá hàng tháng của 160.000 mặt hàng dịch vụ ở 30.000 điểm bán, 500.000 mặt hàng từ internet (thủ công hoặc bot), cũng như theo dõi qua phiếu tính tiền của các cửa hàng lên đến 80 triệu mức giá.
Tỷ trọng của các hàng hóa dịch vụ trong chỉ số giá tiêu dùng ở Pháp hiện nay cao nhất là thực phẩm, với 17,5%, nếu tính cả ăn uống ở nhà hàng là 23,9%. Nếu so sánh với Việt Nam thì riêng tỷ trọng này ở Việt Nam đã là 33,56%. Các nhóm hàng hóa dịch vụ trong rổ tính CPI cũng khác nhau giữa Pháp và Việt Nam. Chẳng hạn Pháp chia cụ thể: xe hơi, xăng dầu, chăm sóc cá nhân và giáo dục không đáng kể, thì ở Việt Nam lại có giáo dục, quần áo, giầy dép.
Bởi vì nhóm hàng hóa dịch vụ và tỷ trọng khác nhau nên khi lạm phát tăng cao, các chính phủ sẽ phải có cách thích ứng khác nhau.
Ở Pháp, khi giá xăng dầu tăng thì Chính phủ có các chính sách trợ giá như giảm thuế, giảm cho những cá nhân doanh nghiệp phải sử dụng phương tiện đi lại nhiều. Mới đây nhất là dự định đánh thuế những tập đoàn năng lượng có lợi nhuận đột biến do giá năng lượng tăng và lấy nguồn đó để hỗ trợ. Pháp cũng đang thực hiện việc tuyên truyền ý thức tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sinh hoạt vì ước tính tiết kiệm có thể giúp giảm đến 20-30% chi phí.
CHÍNH SÁCH NÀO CHO VIỆT NAM?
Lạm phát giai đoạn này ở các nước là do chi phí đẩy và phần lớn là do giá thế giới tăng chung. Tuy nhiên, tỷ trọng trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI của Việt Nam phần lớn là ăn uống, nhà ở, chi phí đi lại, nên việc kiểm soát lạm phát là hoàn toàn trong tầm tay.
Điều cần nhất là Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước phát đi các thông điệp rõ ràng nhất quán trong việc bình ổn giá cả, kiểm soát lạm phát, bởi vì lạm phát là kỳ vọng. Như Bộ Xây dựng mới đây vừa có chỉ đạo cho các địa phương trong việc minh bạch giá xây dựng, vật liệu nhằm kiểm soát việc đầu cơ thổi giá. Trong trường hợp cần thiết, việc hỗ trợ giá xăng dầu qua giảm thuế phí cũng là một chính sách phù hợp, như việc giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/4/2022.
Như vậy, việc hiểu rõ cách tính chỉ số lạm phát cũng như bối cảnh hiện tại của nền kinh tế, mục tiêu của nền kinh tế trong trung và dài hạn là rất cần thiết từ phía người dân và doanh nghiệp. Từ đó tránh rơi vào tình trạng vì quá lo lắng mà “bệnh sinh tại tâm”. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần đẩy mạnh tuyên truyền đúng và đủ, đề phòng và xử lý nghiêm những trường hợp trục lợi từ nỗi lo lạm phát của người dân.
--------
(*) Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global.