12:14 28/03/2022

Giới phân tích lo Fed sẽ phải tăng lãi suất mạnh như hồi thập niên 1980 để chống lạm phát

An Huy

Trong một báo cáo hôm thứ Sáu vừa rồi, các chuyên gia kinh tế của Citigroup dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong 4 cuộc họp tới đây...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.

Tình hình lạm phát ở Mỹ đang nóng đến nỗi các nhà băng ở Phố Wall lần lượt đưa ra dự báo cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hành động quyết liệt hơn so với dự kiến nhằm hạn chế đà leo thang của giá cả.

Tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs gây ngạc nhiên khi đưa ra dự báo cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong hai cuộc họp chính sách tiền tệ tới đây.

Hai ngân hàng khác là Morgan Stanley và Jefferies nhanh chóng thể hiện quan điểm đồng tình với nhận định này, cho dù từ năm 2000 tới nay, chưa có cuộc họp nào Fed nâng lãi suất với bước nhảy lớn như vậy.

Tiếp đó là Citigroup, với dự báo thậm chí còn gây sửng sốt hơn. Trong một báo cáo hôm thứ Sáu vừa rồi, các chuyên gia kinh tế của Citigroup dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong 4 cuộc họp tới đây. Không chỉ vậy, Citigroup còn tính đến khả năng Fed hành động mạnh tay hơn, tăng lãi suất với bước nhảy như vậy trong tất cả các cuộc họp còn lại của năm nay.

Những dự báo này phản ánh mức độ lo ngại về triển vọng lạm phát. Tình hình đã xấu đi nhiều trong những tuần gần đây, khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine kéo theo sự leo thang chóng mặt của giá lương thực-thực phẩm, năng lượng và hàng hoá cơ bản khác.

“Với dữ liệu lạm phát có thể sẽ rất mạnh trong tháng 3 này và tiếp tục ở mức cao trong tháng 4. Chúng tôi cho rằng sẽ rất khó để các quan chức Fed lập luận vì sao họ không nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm”, báo cáo của Citigroup được trang CNN Business trích dẫn.

Báo cáo này cảnh báo rằng nếu lạm phát “bất ngờ tăng tốc” hoặc kỳ vọng lạm phát dài hạn tăng nhanh, có khả năng Fed nâng lãi suất nhiều hơn 0,5 điểm phần trăm trong mỗi lần họp.

Thông thường, Fed nâng lãi suất với tốc độ từ tốn, chỉ 0,25 điểm phần trăm mỗi lần nâng. Nhưng với giá tiêu dùng ở Mỹ đang tăng với tốc độ mạnh nhất 40 năm, không thể coi thời điểm này là bình thường. Tháng 2 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982.

Cách đây mới chỉ 1 năm, các quan chức Fed phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương này có thể không tăng lãi suất cho tới ít nhất năm 2024. Giờ đây, các nhà đầu tư đang dự báo Fed có 6-7 lần tăng lãi suất trong năm nay.

Lần gần đây nhất Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm hoặc hơn mỗi lần trong 4 cuộc họp liên tiếp là vào cuối năm 1994 đầu năm 1995. Chuỗi lần nâng lãi quyết liệt đó đã dẫn tới biến động lớn trên thị trường tài chính Mỹ, với thị trường trái phiếu sụt giảm chóng mặt và các quỹ phòng hộ thua lỗ trầm trọng. Chỉ vài tháng sau đó, Fed buộc phải đảo ngược chính sách, bắt đầu cắt giảm lãi suất trở lại.

Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rằng Fed đã sẵn sàng đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát bị cho là chậm trễ.

“Đang có một sự cần thiết rõ ràng phải hành động nhanh chóng để đưa lập trường chính sách tiền tệ về một mức độ trung tính hơn”, ông Powell phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội Kinh tế học kinh doanh Quốc gia (NABE) tổ chức.

Điều này cho thấy Fed đang chuyển từ hỗ trợ hết mức có thể cho nền kinh tế sang trạng thái “hãm phanh”. Sự dịch chuyển lập trường này là hợp lý, xét tới lạm phát đang cao và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, Fed càng “hãm phanh” mạnh bao nhiêu, thì nguy cơ xảy ra xáo trộn trên thị trường tài chính và nền kinh tế sẽ càng lớn bấy nhiêu.