10:55 09/06/2021

Được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, vải thiều Bắc Giang có mặt trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ

Song Hà

Hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội, quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày… là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều Bắc Giang nổi tiếng trong và ngoài nước...

Vải thiều Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia.
Vải thiều Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia.

Quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia). Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Đây chính là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu vào các thị trường lớn tiềm năng. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã có mặt trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chia sẻ tại “Hội nghị trực tuyến Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2021”, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2021, trước bối cảnh chung của đại dịch Covid-19, Bắc Giang đã quản lý chặt các đối tượng F0 (chỉ có trong các khu công nghiệp) không để lây ra cộng đồng.

Lục Ngạn là vùng vải thiều lớn nhất của tỉnh không Covid. Với những cách làm năng động, sáng tạo và triển khai các giải pháp hết sức cụ thể, quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều, đến nay đã khẳng định, vải thiều Bắc Giang có chất lượng cao nhất từ trước đến nay. “Hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội, quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày… là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều Bắc Giang nổi tiếng trong và ngoài nước”, ông Tuấn khẳng định.

Năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, để ứng phó trong bối cảnh này, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021. Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các phương án, kịch bản tiêu thụ vải thiều. Tỉnh Bắc Giang tái cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Ông Tuấn nhấn mạnh, tỉnh chỉ đạo cácđơn vị liên quan cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhấtnhư phòng chống dịch Covid-19, nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, Bắc Giang đã chủ động nhanh nhạy phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ, ngành khác áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới là một hướng đi đúng trong thực tế hiện nay.

Cách tiếp cận và giải quyết vấn đề rất sáng tạo của Bắc Giang phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh Covid -19 bùng phát cục bộ ở một vài nơi trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng, sau sự kiện này sẽ có thêm nhiều đối tác, bạn hàng tiếp tục đến với Bắc Giang, với Việt Nam qua thương mại điện tử, các sàn giao dịch điện tử hoặc trực tiếp… khi điều kiện cho phép để thu mua, kinh doanh vải thiều cũng như nhiều sản phẩm đặc trưng khác.

“Tôi mong rằng từ nay, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản tới vụ của Việt Nam, nhất là những trái cây tươi không chất bảo quản tới tay người tiêu dùng sớm nhất ở cả thị trường trong nước và nước ngoài, cả thị trường truyền thống và thị trường mới”, ông Diên nhấn mạnh.