Đường đi nào cho tỷ giá USD/VND quý 2?
Chuyên gia từ SSI cho rằng mặt bằng tỷ giá sẽ vẫn duy trì ổn định quanh mức 23.200 đồng/USD
Về mặt bằng chung, tỷ giá USD/VND duy trì xu hướng đi ngang từ đầu năm đến nay do lượng dự trữ ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước vẫn ở mức cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố tạm hoãn kế hoạch nâng lãi suất.
Báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, do đồng USD (chỉ số Dollar Index - DXY) tăng từ đầu năm đến nay khiến hầu hết các đồng tiền trong khu vực suy yếu, đồng nhân dân tệ giảm -1,84%, Baht Thái giảm -1,38%, Rupiah Indonesia giảm -1,48%, trong khi đó VND ít biến động nhất chỉ giảm nhẹ -0,03%.
Đồng NDT giảm -6% so với đồng USD năm 2018, trong khi đó, VND chỉ giảm nhẹ -0,4% dù Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đồng NDT giảm giá mạnh gây áp lực điều chỉnh rất lớn lên VND.
MBS đánh giá cao khả năng giữ ổn định tỷ giá của chính phủ trong năm qua thông qua việc chủ động mua USD để nâng dự trữ ngoại hối. Nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu tiếp tục tăng, cùng sự hỗ trợ của dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ vào Việt Nam trong năm 2018 và quý 1/2019, và kỳ vọng FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất góp phần giảm áp lực lên đồng tiền các nước mới nổi và VND.
Nhìn nhận về đường đi của tỷ giá, theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), từ đầu năm đến hiện tại, tỷ giá tự do giao dịch dưới mức giá của tỷ giá liên ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước liên tục nâng cao tỷ giá trung tâm nhằm đề phòng xu hướng biến động tỷ giá USD/VND trước kết quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Với mức giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước dao động quanh ngưỡng giá 23.200 VND đã khiến các ngân hàng không có áp lực giảm mức giao dịch tỷ giá xuống ngang bằng với tỷ giá tự do. Bên cạnh đó, với tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa có kết quả rõ ràng cùng với động thái chờ đợi của FED, chỉ số Dollar Index cũng nằm trong xu hướng tích lũy khi dao động trong vùng điểm 96-98.
Vận động của tỷ giá trong quý 2 sẽ phụ thuộc lớn vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và các ứng đối của FED trong tháng 6 trước tình hình tăng trưởng chậm của nền kinh tế Mỹ.
Với tình hình hiện tại, BSC dự đoán tỷ giá và chỉ số DXY sẽ tiếp tục duy trì tình trạng đi ngang này khi các sự kiện vĩ mô chưa có sự đột phá.
Trong khi đó, phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho rằng với cung cầu USD thuận lợi, tỷ giá giao dịch ổn định trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục nâng lên.
Trong bối cảnh này, ông Linh đánh giá dù nguồn cung ngoại tệ các tháng tới có thể bớt thuận lợi hơn nhưng tỷ giá USD/VND vẫn sẽ duy trì ổn định nhờ vào 3 yếu tố sau: Thứ nhất, diễn biến tích cực của đàm phán thương mại Mỹ - Trung hỗ trợ sự ổn định của đồng CNY, giảm sức ép với VND.
Thứ hai là chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn duy trì ở mức khá cao (1,5-1,7%/năm) và thứ ba là dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được củng cố và đang ở mức tốt nhất từ trước tới nay sẽ gia tăng nguồn lực để Ngân hàng Nhà nước bình ổn thị trường khi có biến động. Do đó, chuyên gia từ SSI cho rằng mặt bằng tỷ giá sẽ vẫn duy trì ổn định quanh mức 23.200 đồng/USD.